Tuyên truyền, tôn vinh giá trị biển, đảo Việt Nam

Vượt qua những trở ngại của thời tiết nắng nóng, hơn 1.500 tuyên truyền viên, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công đến từ 46 đội tuyên truyền lưu động của 46 tỉnh, thành phố trên cả nước đã hội tụ tại Thành phố hoa phượng đỏ-Hải Phòng từ ngày 18 đến 21-5 tham gia Hội thi tuyên truyền lưu động 'Biển và hải đảo Việt Nam', mang đến không khí sôi động, đạt hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền với nhiều hình thức sáng tạo, mới mẻ, hấp dẫn.

Tự hào biển, đảo quê hương

Không gian trưng bày triển lãm của tỉnh Tiền Giang với chủ đề “Chung tay giữ gìn biển, đảo Việt Nam” tại Hội thi tuyên truyền lưu động “Biển và hải đảo Việt Nam” thu hút khá đông du khách tham quan. Vượt qua gần 2.000km, đội thi tuyên truyền đã mang tới đây những “đặc sản” đặc trưng cùng cách bài trí bắt mắt, thể hiện màu sắc văn hóa, du lịch của tỉnh nhà. Mô hình chiếc thuyền rẽ sóng ra khơi chuyên chở những trái dừa, xoài cát Hòa Lộc được đánh giá là tốp đầu trong các loại hoa quả sạch thế giới, sầu riêng Ngũ Hiệp, mắm còng ven biển Gò Công... Bên cạnh đó là những hình ảnh tuyên truyền về biển, đảo Tổ quốc được thiết kế trưng bày ấn tượng. Thu hút hơn cả còn là giọng hò ngọt ngào của tuyên truyền viên Ngô Tuyết Hằng, khiến cho không gian trưng bày của Đội tuyên truyền lưu động tỉnh Tiền Giang lôi cuốn người xem trong suốt 4 ngày diễn ra hội thi.

Không gian trưng bày, tuyên truyền của tỉnh Tiền Giang thu hút sự quan tâm của người dân và du khách.

Ở một không gian khác, Đội tuyên truyền lưu động tỉnh Thái Nguyên có cách bài trí mang đậm nét văn hóa của vùng chè nức tiếng Việt Nam. Những ngọn chè non xanh và nhiều sản phẩm chế biến từ chè được trình bày đẹp mắt trên chiếc thuyền gỗ. Dọc hai bên lối đi vào không gian trưng bày là triển lãm hình ảnh tư liệu các cán bộ lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đến thăm, tặng quà chiến sĩ hải quân, các ngư dân ở quần đảo Trường Sa. Đón chào du khách đến với không gian trưng bày tuyên truyền lưu động của tỉnh Thái Nguyên còn là lời hát then, tiếng đàn tính dặt dìu đưa bước, thể hiện tình cảm thiêng liêng của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu.

Năm nay, Hội thi tuyên truyền lưu động “Biển và hải đảo Việt Nam” được Ban tổ chức triển khai với 3 nội dung: Diễu hành xe tuyên truyền, thi văn nghệ cổ động và triển lãm chủ đề “Biển và hải đảo Việt Nam”.

Theo ông Nguyễn Quốc Huy, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)-đơn vị tổ chức hội thi, 46 đội thi đến từ khắp mọi miền đất nước đã hội tụ về Hải Phòng những ngày qua thực sự tạo ấn tượng cũng như mang đến sức lan tỏa trong công tác tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam. Nhiều đội thi đến từ các tỉnh không có biển, đảo như: Thái Nguyên, Phú Thọ, Sơn La, Bắc Ninh, Bình Phước... nhưng qua hội thi cho thấy công tác tuyên truyền về biển, đảo luôn được các tỉnh chú trọng, quan tâm. Trong đó có nhiều tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của từng vùng miền, địa phương, toát lên tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc và ý chí quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc. “Hội thi đã góp phần phát huy tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng dân cư vùng biển, ven biển; bảo đảm quyền tiếp cận, tham gia hưởng lợi và trách nhiệm của người dân đối với biển một cách công bằng, bình đẳng. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5-3-2020 của Chính phủ ban hành kế hoạch tổng thể về kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Nguyễn Quốc Huy nhấn mạnh.

Không gian trưng bày tuyên truyền của tỉnh Thái Nguyên về biển, đảo quê hương.

Góp sức lan tỏa giá trị, tiềm năng biển, đảo

Là thành phố đăng cai hội thi, các nội dung thi của Đội tuyên truyền lưu động TP Hải Phòng đã nêu bật thế mạnh biển, đảo cũng như các chương trình hành động, phát triển biển, đảo. Hải Phòng với bờ biển dài hơn 125km, trong đó huyện đảo Bạch Long Vĩ đóng vai trò là đảo tiền tiêu, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển, mục tiêu trở thành trung tâm hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc; bán đảo Đồ Sơn không chỉ được biết đến là hòn đảo đẹp với hàng chục mỏm đồi, đảo Hòn Dấu, tháp Tường Long mà còn có một nhân chứng lịch sử, bến tàu K15-nơi xuất phát của đoàn tàu không số làm nên Đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại... Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng cho biết, trong chiến lược phát triển, Hải Phòng được định hướng là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước với 3 trụ cột chính là: Công nghiệp công nghệ cao; cảng biển-logistics; du lịch-thương mại. Đến nay, các ngành kinh tế biển tiếp tục phát triển và giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố, trong đó, cảng Hải Phòng là cảng lớn nhất của khu vực miền Bắc. Điều đó càng khẳng định Hải Phòng là thành phố mạnh từ biển và làm giàu từ biển. Do đó, công tác tuyên truyền về biển, đảo luôn được TP Hải Phòng quan tâm và luôn đổi mới trong các hoạt động để thu hút sự tham gia của mọi thành phần trong việc giữ gìn và phát triển tiềm năng, lợi thế từ biển, đảo.

Mong muốn thông qua hội thi sẽ truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Điện ảnh Thanh Hóa Nguyễn Thị Mai Hương cho biết: “Với thông điệp “Đảo là nhà, biển là quê hương”, chúng tôi mong rằng với 102km biển đi qua 6 huyện, thị xã, thành phố sẽ là lợi thế của tỉnh Thanh Hóa trong việc phát huy những thế mạnh của tỉnh về công tác gìn giữ và phát triển biển, đảo thời gian tới; đồng thời đạt được những thành tựu mới trong phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo cực tăng trưởng mới với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh để tạo thành tứ giác phát triển trong đó có kinh tế biển, du lịch biển, đô thị biển”.

Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tuyen-truyen-ton-vinh-gia-tri-bien-dao-viet-nam-729157