Trung Đông ngày càng phức tạp, khó đoán định

Nhiều tháng trở lại đây, an ninh Trung Đông là chủ đề thường trực trên mọi phương tiện thông tin đại chúng với hàng loạt diễn biến phức tạp ngày càng leo thang ở nhiều 'điểm nóng'. Bước sang tháng 4, giới chuyên gia đánh giá, an ninh Trung Đông đã đạt mức độ nguy hiểm mới và rất khó để đoán định những gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei tại tang lễ của các thành viên Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo thiệt mạng trong vụ tấn công khu phức hợp Lãnh sự quán Iran ở Thủ đô Damascus của Syria. Ảnh: Reuters

Lo ngại cuộc “chiến tranh bóng tối”

Ngày 1/4 vừa qua đã đánh dấu một cột mốc mới trong chuỗi bất ổn an ninh Trung Đông. Cụ thể là sự việc Lãnh sự quán Iran ở Thủ đô Damascus của Syria bị tấn công bằng tên lửa. Toàn bộ tòa nhà lãnh sự bị phá hủy hoàn toàn, đặc biệt là khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, bao gồm 2 tướng cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.

Giới quan sát nhìn nhận, vụ việc đã gây báo động trên toàn thế giới vì lo ngại rằng, hành động này đã đặt toàn bộ khu vực vào tình trạng tồi tệ. Đồng thời, hệ lụy từ sự việc cũng sẽ gây ra những biến cố lớn đối với địa chính trị toàn cầu.

Mọi “mũi dùi” đều đang nhắm vào Israel dù nước này không thừa nhận, cũng không phủ nhận có liên quan tới vụ tấn công Lãnh sự quán Iran. Hầu hết các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả những đồng minh thân cận của Israel đều chỉ trích nước này với hành động tấn công một cơ sở ngoại giao. Trong khi đó, hàng loạt quan chức cấp cao của Iran đưa ra các tuyên bố đều bao gồm nội dung sẽ trừng phạt mạnh mẽ Israel. Tương tự, các lực lượng Hồi giáo là đồng minh của Iran cũng tuyên bố ủng hộ Iran và sẽ tiến hành “trả đũa” Israel.

Trước những tuyên bố sẽ trừng phạt tương xứng của Iran, những ngày qua, Israel đã đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ. Tuy nhiên, giới quan sát cho biết, thật khó để đoán định những gì sẽ xảy ra tiếp theo, bởi hơn một tuần sau sự việc, phía Iran dù đã đưa ra những tuyên bố rất mạnh mẽ, nhưng thực tế chưa có bất kỳ hành động nào. Giới chuyên gia lập luận, điều rất đáng lo ngại hiện nay là khó đoán định cuộc “chiến tranh bóng tối” sẽ leo thang như thế nào.

Trong bối cảnh nhiều “điểm nóng” xung đột ở Trung Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nếu Israel và Iran bước vào một cuộc đối đầu trực diện sẽ lan rộng bóng đen bao trùm toàn khu vực. Người dân nhiều nơi ở Israel đang cảm thấy vô cùng lo sợ trước nguy cơ bị Iran trả thù. Từ đó, một làn sóng hỗn loạn đổ xô đi tìm nơi trú ẩn an toàn đã diễn ra ở quốc gia này. Bất chấp những lời can ngăn của chính quyền, người dân Israel đã “gom” thực phẩm, máy phát điện, tiền mặt... vì lo sợ một cuộc chiến tiềm tàng với Iran.

Lý giải cho tâm lý lo sợ này, giới chuyên gia lưu ý, Iran có tiềm lực lớn, là một quốc gia hùng cường ở Trung Đông, là đối thủ trực tiếp của nhiều cường quốc phương Tây. Đồng thời, Iran thường xuyên bị cáo buộc là thế lực “chống lưng” cho các phong trào nổi dậy, các lực lượng Hồi giáo cực đoan gây ra bao sóng gió lịch sử cho toàn khu vực. Thậm chí, Iran còn được coi là một bậc thầy về chiến tranh bất đối xứng.

Khó đoán định về một thảm kịch vũ lực

Không chỉ người dân Israel lo sợ, nhiều động thái từ chính quyền nước này cũng cho thấy sự sẵn sàng ứng phó với các phản ứng có thể sẽ ở mức mạnh mẽ của Iran. Truyền thông Israel đưa tin, 28 đại sự quán và lãnh sự quán ở nước này đã đóng cửa; kỳ nghỉ phép của tất cả quân nhân bị hủy bỏ; quân đội Israel đang di dời các máy bay chiến đấu nhằm đề phòng phản ứng của Iran...

Tuyên bố trên truyền thông quốc tế, Chuẩn đô đốc Daniel Hagari - người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) nhấn mạnh nhiều lần rằng, mục tiêu bị tấn công ngày 1/4 ở Damascus không phải lãnh sự quán, cũng không phải đại sứ quán. Đây là tòa nhà quân sự của Lực lượng Quds được cải trang thành tòa nhà dân sự.

Lý lẽ này của Israel không nhận được sự ủng hộ của hầu hết các quốc gia. Ngay cả những cường quốc thân thiết với Israel như Mỹ, Anh, Pháp cũng cáo buộc Israel thực hiện hành động gây bất ổn, đồng thời yêu cầu Iran kiềm chế. Cộng đồng quốc tế bày tỏ sự lo ngại lớn đối với những bước tiếp theo có thể xảy ra sau vụ việc.

Theo giới chuyên gia an ninh, việc Iran đáp trả cuộc tấn công nêu trên dường như là điều tất yếu. Bởi nếu không đáp trả, rất có thể sẽ thành tiền lệ, khiến các cơ sở ngoại giao của Iran ở nhiều nơi sẽ không còn an toàn trong tương lai. Dẫu vậy, phần lớn giới chuyên gia nhận định, Iran thực chất không muốn leo thang căng thẳng trong khu vực, cũng như mở rộng xung đột. Đây cũng là một cơ sở để giải thích cho việc kể từ sau ngày 1/4 đến nay, nhiều vụ tấn công trả đũa của Iran được dự báo đã không xảy ra.

Một số chuyên gia chỉ ra rằng, việc Iran đã không trả đũa ngay lập tức trong những ngày qua cũng là điều có dễ hiểu, bởi cả thế giới đang dành sự chú ý rất lớn vào vấn đề này, trong khi Israel cũng đã cảnh giác cao độ và có những bước chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với Iran. Việc Iran vội vàng đáp trả chắc chắn sẽ không mang tới những lợi ích mà nước này mong muốn, thậm chí có thể còn gặp phải những trở ngại, thách thức lớn.

Giới phân tích cũng chỉ ra rằng, trong kịch bản Iran đáp trả, rất có thể sẽ không chỉ là cuộc đối đầu giữa Iran với Israel, mà còn với cả những quốc gia có lợi ích “khổng lồ” ở Trung Đông. Cuộc đối đầu giữa Iran với những nước này sẽ không chỉ còn trong “bóng tối” mà sẽ là đối đầu trực diện. Xét về tiềm lực, Iran hoàn toàn có đủ khả năng để theo đuổi những “thảm kịch” vũ lực quy mô lớn, nhưng tất yếu, đây là điều mà cả Iran và các bên liên quan đều không mong muốn và sẽ tìm cách để tránh.

Ngày 4/4, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng: “Trong nhiều năm, Iran chống lại Israel bằng cả hình thức trực tiếp và hình thức gián tiếp thông qua các lực lượng ủy nhiệm. Vì vậy, Israel đang hành động chống lại Iran và các lực lượng ủy nhiệm, cả về phòng thủ và tấn công”.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/trung-dong-ngay-cang-phuc-tap-kho-doan-dinh-post474622.html