Ukraine sẽ được nhận F-16, nhưng rồi sao nữa?

Sau khi được Mỹ đồng ý, Hà Lan và Đan Mạch đã cam kết chuyển giao máy bay F-16 cho Ukraine, dự kiến bắt đầu từ tháng 1/2024. Nhưng, liệu những chiến đấu cơ này có thể tạo ra khác biệt trên chiến trường, hay nói cách khác, Ukraine sẽ làm được gì với thứ vũ khí mới được tiếp viện?

Tâm lý lạc quan sau tín hiệu đèn xanh

Thông tin đầu tiên của sự kiện được loan tải vào hôm 18/8, khi một số quan chức của Hà Lan và Đan Mạch nói với báo giới rằng Mỹ đã đảm bảo sẽ phê duyệt tất cả các yêu cầu chuyển giao F-16 cho Ukraine mà hai nước này đề xuất, nếu các phi công Ukraine hoàn thành khóa huấn luyện. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó cũng khẳng định Đan Mạch và Hà Lan đã nhận được “các cam kết chính thức” về vấn đề này.

Tổng thống Ukraine Zelensky bắt tay Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trong cuộc họp báo công bố việc chuyển giao F-16. Ảnh: EFE

Đến ngày 20/8, mọi chuyện được chính thức xác nhận khi Thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte đón tiếp Tổng thống Ukraine Zelensky tại căn cứ không quân Eindhoven. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với ông Zelensky, ông Rutte nói: “Hôm nay, chúng tôi có thể thông báo rằng Hà Lan và Đan Mạch cam kết chuyển giao máy bay F-16 cho lực lượng không quân Ukraine với sự hợp tác của Mỹ và các đồng minh khác”.

Như vậy là cùng tham gia việc chuyển giao F-16 cho Ukraine với Hà Lan còn có Đan Mạch. Thủ tướng nước này, bà Mette Frederiksen thậm chí cho biết chi tiết hơn rằng, Đan Mạch sẽ cung cấp 19 máy bay cho Ukraine. Thủ tướng Frederiksen nói bà “hy vọng 6 chiếc sẽ xuất hiện vào khoảng năm mới, 8 chiếc nữa được chuyển giao trong năm 2024 và 8 chiếc còn lại vào năm 2025”.

Hà Lan không cam kết về số lượng F-16 mà họ sẽ cung cấp cho Ukraine nhưng Thủ tướng Mark Rutte cũng gửi đi tín hiệu đầy ẩn ý rằng, nước này đang sở hữu 42 chiếc F-16 và chúng đều trong quá trình chuẩn bị được thay thế bằng những chiến đấu cơ F-35 hiện đại hơn.

Nếu Hà Lan chuyển giao hết số F-16 của họ cho Ukraine, lực lượng không quân của ông Zelensky có thể sở hữu tổng cộng 61 chiến đấu cơ loại này. Đấy là một sự bổ sung cực kỳ đáng kể trong bối cảnh Kiev hầu như không thể phản kháng trên bầu trời, cũng như không thể hỗ trợ cho các lực lượng mặt đất với dàn tiêm kích MiG-29 cũ kỹ được biên chế từ thời Chiến tranh Lạnh.

Tổng thống Zelensky vì thế tỏ ra rất hài lòng trong cuộc họp báo với Thủ tướng Rutte. Nhà lãnh đạo Ukraine đã công bố trên mạng xã hội bức ảnh chụp chung cùng ông Rutte trước một chiếc F-16 và sau đó là những thước phim quay cảnh ông bước vào buồng lái của chiếc máy bay. Trong bài đăng, Tổng thống Zelensky hào hứng nói ông đã đạt được thỏa thuận “lịch sử” và mang tính đột phá “để tăng cường lá chắn trên không của Ukraine”.

Tổng thống Ukraine Zelenskiy và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen ngồi trên chiếc F-16 tại căn cứ không quân Skrydstrup. Ảnh: Reuters

Ông Zelensky thậm chí còn đưa ra tuyên bố khá chắc chắn về số lượng máy bay mà Kiev có thể nhận từ Amsterdam. “Mark Rutte và tôi đã đạt được thỏa thuận về số lượng F-16 sẽ được chuyển giao cho Ukraine sau khi các phi công và kỹ sư của chúng tôi hoàn thành khóa đào tạo của họ”, Tổng thống Zelensky viết, “42 máy bay phản lực. Và điều này chỉ là khởi đầu”.

Chặng đường phía trước còn dài và nhiều thách thức

Trước tin tức về việc hai quốc gia thuộc NATO sẽ viện trợ F-16 cho Ukraine, lập tức đã có những phản ứng giận dữ từ phía Nga. "Việc Đan Mạch quyết định tặng 19 máy bay F-16 cho Ukraine sẽ dẫn đến leo thang xung đột", Đại sứ Nga tại Đan Mạch, ông Vladimir Barbin cho biết trong một tuyên bố với hãng tin AFP.

Còn Ngoại trưởng Nga, ông Sergei Lavrov ngay từ hồi tháng 7 từng nhấn mạnh Moscow sẽ coi F-16 là mối đe dọa "hạt nhân" vì chúng có khả năng mang vũ khí nguyên tử. Phát biểu với hãng thông tấn quốc gia TASS, ông Lavrov nêu rõ: “Chúng tôi đã thông báo cho các cường quốc hạt nhân Mỹ, Anh và Pháp, rằng Nga không thể bỏ qua khả năng mang vũ khí hạt nhân của những chiếc máy bay này... Chúng tôi sẽ coi thực tế là lực lượng vũ trang Ukraina có những hệ thống như vậy là mối đe dọa từ phương Tây trong lĩnh vực hạt nhân”.

Một chiếc F-16 của Hà Lan. Ảnh: Reuters

Bình luận về quyết định cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine của phương Tây, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, Dmitry Medvedev khuyên châu Âu không nên quá say mê với “trò chơi máy bay đồ chơi” của mình. Thông qua một bài đăng trên nền tảng Telegram, ông Medvedev thậm chí còn đính kèm bức ảnh chiếc máy bay chiến đấu của phát xít Đức bị Liên Xô bắn hạ trong Thế chiến thứ hai.

Với những phản ứng như vậy, có thể thấy Nga rất sẵn sàng tung ra đòn phủ đầu với những chiếc F-16 nếu chúng xuất hiện trong cuộc xung đột. Nhưng, có vẻ như ngày đó vẫn còn xa. Theo các chuyên gia quân sự phương Tây, những chiếc F-16 sẽ không được chuyển giao cho đến khi các phi công và nhân viên mặt đất của Ukraine được đào tạo bài bản.

Quá trình này sẽ mất 6 tháng để các phi công học các kỹ năng điều khiển, cộng với khoảng 4 tháng nữa để học tiếng Anh kỹ thuật theo tiêu chuẩn bắt buộc. Hiện tại, Hà Lan và Đan Mạch đang dẫn đầu một nhóm các nước tham gia đào tạo phi công Ukraine lái F-16 và các quan chức quốc phòng nước này trước đây cũng từng nói sẽ cần 6-8 tháng mới có thể cho “tốt nghiệp” được những học viên đầu tiên.

Báo Wall Street Journal hôm 18/8 dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay, hiện chỉ có 8 phi công Ukraine được coi là đáp ứng các yêu cầu về ngôn ngữ để bắt đầu đào tạo ngay lập tức. Nhưng, đấy mới là vấn đề về phi công. Để vận hành được những chiếc F-16 còn cần cả hệ thống kỹ thuật hỗ trợ. Theo phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Hà Lan, cũng phải có thêm thời gian để cung cấp cho Ukraine cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc bảo trì những chiếc máy bay hiện đại này.

Tướng James Hecker, chỉ huy hàng đầu phụ trách các lực lượng lực lượng không quân Mỹ ở châu Phi và châu Âu, nhận định rằng có thể phải mất nhiều năm Ukraine mới tận dụng được tối đa năng lực của các máy bay F-16. “Bạn có thể thành thạo một số hệ thống vũ khí khá nhanh chóng. Nhưng, phải mất một thời gian để xây dựng một vài phi đội F-16”, tướng Hecker nói.

Mang nặng ý nghĩa tinh thần

Với những phân tích kể trên thì phải trong điều kiện hết sức thuận lợi, Ukraine mới có được những chiếc F-16 đầu tiên vào đầu năm 2024. Đó là lúc, họ đã phải trải qua một mùa đông khó khăn nữa mà tiếp tục không có sự chi viện nào đáng kể trên bầu trời.

Một phi công Ukraine trên chiếc MiG-29. Ảnh: The Telegraph

Nhưng, ngay cả khi có được F-16 cũng không dễ để những phi công vừa được đào tạo cấp tốc của Ukraine làm chủ hoàn hảo cỗ máy tiên tiến này. Theo Báo DW của Đức, đối với các phi công NATO vốn được đào tạo bài bản về các hệ thống vũ khí phương Tây thì việc chuyển loại máy bay, chẳng hạn từ F-4 Phantom sang Tornardo trước đây, cũng phải mất khoảng 7 tháng để người lái có được kỹ năng thuần thục.

Trong bối cảnh có nhiều lo ngại rằng cuộc phản công mà Ukraine đang tiến hành không thể chọc thủng được những phòng tuyến kiên cố của Nga thì việc F-16 tham chiến muộn chỉ càng khiến kế hoạch của Kiev gặp khó khăn hơn. Tình báo Mỹ cho rằng, nhiều khả năng người Ukraine sẽ không đến được Melitopol, thành phố gần Biển Azov được cho là mục tiêu chính trong cuộc phản công của họ lần này.

Do đó, F-16 sẽ không phải là viên đạn bạc trong cuộc chiến. Những chiếc máy bay này sẽ chỉ giúp Ukraine tích hợp tốt hơn các hệ thống phòng thủ của mình, với phần lớn vũ khí mới được trang bị đều do Mỹ và đồng minh cung cấp. Hoặc, nói như Robert Kluge, một chuyên gia hàng không tại Bảo tàng Deutsches ở Munich (Đức) thì sự xuất hiện của những chiến đấu cơ này nên được nhìn nhận dưới góc độ tinh thần.

Theo ông Kluge, một chiếc máy bay chiến đấu có thể xem thúc đẩy tinh thần quân sĩ và là một quân cờ quan trọng trong chiến lược của một cuộc chiến. “Chỉ cần bạn có máy bay chiến đấu, đối thủ sẽ phải suy nghĩ lại mỗi khi muốn ra quyết định trên chiến trường”, ông Kluge nói.

Ở khía cạnh này, có lẽ F-16 sẽ làm được. Lực lượng phòng không Ukraine, chủ yếu dựa vào hệ thống S-300 thời Liên Xô, hiện đang cạn kiệt tên lửa. Và, phi đội máy bay cũ kỹ của Ukraine với chủ lực là MiG-29 không thể sánh được với các máy bay chiến đấu của Nga vốn hiện đại và mạnh mẽ hơn. Ukraine vì vậy đang thất thế toàn diện trong cuộc đối đầu với không quân Nga.

Trong phần lớn thời gian của cuộc xung đột, Ukraine không thể cho các phi đội của mình xuất kích để nghênh chiến với máy bay Nga và điều này càng nghiêm trọng hơn khi theo một nguồn tin tình báo Mỹ, Ukraine đã mất khoảng 60 chiến đấu cơ kể từ đầu cuộc xung đột đến giờ.

Nhưng nay, việc có thêm một phương tiện hiện đại như F-16, dù số lượng chưa nhiều, cũng sẽ giúp Kiev bớt bi quan. Ngược lại, những phát biểu cứng rắn từ các quan chức Nga cũng cho thấy, nước này đang phải tính toán thêm cho các quyết định tại chiến trường, khi trên bầu trời xuất hiện một kẻ thách thức mới mang tên F-16.

Tất nhiên, tính toán chứ không phải lo lắng. Bởi, với lực lượng không quân hùng hậu gồm những cường kích trứ danh như Su-30, Su-34 hay Su-35, Nga đủ sức đối phó với những chiếc F-16 được lái bởi các phi công vừa “tốt nghiệp” bên phía Ukraine.

“Không có AWACS, những chiếc F-16 sẽ trở thành bia đỡ đạn”

Nhận định về cuộc chạm trán, nếu có, giữa F-16 và các máy bay Nga, một phi công kỳ cựu của không quân Ấn - ông V.K Thakur nói rằng, bất lợi vẫn thuộc về phía Ukraine. Theo ông, F-16 sẽ phải hoạt động cùng với máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm (AWACS), chẳng hạn như loại E-3 Sentry của Mỹ, để tạo ra sự khác biệt. “Nếu không có AWACS, những chiếc F-16 của Ukraine sẽ trở thành bia đỡ đạn cho Su-30SM và Su-35 trong các cuộc không chiến”, ông Thakur nói.

Đấy là chưa kể, máy bay AWACS cũng có thể bị tiêu diệt bằng các tên lửa không đối không (A2A) RVV-BD hoặc tên lửa phòng không 40N6E của Nga. Do đó, Ukraine khó có thể kỳ vọng vào một bước ngoặt lớn trên chiến trường với những chiếc F-16.

Nguyễn Khánh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/ukraine-se-duoc-nhan-f-16-nhung-roi-sao-nua--i704723/