Tổ hợp Viking của Nga có những ưu thế vượt trội nào?

Mới đây, Trung tâm Phân tích Thương mại Vũ khí thế giới (CAWAT) có bài viết về những ưu thế vượt trội của tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Viking về chất lượng và hiệu suất chiến đấu so với một số hệ thống cùng phân khúc của phương Tây.

Các hệ thống phương Tây được đánh giá là đối thủ chính của tổ hợp Viking bao gồm: IRIS-T SLM do hãng Diehl Defense (Đức) chế tạo, NASAMS III của liên doanh Kongsberg Gruppen (Na Uy)/Raytheon (Mỹ) và SAMP/T đến từ tập đoàn Eurosam của châu Âu.

Theo bài viết, tất cả các nhà thầu quốc phòng phương Tây đều đưa ra thông số tốc độ bắn đặc biệt đối với các hệ thống tên lửa phòng không của họ, đó là chúng có thể bắn 6-8 tên lửa trong 10 giây. Đồng thời, riêng dòng SAMP/T được cho là có thể tấn công 10 mục tiêu cùng lúc. Tuy nhiên, lấy ví dụ về SAMP/T, người ta có thể thấy rằng tốc độ bắn của bệ phóng lại không tương đương với hiệu suất bắn của hệ thống. Tổ hợp Viking có thời gian chờ đợi giữa các lần phóng chỉ từ 2-3 giây. Trong khi đó thời gian này của IRIS-T SLM là 10-60 giây tùy vào khoảng cách tới mục tiêu.

Tổ hợp Viking được trưng bày tại một triển lãm. Ảnh: CAWAT

TASS dẫn lời các chuyên gia đánh giá, một ưu điểm khác của Viking là khung gầm bánh xích có khả năng việt dã cao, cho phép nó hoạt động mà không bị bó buộc vào đường trải nhựa và trong nhiều điều kiện khí hậu khác nhau. Kinh nghiệm rút ra từ môi trường tác chiến binh chủng hợp thành hiện đại cho thấy tính cơ động và độ ổn định chiến đấu của trang thiết bị quân sự có liên quan trực tiếp với nhau. Là tổ hợp phòng không lục quân nên ngoài khả năng cơ động, các thành phần trong tổ hợp Viking còn được bọc giáp nhẹ để bảo vệ khí tài và kíp điều khiển khỏi mảnh văng và đạn bộ binh.

Ngoài ra, tổ hợp Viking có tốc độ triển khai các thành phần chiến đấu chính từ đội hình hành quân sang đội hình chiến đấu chỉ trong 5 phút, và toàn bộ tổ hợp được triển khai sẵn sàng chiến đấu trong 10 phút. Sau khi khai hỏa, tổ hợp còn có khả năng cơ động rời vị trí trong vòng 20 giây. Một yếu tố khác bảo đảm độ ổn định khi chiến đấu của nó là lớp giáp dày 15mm. Ngược lại, các hệ thống tên lửa phòng không tầm trung của phương Tây lại được đặt trên khung gầm bánh lốp nên “kén” địa hình hơn, khi yêu cầu đường di chuyển phải trong điều kiện tốt. Thêm vào đó, thời gian triển khai từ đội hình hành quân sang đội hình chiến đấu mất tới 10-15 phút.

“Độ ổn định chiến đấu của IRIS-T SLM và SAMP/T cũng khá hạn chế do mỗi hệ thống chỉ được tích hợp với 1 radar. Nếu radar bị đánh trúng, các thành phần của những hệ thống này coi như mất sức chiến đấu. Cũng cần nói thêm rằng, chỉ có công ty Kongsberg Gruppen nhận ra được mối đe dọa này, nên đã trang bị cho mỗi khẩu đội NASAMS III với 6-8 radar, tức là cứ 2 bệ phóng sẽ có 1 radar. Tỷ lệ này gần tương ứng với tổ hợp Viking”, bài viết phân tích.

Như vậy, khả năng cơ động cao cho phép tổ hợp Viking nhanh chóng di chuyển vào vị trí và tham chiến, và sau khi hoàn thành nhiệm vụ sẽ rời khỏi khu vực nguy hiểm để tránh bị tấn công trả đũa.

Hệ thống IRIS-T SLM. Ảnh: Reddit

Tóm lại, bài viết đánh giá, trong tổ chức phòng không của phương Tây, các hệ thống phóng từ trên không và trên biển được ưu tiên phát triển, trong khi những dự án hệ thống phòng không lục quân lại đi theo nguyên tắc “từ những gì có sẵn”.

“Trong IRIS-T SLM, số lượng tên lửa và tầm bắn của chúng khiến công suất radar trở nên dư thừa gấp nhiều lần. Ngược lại, đối với SAMP/T, đặc tính hoạt động của radar không cho phép chúng phát huy hết khả năng phòng thủ tên lửa. Tốc độ bắn cao của bệ phóng không phù hợp với số lượng kênh mục tiêu”, bài viết nhấn mạnh.

Không giống như các đối thủ phương Tây, tổ hợp Viking có các đặc tính chiến thuật, kỹ thuật gần như cân bằng hoàn hảo. Đơn cử, những đặc điểm về phạm vi trinh sát, dẫn đường, số lượng mục tiêu theo dõi, kênh hỏa lực, đạn tên lửa, tính năng của tên lửa dẫn đường và cơ số đạn trong tổ hợp Viking đều đồng bộ, nhất quán với nhau.

“Tổ hợp Viking có nhiều ưu điểm. Không có thành phần nào trong đó làm chậm hoạt động của toàn bộ tổ hợp. Nó được thiết kế phù hợp tác chiến trong đội hình binh chủng hợp thành, tối ưu cho nhiệm vụ che đầu lục quân và một phần nhiệm vụ phòng không mặt trận”, bài viết kết luận.

Viking là phiên bản xuất khẩu của tổ hợp Buk-M3 do tập đoàn Almaz-Antey của Nga phát triển cho lực lượng vũ trang nước này. Nó được thiết kế chủ yếu để bảo vệ quân đội và các trang thiết bị tại tiền tuyến trước những cuộc tấn công lớn bằng vũ khí tấn công đường không hiện đại của đối phương dưới nhiều hình thức hoạt động tác chiến khác nhau.

Điểm khác biệt dễ nhận ra nhất ở Viking/Buk-M3 so với những người tiền nhiệm là tên lửa được đặt trong ống phóng kiêm ống bảo quản.

Tổ hợp Viking sử dụng 2 dòng đạn tên lửa đánh chặn nhiên liệu rắn 9M317 và 9M317M có dải hoạt động rộng, từ chống lại máy bay không người lái (UAV) bay thấp tới các mục tiêu siêu thanh như tên lửa đạn đạo có tốc độ bay tới 3.000m/giây, khi có khả năng vươn tới khoảng cách 100km và độ cao 40km. Đặc biệt, nếu kết nối với các phương tiện cảnh báo sớm trên không khác, tổ hợp này còn có khả năng đối phó với cả máy bay tàng hình tối tân và đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật.

So với dòng Buk-M2 trước đây, Viking/Buk-M3 trang bị hệ thống máy tính hoàn toàn mới, cung cấp khả năng phân tích và xử lý dữ liệu băng thông rộng giúp tổ hợp phản ứng nhanh và chuẩn xác trong môi trường tác chiến phức tạp hoặc bị tác chiến điện tử mạnh. Ngoài ra, một trong những điểm khác biệt dễ nhận ra nhất ở Viking/Buk-M3 so với những người tiền nhiệm là tên lửa được đặt trong ống phóng kiêm ống bảo quản, qua đó giúp cải thiện tuổi thọ cho tên lửa cũng như tăng cường mức độ an toàn. Một tiểu đoàn Viking bao gồm 6 xe phóng, có thể cùng lúc theo dõi và tiêu diệt 36 mục tiêu.

Hiệu suất đánh chặn mục tiêu của tổ hợp Viking được các chuyên gia Nga công bố là lên đến 99%. Ngoài ra, nó có khả năng tấn công linh hoạt các mục tiêu từ mặt đất, trên không và trên biển.

THÁI HÀ (theo CAWAT)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/to-hop-viking-cua-nga-co-nhung-uu-the-vuot-troi-nao-772901