Tổ chức BRICS thống trị thế giới khi trở thành 'siêu cường tài nguyên'?

Nhóm các nền kinh tế mới nổi (Tổ chức BRICS) đã trở thành một thế lực đáng gờm sau khi mở rộng bởi nắm trong tay nguồn dự trữ tài nguyên rất lớn.

Hiện tại Tổ chức BRICS là một "câu lạc bộ" bao gồm 10 quốc gia đó là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ả Rập Saudi, UAE, Iran, Ethiopia và Ai Cập, chiếm 45% dân số thế giới.

Nhưng quy mô của BRICS sẽ không dừng lại ở con số trên, khi ước tính khoảng hai chục quốc gia nữa đã bày tỏ mong muốn trở thành thành viên của tổ chức quốc tế đang lên này.

Sau khi mở rộng vào ngày 1/1 /2024, BRICS đã trở thành "siêu cường tài nguyên" thực sự. Các chuyên gia lưu ý rằng tổ chức nói trên đang nắm trong tay nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ.

Ví dụ, các quốc gia thuộc BRICS chiếm tới 45% trữ lượng dầu mỏ trên toàn thế giới, đối với khí đốt tự nhiên thì tỷ lệ còn lên đến 56%. Không chỉ có vậy, BRICS cũng kiểm soát 2/3 sản lượng uranium được làm giàu.

Xét về GDP tính theo sức mua (PPP), câu lạc bộ nói trên chiếm tỷ trọng 32% nền kinh tế thế giới, trong khi các nước G7 chỉ kiểm soát khoảng 30%, ngoài ra khoảng cách được dự báo sẽ gia tăng nghiêng về phía BRICS nhờ hai "đầu tàu" là Trung Quốc và Ấn Độ.

Phương Tây luôn muốn việc khai thác tài nguyên thiên nhiên phụ thuộc vào công nghệ và tiêu chuẩn môi trường của họ, khi tìm cách buộc các nước xuất khẩu phải hạn chế hoạt động sản xuất nguyên liệu thô.

Đương nhiên các thành viên Tổ chức BRICS hoàn toàn không đồng ý với điều này và sẽ bảo vệ quyền lợi của mình đến cùng, trước kia tiếng nói của họ có ít trọng lượng nhưng hiện tại khi đã liên kết lại, đây thực sự là thế lực mà phương tây không thể xem nhẹ.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS tiếp theo dự kiến diễn ra ở thành phố Kazan (Nga) vào tháng 10 năm 2024. Tại sự kiện này, quyết định có thể được đưa ra về việc mở rộng hơn nữa Tổ chức.

Việc bổ sung các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn có thể mang lại cho khối BRICS nhiều quyền lực hơn để thách thức sự thống trị của đồng đô la trong thương mại dầu khí, bằng cách chuyển sang các loại tiền tệ khác.

Tuy nhiên sự mở rộng nhanh chóng và rộng rãi như vậy có nghĩa là BRICS đang trở thành một câu lạc bộ có lợi ích đặc biệt. Các chuyên gia nhận định rằng tổ chức này từ một liên minh kinh tế sẽ được tái cơ cấu thành một lực lượng chính trị.

Bằng cách mở rộng sự hiện diện của BRICS tại Nam bán cầu và tăng cường ảnh hưởng kinh tế cũng như chính trị trên trường thế giới, các nhà lãnh đạo khối đã tạo ra một đối trọng thực sự với G7 do phương Tây chi phối.

Trên thực tế, một cột mốc quan trọng đã trôi qua, bởi vì việc mở rộng khối không kết thúc mà chỉ là khởi đầu của quá trình, việc bổ sung các thành viên tham gia giờ đây sẽ tiến hành nhanh hơn nhiều theo thời gian.

Các nhà phân tích dự đoán rằng BRICS có thể sớm hấp thụ các tổ chức khác, khiến những cơ cấu cũ trở nên không còn phù hợp, vốn đang thúc đẩy một thế giới "đa cực" hơn và thoát khỏi sự thống trị của Mỹ thời hậu Chiến tranh Lạnh.

Chúng ta đang nói về OPEC, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Thị trường chung phía Nam (MERCOSUR) và Liên minh châu Phi (AU), tất cả đều có thể bị BRICS thay thế.

Tuy nhiên việc mở rộng quá nhanh, kết nạp cả những quốc gia đang chìm trong khủng hoảng có thể gây mâu thuẫn nội tại, đồng thời "làm mờ" danh xưng "Nhóm các nền kinh tế mới nổi".

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/to-chuc-brics-thong-tri-the-gioi-khi-tro-thanh-sieu-cuong-tai-nguyen-post572777.antd