Tri thức tạo giá trị

Từ các đơn vị đào tạo; đối tác đào tạo sinh viên, học viên theo các chương trình do Tập đoàn Đèo Cả phối hợp xây dựng đã tạo ra nguồn nhân lực chất lượng với năng lực, 'kinh nghiệm thực chiến'.

Đào tạo nội bộ

Đầu tháng 11/2023, Tập đoàn Đèo Cả đã tổ chức buổi đánh giá 2 chuyên đề đào tạo quản trị doanh nghiệp là “Văn hóa doanh nghiệp” và “Kỹ năng lãnh đạo”.

Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả. Ảnh: TL.

Chuyên đề “Văn hóa doanh nghiệp” được định hướng xây dựng làm tài liệu đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý cấp trung của Tập đoàn. Mục tiêu giúp đối tượng đào tạo nắm bắt tổng quan, nhận diện các biểu hiện đặc trưng và ứng dụng văn hóa doanh nghiệp trong việc quản lý, lan tỏa và phát triển các giá trị tốt đẹp của văn hóa Đèo Cả trong hệ thống và cả cộng đồng xã hội.

Chuyên đề “Kỹ năng lãnh đạo” được xây dựng với mục tiêu giúp các lãnh đạo cấp điều hành và cơ sở nắm rõ, có kỹ năng vận dụng và phát huy tốt với nhiệm vụ của từng vị trí lãnh đạo theo hệ thống vận hành và theo đặc thù của từng công việc, từng dự án và từng giai đoạn cụ thể.

Các chuyên đề đã nhận được nhiều đánh giá chi tiết từ Hội đồng đánh giá do ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn làm Chủ tịch Hội đồng, làm cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.

Lễ công bố thành lập Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả (DCI). Ảnh: TL.

“Con người và văn hóa là hai thứ không thể vay mượn. Nếu không quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực thì một doanh nghiệp không thể phát triển bền vững. Chỉ có tri thức mới là nền tảng đưa Tập đoàn Đèo Cả vươn tầm quốc tế”, ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả.

Đây chỉ là 2 trong số 9 chuyên đề được Chủ tịch Tập đoàn đưa ra và yêu cầu các nhóm thành viên là lãnh đạo chủ chốt thực hiện trên cơ sở đúc kết từ chương trình đào tạo Thạc sĩ Điều hành cao cấp tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - khóa đầu tiên cho học viên Tập đoàn Đèo Cả.

Các chuyên đề còn lại gồm có :“Hành vi tổ chức”, “Quản lý dự án đầu tư, xây dựng công trình hạ tầng giao thông”, “Quản trị chiến lược”, “Quản trị vận hành các công trình giao thông đường bộ”, “Quản trị tài chính dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông theo phương thức đối tác công - tư”, “Quản trị tài chính doanh nghiệp” và “Thị trường chứng khoán”.

Nói về mục tiêu xây dựng 9 chuyên đề đào tạo này, TS. Hồ Chí Dũng - Trợ lý của Chủ tịch Tập đoàn trong công tác đào tạo cho biết: “Các chuyên đề sau khi hoàn thiện sẽ trở thành tài liệu phục vụ hoạt động đào tạo nội bộ trong hệ thống để các thế hệ cán bộ quản lý đi trước truyền lại cho các thế hệ kế tiếp, qua đó nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp trong toàn hệ thống, góp phần vào định hướng phát triển bền vững của Tập đoàn”.

Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ vận hành công trình hạ tầng giao thông. Ảnh: TL.

Thời gian tới, Tập đoàn sẽ tổ chức các buổi đánh giá các chuyên đề tiếp theo để hoàn thiện toàn bộ các chuyên đề góp phần phục vụ hiệu quả cho chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.

Tại Đèo Cả, đào tạo nội bộ không chỉ được tổ chức thực hiện ở cấp cán bộ lãnh đạo, quản lý mà còn ở tất cả các cấp, trong nhiều lĩnh vực tùy theo nhu cầu của tổ chức để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng mềm cho cán bộ công nhân viên. Khi là về nghiệp vụ quản lý máy móc thiết bị, khi là kiến thức về BIM, hay là kỹ năng thuyết trình, kỹ năng ứng xử , kỹ năng sơ cấp cứu…

“Học tập không ngừng và đào tạo liên tục là điểm tất yếu giúp cho Đèo Cả thành công và luôn luôn dẫn đầu. Tập đoàn Đèo Cả với vai trò dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Minh Hoàng luôn đặt việc học nâng cao trình độ, thay đổi mình, nắm bắt công nghệ hiện đại với phương thức quản lý mới chính là tiêu chí tạo ra sự khác biệt.

Đèo Cả là đơn vị tiên phong trong đào tạo nguồn nhân lực và là tấm gương của những công ty, tập đoàn khác ở Việt Nam trong đào tạo nhân lực để đáp ứng sự phát triển, tạo ra những giá trị thiết thực cho xã hội”, ông Đỗ Văn Dũng - Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.

Với tinh thần không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vào tháng 4, Tập đoàn Đèo Cả đã khánh thành Trung tâm Huấn luyện thực hành Đèo Cả đặt tại Đà Nẵng, là nơi đào tạo nhân sự cho toàn hệ thống.

Các chương trình huấn luyện thực hành được thiết kế với nhiều mức độ khác nhau, phù hợp với từng cấp bậc và vị trí làm việc trong tổ chức. Ngoài ra trung tâm cũng sẽ tổ chức các hoạt động đa dạng như các cuộc thi, hội thảo và tọa đàm để tăng cường kiến thức và kỹ năng cho người lao động, cũng là để góp phần tạo ra sự chủ động để thích ứng với những sự thay đổi.

Hợp tác đào tạo

Dư địa phát triển ngành giao thông Việt Nam còn rất lớn, từ đường bộ đến đường sắt và hàng không. Trong bối cảnh đó, Tập đoàn kiên định chiến lược tăng trưởng tập trung, đi trong vòng tròn năng lực là hạ tầng giao thông với các nhiệm vụ cụ thể ngắn hạn - trung hạn - dài hạn đang trên đà phát triển mạnh cả về quy mô, các sản phẩm công trình giao thông. Yêu cầu đặt ra không chỉ là phát triển mà quan trọng hơn là phát triển bền vững. Do đó hoạt động đào tạo vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu.

Từ đầu 2023 đến nay, nhiều hợp tác với các đơn vị đào tạo trên cả nước được thiết lập như: Trường ĐH Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh, Trường ĐH Xây dựng Miền Trung, Trường ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Trung ương V, Trường CĐ Giao thông vận tải đường bộ… cho công tác đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Điều đặc biệt, hợp tác đào tạo theo phong cách của Đèo Cả luôn là sự kết hợp giữa kiến thức hàn lâm với thực tiễn công việc, để tri thức mới tiếp cận ngay lập tức được vận dụng giải quyết những công việc cụ thể thực tế tại Tập đoàn.

Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả thăm, chúc tết người lao động làm việc tại dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo ngày Mùng 5 Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Ảnh: TL.

Tháng 9, Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả do Tập đoàn Đèo Cả phối hợp với Trường ĐH Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh được thành lập, hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành giao thông vận tải, nghiên cứu khoa học và ứng dụng - tư vấn - chuyển giao công nghệ thực hiện các dự án.

PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT TP. Hồ Chí Minh nhận định Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả đang đi đúng hướng và phát huy hiệu quả để sản phẩm của quá trình đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp và của ngành giao thông.

Trên hành trình vươn mình ra thế giới, người đứng đầu Tập đoàn luôn tâm niệm rằng “Trước tiên, phải làm thật tốt những công việc ở trong nước”.

Thật vậy, con đường mà Đèo Cả đi gắn liền với những dự án lớn, dự án khó, các dự án mà doanh nghiệp khác không làm được hoặc không dám làm bởi phức tạp về kỹ thuật, pháp lý, huy động vốn, tổ chức quản trị điều hành dự án… Chính khả năng và kinh nghiệm chinh phục mỗi công trình dự án như vậy, quay trở lại giúp Tập đoàn tích lũy thêm những bài học vô cùng quý giá để đưa vào chương trình đào tạo cán bộ công nhân viên.

Đối với Đèo Cả, dự án khó không chỉ để chinh phục, đó còn là thao trường - nơi rèn giũa, tôi luyện đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư và công nhân ngày một hoàn thiện năng lực, kinh nghiệm “thực chiến” để làm tốt hơn nữa những dự án sau này, để tri thức của người Đèo Cả là hành trang tạo ra những giá trị khác biệt cho chính doanh nghiệp, tạo ra những giá trị phụng sự xã hội.

“Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả là mô hình mới, có tính sáng tạo. Với chức năng tham mưu cho Đảng, mô hình này sẽ được chúng tôi tham khảo đưa vào văn kiện để xây dựng đề án đối với giáo dục, công nghệ. Cách làm đổi mới sáng tạo giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ chuyên gia cho ngành giao thông vận tải và các lĩnh vực khác góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, ông Lại Xuân Môn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tri-thuc-tao-gia-tri-post284986.html