TP.HCM chưa có quy chuẩn về trạm sạc, sẽ có trạm sạc cho các loại buýt điện

Theo Sở GTVT TP.HCM, để từng bước tiến tới cải tiến phương tiện thì TP.HCM rất cần có quy hoạch, tiêu chuẩn cụ thể về hệ thống trạm sạc điện.

Ngày 11-4, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Hòa An đã chủ trì hội thảo Tiêu chuẩn trạm sạc cho ô tô điện tại TP.HCM. Hội thảo có sự tham gia của ông Patrick Haverman - Phó Đại diện thường trú của Liên hợp quốc (UNDP).

Tại đây, các vấn đề liên quan đến xe điện, trạm sạc xe buýt điện nhận được sự quan tâm của các đơn vị, chuyên gia.

Quyết tâm chuyển đổi năng lượng xanh

Theo ông Bùi Hòa An, hiện nay TP.HCM có lượng phương tiện lớn trong khu vực châu Á. Vì vậy, TP.HCM đang triển khai thực hiện đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM.

Trong đó có nhiệm vụ xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư phương tiện xe buýt theo từng giai đoạn, phù hợp với hạ tầng cung ứng nhiên liệu và ưu tiên phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch và thân thiện với môi trường (CNG, LPG, năng lượng điện hoặc nhiên liệu thay thế khác phù hợp với xu thế phát triển của các nước trên thế giới).

TP.HCM sẽ xây dựng hướng dẫn yêu cầu kỹ thuật cho đầu tư trạm sạc đáp ứng các loại xe buýt điện khác nhau. Ảnh: NGUYỄN SƠN

Đồng thời, TP cũng đang triển khai Quyết định số 876/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, mục tiêu lộ trình như sau: Giai đoạn đến năm 2030 sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng xe điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải đã sẵn sàng về mặt công nghệ, thể chế, nguồn lực.

Giai đoạn đến năm 2050: Phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.

Tốc độ phát triển xe điện lớn

Ông Bùi Hòa An cho biết hiện nay tốc độ phát triển xe điện tại TP.HCM vượt ngoài mong đợi, người dân có xu hướng lựa chọn xe điện tăng.

Cụ thể, đến cuối năm 2022, TP.HCM có khoảng 12.750 xe ô tô điện các loại có đăng ký và tiếp tục tăng cao trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hiện nay là TP chưa có hệ thống trạm sạc và các quy chuẩn, tiêu chuẩn chi tiết cho trạm sạc xe điện.

"Chúng ta chưa có hệ thống trạm sạc và quy chuẩn cần thiết cho trạm sạc điện. Để từng bước tiến tới cải tiến phương tiện thì TP.HCM rất cần có quy hoạch, tiêu chuẩn cụ thể về hệ thống trạm sạc điện. Chúng tôi đang tính toán trước mắt thực hiện đối với phương tiện có sức vận tải lớn như xe buýt và các phương tiện khác có liên quan để tiến tới chuyển đổi phương tiện điện" - ông An nói.

Hiện TP đang phối hợp với UNDP để triển khai các chương trình hợp tác, làm cơ sở hỗ trợ kế hoạch của TP.HCM về phát triển giao thông xanh. Đặc biệt là xây dựng hướng dẫn yêu cầu kỹ thuật cho đầu tư trạm sạc đáp ứng các loại xe buýt điện khác nhau. Đồng thời, TP cũng xây dựng năng lực và đào tạo cho cán bộ TP và các bên liên quan khác trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng xanh và giao thông điện.

PGS.TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức cho rằng có hai rào cản khi xây dựng trạm các tiêu chuẩn kỹ thuật cho trạm sạc cho xe buýt điện.

Thứ nhất là chi phí đầu tư phương tiện ban đầu của xe buýt điện cao gấp nhiều lần so với xe buýt truyền thống. Do đó, TP.HCM cần tính toán và lựa chọn công nghệ xe buýt nào sẽ phát triển trong tương lai để đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội.

Thứ hai là TP.HCM có mật độ dân số lớn, trong khi hạ tầng không gian hạn chế. Để phát triển trạm sạc điện đòi hỏi phải có diện tích. Như vậy khi đầu tư một hệ thống trạm sạc thì nó phải được sử dụng chung, hạ tầng công cho các đơn vị đều sử dụng được.

"Giải quyết các vấn đề trên, xây dựng trạm sạc điện mới phải khai thác hiệu quả và TP cũng không có quá nhiều đất để làm nhiều trạm sạc cho các loại xe buýt khác nhau" - TS Vũ Anh Tuấn lưu ý.

90% người dân sử dụng phương tiện cá nhân

Ông Patrick Haverman, Phó Đại diện thường trú của Liên hợp quốc - UNDP, đánh giá TP.HCM đóng vai trò đầu mối giao thông quan trọng tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, lượng phương tiện cá nhân tại TP.HCM đang rất cao - chiếm 90% nhu cầu đi lại của người dân.

Điều này góp phần đáng kể vào lượng phát thải nhà kính và chất gây ô nhiễm không khí cao cho TP. Trong khi đó, thị phần giao thông công cộng như xe buýt lại chiếm tỉ lệ thấp.

THÁI NGUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-chua-co-quy-chuan-ve-tram-sac-se-co-tram-sac-cho-cac-loai-buyt-dien-post785051.html