Trở lại giấc mơ World Cup: Cách nào?

Chia tay HLV Philippe Troussier, bóng đá Việt Nam kết thúc một giai đoạn đáng quên.

Muốn bóng đá Việt Nam phát triển đòi hỏi một kế hoạch bài bản, có sự chung tay của các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ.

Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan hơn, để vận hành cỗ máy đội tuyển Việt Nam một cách hiệu quả cần nhiều hơn nữa chứ không chỉ là trách nhiệm cá nhân HLV.

Nốt trầm

Trận thua 0-3 trước Indonesia ở sân Mỹ Đình không chỉ khiến cánh cửa đi tiếp vào vòng loại thứ ba World Cup 2026 gần như đóng lại với đội tuyển Việt Nam. Nó còn khiến cho thứ hạng FIFA của tuyển Việt Nam giảm mạnh.

Thất bại trước Indonesia, bóng đá Việt Nam lúc này xếp hạng 115 thế giới, tụt 10 bậc so với bảng xếp hạng FIFA, trước khi chúng ta thua 0-1 trên đất Indonesia. Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang xếp hạng 19 châu Á, và thứ hai Đông Nam Á, sau Thái Lan, đội bóng hiện xếp hạng 101 FIFA.

Sau 2 thất bại liên tiếp trước Indonesia tại vòng loại World Cup 2026, HLV Philippe Trousiser chấp nhận kết thúc hợp đồng trước thời hạn và rời Việt Nam. Ông Troussier khi nhận lời dẫn dắt bóng đá Việt đã hứa hẹn giúp tuyển Việt Nam nâng tầm sau thời HLV Park Hang Seo, vươn tầm châu lục và tiến ra thế giới. Nhưng kế hoạch đầy mộng mơ của ông Troussier đã phá sản hoàn toàn.

Phải thừa nhận rằng, ông Troussier đã mang một ý tưởng mới đến để cách tân cho bóng đá Việt Nam. Đó là lối chơi kiểm soát bóng khi lấy tấn công làm thế trận chủ đạo thay vì chiến thuật phòng ngự thực dụng để chờ sơ hở của đối phương nhằm phản đòn như dưới thời ông Park Hang Seo. Những ai mê bóng đá đẹp đều hoan hỉ với ý tưởng của ông Troussier.

Nhưng giữa lý thuyết và thực hành cần phải có sự vận dụng một cách tinh tế mới hy vọng thành công. Trong 13 tháng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, ông Troussier thắng 4, thua 10 trong 14 trận đấu, tỉ lệ thất bại 71,4%, cao nhất trong số 10 HLV ngoại. Nhà cầm quân này gây tranh cãi khi sẵn sàng phớt lờ các cựu binh để tin dùng cầu thủ trẻ.

"Trong suốt cuộc hành trình vừa qua, tôi cảm thấy nặng lòng khi thừa nhận những kết quả thất vọng của đội tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup 2026. Với tư cách là HLV trưởng, tôi chịu trách nhiệm về những kết quả này và tôi chấp nhận trách nhiệm của mình đối với tất cả mọi người", ông Troussier chia sẻ sau khi kết thúc hành trình cùng bóng đá Việt.

Sau khi sớm thanh lý hợp đồng với VFF và vừa trở về Pháp, HLV Philippe Troussier đã nói nhiều về bóng đá Việt Nam lẫn giấc mơ dang dở của ông. Nhà cầm quân người Pháp cho rằng, bóng đá Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển giao để hướng tới thành tích tốt hơn quá khứ, vì vậy cần kiên nhẫn, sẵn sàng “lùi 1 bước để tiến 2 bước”.

Tìm người phù hợp

Đặt mục tiêu tham dự World Cup là chính xác, nhưng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã chọn sai thời điểm, cũng như ít nhiều vội vàng khi trong việc đánh giá năng lực thực tế của bóng đá Việt Nam. Thực tế cho thấy ông Troussier là một trong những HLV ngoại có hồ sơ hoành tráng nhất khi dẫn dắt tuyển Việt Nam. Nhưng ngặt ở chỗ, ông không phải là người phù hợp với bóng đá Việt Nam.

Sau khi chia tay ông Troussier, bóng đá Việt Nam đã rút ra được những bài học xương máu khi sử dụng thầy ngoại.

Lúc này, VFF phải nhanh chóng đưa ra các quyết định sáng suốt và kịp thời nhất để chọn người ngồi vào ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. Làm sao để tìm ra người có thể phù hợp và tiếp nối những thế mạnh của HLV đi trước; đồng thời, khắc phục những hạn chế không phải là chuyện một sớm một chiều.

Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú cho biết, HLV trưởng ĐTQG Việt Nam được xem xét, đánh giá dựa trên tiêu chí về uy tín, trình độ chuyên môn và phải phù hợp với bóng đá Việt Nam. HLV trưởng tuyển Việt Nam ngoài năng lực chuyên môn giỏi, còn phải am hiểu văn hóa và bóng đá Việt. Nghĩa là phù hợp với đường hướng phát triển của cả nền bóng đá, có mối tương tác tốt với truyền thông và người hâm mộ.

VFF đã bắt đầu triển khai kế hoạch tìm “thuyền trưởng” mới cho bóng đá Việt Nam. VFF đưa ra nhiều tiêu chí quan trọng và có sự sàng lọc kỹ lưỡng các ứng viên ngồi ghế HLV trưởng tuyển Việt Nam thay ông Troussier. Hội đồng HLV quốc gia chịu trách nhiệm lớn trong việc đưa ra các tiêu chí, thẩm định hồ sơ ứng viên.

Thời gian qua, 2 HLV Hàn Quốc là Kim Do-hoon (54 tuổi) và Kim Sang-sik (48 tuổi) đã gửi hồ sơ ứng tuyển. Trong khi 2 cựu HLV đội tuyển Thái Lan là Nishino Akira (68 tuổi, người Nhật) và Mano Polking (48 tuổi, quốc tịch Đức) cũng sẵn sàng cuộc đua vào “ghế nóng” tuyển Việt Nam.

Đáng chú ý, cựu trợ lý đội tuyển Việt Nam Bae Ji-won mới đây đã tiến cử đồng hương Hàn Quốc là ông Lee Young-jin, người được ví như “cánh tay phải”, sát cánh cùng HLV Park Hang Seo suốt 5 năm tại đội tuyển Việt Nam.

Ông Bae Ji-won tin tưởng, sự hiểu biết của HLV Lee Young-jin sẽ mang tới lợi thế khi dẫn dắt đội tuyển Việt Nam và tiếp nối thành công của người đồng nghiệp cũ. Nếu thuận lợi, VFF có thể chọn được HLV mới dẫn dắt đội tuyển Việt Nam thi đấu 2 lượt trận cuối vòng loại thứ hai World Cup 2026 vào tháng 6 tới. Trường hợp chưa có ứng viên thật sự xứng đáng, VFF sẵn sàng bổ nhiệm HLV tạm quyền.

Lúc này, việc tìm một nhà cầm quân đủ tài, đủ "can đảm" để ngồi vào chiếc ghế HLV trưởng của đội tuyển Việt Nam không hề đơn giản. Quan trọng hơn là làm thế nào để đưa bóng đá Việt Nam sớm trở lại quỹ đạo cần thiết. Xét về thực lực của bóng đá nước nhà hiện nay, giấc mơ World Cup 2030 dường như vẫn còn là một điều xa vời, thiếu cơ sở thực tế. Nói cách khác, để phát triển, để hiện thực hóa giấc mơ World Cup, không chỉ mỗi chuyện chọn ai ngồi vào ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam.

Một đội bóng mạnh cần có một HLV giỏi, nhưng một nền bóng đá phát triển, vị trí của HLV chỉ là một mắt xích, không thể quyết định toàn cục.

Không phủ nhận, những năm gần đây, công tác đào tạo trẻ đã tốt lên nhưng vẫn mỗi "lò" làm mỗi kiểu. Các cầu thủ trẻ ít được tạo điều kiện thi đấu ở mọi cấp độ, nhất là ở giải chuyên nghiệp. V.League và hạng Nhất chưa vận hành một cách ổn định, chuyên nghiệp, tạo nhiều giá trị gia tăng cho bản thân các CLB.

Bóng đá Việt Nam ở cấp CLB mang tiếng lên chuyên nghiệp nhưng chuyên gia về kỹ thuật, dinh dưỡng, thể lực, đội ngũ y tế phòng tránh, chữa trị chấn thương, chuyên gia phân tích trận đấu, chuyên gia tâm lý vẫn là chuyện xa xỉ…

Ở tầm các ĐTQG và U23 ít được tập huấn, thi đấu với các đội bóng đến từ nền bóng đá đỉnh cao của thế giới vẫn là chuyện không thiếu.

Rõ ràng, nhiệm vụ vực dậy đội tuyển Việt Nam không còn là câu chuyện của HLV mới, mà là của cả nền bóng đá. Mọi thứ phải được bắt đầu từ nền tảng là các giải đấu trong nước.

Đường hướng lâu dài là xây dựng và duy trì một giải V.League chuyên nghiệp, chất lượng cao bên cạnh một nền đào tạo trẻ căn cơ, khoa học và hiện đại, có tính cọ xát cao, kết hợp cả việc đưa nhiều nhân tố tài năng ra nước ngoài thi đấu. Muốn bóng đá Việt Nam trở lại quỹ đạo chiến thắng, đòi hỏi một kế hoạch phát triển bài bản có sự chung tay của các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, CLB hàng đầu Việt Nam.

THANH HÀ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tro-lai-giac-mo-world-cup-cach-nao-10277392.html