Trung Quốc kiện Mỹ vì trợ giá xe điện

Trung Quốc chính thức đệ đơn lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) kiện Mỹ về các chính sách trợ giá xe điện, phản đối những điều khoản trong luật khí hậu của Mỹ được Tổng thống Joe Biden ký thông qua vào năm 2022.

Dây chuyền sản xuất tại một nhà máy của hãng xe điện Nio của Trung Quốc tại thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: New York Times

Trong thông cáo phát đi ngày 26-3, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, Đạo luật giảm lạm phát (Inflation Reduction Act - IRA) của Mỹ và các nguyên tắc liên quan là “phân biệt đối xử” và “làm đảo lộn nghiêm trọng” chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu.

“Cuộc chiến” trợ giá xe điện

Theo AP, Trung Quốc phản đối những “chính sách phân biệt đối xử” theo đạo luật IRA của Mỹ vì chúng dẫn tới hệ quả là loại trừ hàng hóa của Trung Quốc và một số nước thành viên WTO khác khỏi thị trường Mỹ. “Dưới lớp vỏ ngụy trang là ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường, (các chương trình trợ giá này) trên thực tế phụ thuộc vào việc mua và sử dụng hàng hóa của Mỹ, hoặc hàng hóa nhập khẩu từ các khu vực cụ thể nhất định”, phái đoàn Trung Quốc tại WTO nêu vấn đề. Cũng theo phái đoàn này, việc họ khởi kiện là “để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc và duy trì sân chơi cạnh tranh bình đẳng cho thị trường thế giới”.

Đại diện thương mại Mỹ, bà Katherine Tai cho biết Mỹ đang xem xét việc Trung Quốc yêu cầu WTO xử lý mâu thuẫn “liên quan tới các phần trong đạo luật IRA năm 2022 và biện pháp thực thi luật này”. Trong thông cáo, bà Tai nói đạo luật IRA góp phần tạo dựng “tương lai năng lượng sạch mà chúng tôi đang cùng các đồng minh và đối tác của mình nỗ lực hướng đến”. Bà chỉ trích Trung Quốc đã dùng những cái mà bà mô tả là “những chính sách phi thị trường, không công bằng” để giành lợi thế cho các nhà sản xuất Trung Quốc. Một quan chức WTO khẳng định với Reuters đã nhận yêu cầu của Trung Quốc về việc giải quyết mâu thuẫn liên quan trợ giá xe điện nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Thời gian qua lĩnh vực xe điện bị lôi kéo vào loạt những căng thẳng về thương mại cũng như địa chính trị khi thế giới đang chuyển dịch dần từ các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong sang động cơ điện. Liên minh châu Âu cũng sẽ áp thêm các loại thuế quan với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc để ứng phó với cáo buộc trợ giá không công bằng, trong khi các nhà sản xuất pin cho xe điện hàng đầu thế giới của Trung Quốc cũng vấp phải những chính sách khó khăn hơn của Mỹ.

Bức xúc của Trung Quốc

Bộ Thương mại Trung Quốc không nêu cụ thể vấn đề đã khiến họ kiện Mỹ lên WTO. Tuy nhiên, theo đạo luật IRA có hiệu lực từ 1-1 năm nay, những người mua xe điện sẽ không được hưởng các mức ưu đãi thuế dao động 3.750-7.500 USD nếu chiếc xe họ mua có sử dụng các loại kim loại thiết yếu hay các linh kiện pin khác do các công ty của Trung Quốc, Nga, Triều Tiên hay Iran sản xuất.

Theo luật mới này của Mỹ, chỉ 13 trong số hơn 50 loại xe điện đang bán trên thị trường Mỹ đủ điều kiện nhận ưu đãi thuế, giảm hơn so với khoảng 24 loại được quy định năm 2023. Để ứng phó với luật mới IRA, nhiều nhà sản xuất xe hơi cũng đã phải tìm kiếm các nguồn linh kiện khác để giúp sản phẩm của họ đủ điều kiện hưởng ưu đãi thuế.

Thông cáo của Bộ thương mại Trung Quốc không nêu cụ thể các hạn chế này, tuy nhiên cho biết căn cứ theo đạo luật IRA và các luật triển khai, Washington đã xây dựng những chính sách trợ giá kỳ thị với các xe sử dụng năng lượng mới (như xe điện) với lý do là để ứng phó biến đổi khí hậu. Theo nguyên tắc vận hành của WTO, mọi nước thành viên của tổ chức có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) này đều có quyền nộp đơn kiện về các chính sách thương mại của những nước thành viên khác và yêu cầu giải quyết bức xúc thông qua quy trình xử lý tranh chấp, mâu thuẫn.

Washington Post cho rằng, hiện tại chưa rõ hết mức độ ảnh hưởng của vụ kiện này với thực tiễn thị trường. Sau khi ban hội thẩm được thành lập, WTO thường mất khoảng 6 tháng hoặc lâu hơn để đưa ra phán quyết cho một vụ tranh chấp. Nếu Mỹ thua kiện và kháng cáo lại phán quyết thì vụ việc của Trung Quốc sẽ không đi đến đâu. Là bởi Cơ quan phúc thẩm (Appellate Body - AB) của WTO, đơn vị xét xử tranh tụng cấp cao nhất của tổ chức này, đã không còn hoạt động kể từ cuối năm 2019, khi chính quyền Mỹ ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán mới cho AB.

Phương Tây bảo vệ ngành công nghiệp xe hơi nội địa
Trung Quốc hiện là quốc gia chiếm vị trí thống lĩnh trong lĩnh vực sản xuất pin cho xe điện. Quốc gia tỷ dân này cũng có một ngành công nghiệp xe điện đang phát triển rất nhanh chóng, hoàn toàn có khả năng trở thành thách thức đáng gờm với các nhà sản xuất xe hơi đã định hình danh tiếng lâu nay trên thế giới. Thế mạnh của ngành công nghiệp xe hơi của Trung Quốc hiện nay là xe điện và các công ty xe điện của Trung Quốc cũng đang là những đơn vị dẫn đầu về công nghệ pin. Năm 2023, Liên minh châu Âu mở cuộc điều tra về các chính sách trợ giá của Trung Quốc cho xe điện do lo ngại về nguy cơ tiềm ẩn với ngành công nghiệp ô-tô của lục địa già trước làn sóng xe điện Trung Quốc.

TRẦN ĐẮC LUÂN

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5408/202403/trung-quoc-kien-my-vi-tro-gia-xe-dien-3968976/