Trẻ bị tay chân miệng, 3 dấu hiệu trẻ cần nhập viện ngay

Theo Sở Y tế Hà Nội, ngày 12-19/4, thành phố ghi nhận 6 ổ dịch tay chân miệng, cụ thể, tại Thanh Oai 3 ca, Ba Vì 1 ca, Phúc Thọ 1 ca và Hoàng Mai 1 ca.

Thời kì cao điểm của dịch tay chân miệng

Sở Y tế Hà Nội cũng thông tin, các ca mắc tay chân miệng trên địa bàn phân bổ tại 26 quận, huyện, thị xã. Đặc biệt, một số đơn vị có nhiều ca mắc trong tuần như Ba Vì 20 ca, Sóc Sơn 17 ca, Thanh Oai 17 ca, Hà Đông 15 ca, Mê Linh 14 ca, Hoàng Mai 14 ca, Chương Mỹ 12 ca, Thanh Trì 12 ca.

Như vậy, cộng dồn từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 16 ổ dịch với 770 ca mắc, tăng 85% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện, có 8 ổ dịch đang hoạt động tại Ba Vì 3 ca, Thanh Oai 3 ca, Phúc Thọ 1 ca, và Hoàng Mai 1 ca.

Hà Nội ghi nhận 6 ổ dịch tay chân miệng chỉ trong 1 tuần (Ảnh minh họa: Trần Huyền).

Sở Y tế Hà Nội nhận định, tháng 4 và 5 là cao điểm bệnh tay chân miệng. Do vậy, trong thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận số ca mắc và ổ dịch.

Sở Y tế Hà Nội thông tin thêm, trong tuần qua Thành phố ghi nhận ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2024, trong khi cùng kỳ năm 2023 không ghi nhận ca mắc nào.

Theo đó, bệnh nhân mắc sởi là một bé gái 10 tuổi, trú tại huyện Chương Mỹ, đã được tiêm 3 mũi vaccine phòng sởi.

Bệnh nhi khởi phát bệnh ngày 27/3. Đến ngày 12/4, xét nghiệm ELISA IgM sởi và rubella của bệnh nhi cho kết quả dương tính.

3 dấu hiệu trẻ cần nhập viện ngay

Các bác sĩ khuyến cáo, với những bệnh nhiễm virus cấp tính như tay chân miệng, tình trạng chuyển độ có thể tiến triển rất nhanh, gây biến chứng nguy hiểm tới tính mạng.

Phụ huynh không nên chủ quan khi thấy con có các biểu hiện như lên mụn nước, bọng nước ở niêm mạc miệng, bàn chân, bàn tay, mông, gối hoặc những dấu hiệu như sốt cao liên tục không đáp ứng thuốc hạ sốt, quấy khóc vô cớ, nôn nhiều, giật mình nhiều, run, yếu chi.

Khi trẻ có những biểu hiện trên cần đưa đến cơ sở y tế tái khám để được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể dẫn đến các di chứng thần kinh, tim mạch, thậm chí tử vong.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng có nguy cơ chuyển độ bất cứ lúc nào. Vì vậy, ngay cả khi trẻ đã được khám, có chẩn đoán theo dõi bệnh mức độ nhẹ, được kê đơn điều trị ngoại trú, cha mẹ cũng cần theo dõi sát.

Đặc biệt, phụ huynh cần lưu ý 3 dấu hiệu trẻ cần nhập viện, tránh bệnh trở nặng. Đầu tiên là trẻ sốt cao không đáp ứng điều trị. Trẻ có thể sốt trên 38,5 độ C liên tục hơn 48 tiếng đồng hồ và thuốc hạ nhiệt paracetamol không có tác dụng. Dấu hiệu thứ hai là trẻ giật mình nhiều. Thứ ba là trẻ quấy khóc dai dẳng.

Khi thấy trẻ bị tay chân miệng, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt để xác định mức độ bệnh và có phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra với biểu hiện đặc trưng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước.

Các nốt phỏng nước này xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và bên trong miệng của trẻ, đầu gối và mông.

Hầu hết các ca bệnh tay chân miệng đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, bệnh diễn biến nhanh, chỉ nửa ngày đã chuyển sang cấp độ nặng hơn, làm tăng nguy cơ suy hô hấp và biến chứng. Chính vì vậy, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý khi trẻ mắc bệnh.

Hầu hết những trẻ mắc tay chân miệng độ nhẹ đều được bác sĩ cho theo dõi và chăm sóc tích cực tại nhà theo những nguyên tắc cách ly đúng cách giữa trẻ bệnh trẻ lành để hạn chế sự lây nhiễm.

Giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt cho trẻ bệnh giúp trẻ mau lành bệnh; tạo môi trường sống trong lành và an toàn giúp trẻ khỏe mạnh hơn; sử dụng thuốc điều trị tại nhà theo chỉ định của bác sĩ.

Ngọc Bích

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/tre-bi-tay-chan-mieng-3-dau-hieu-tre-can-nhap-vien-ngay-20240422094242279.htm