Tình hình Yemen: Liên hợp quốc gia hạn trừng phạt, Mỹ nói Iran tài trợ cho Houthi sẽ 'đe dọa' Saudi Arabia

Chiều 25/2, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết 2511 (2020) gia hạn một năm các biện pháp trừng phạt liên quan đến Yemen và hoạt động của Nhóm Chuyên gia thuộc Ủy ban Trừng phạt 2140.

Hội đồng Bảo an bỏ phiếu gia hạn trừng phạt Yemen. (Nguồn: Washington Post)

Cơ chế trừng phạt liên quan Yemen được thiết lập dựa trên Nghị quyết 2140 ngày 26/2/2014 của HĐBA nhằm hỗ trợ tiến trình quá độ chính trị tại Yemen, theo đó thành lập Ủy ban Trừng phạt 2410 và áp dụng các biện pháp đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với các cá nhân, tổ chức bị Ủy ban 2140 liệt vào danh sách trừng phạt.

Cũng căn cứ theo Nghị quyết 2140, Tổng Thư ký LHQ đã bổ nhiệm Nhóm Chuyên gia hỗ trợ hoạt động của Ủy ban Trừng phạt 2140. Tháng 4/2015, HĐBA thông qua Nghị quyết 2216 bổ sung biện pháp cấm vận vũ khí vào cơ chế trừng phạt này. Từ đó đến nay, các biện pháp trừng phạt liên quan Yemen và hoạt động của Nhóm Chuyên gia được HĐBA gia hạn hằng năm.

Năm nay, Nghị quyết được thông qua với 13 phiếu thuận và 2 phiếu trắng của Nga và Trung Quốc.

Phát biểu tại cuôc họp của HĐBA, Phó Đại sứ Trung Quốc tại LHQ, ông Ngô Hải Đào nhấn mạnh, nNhị quyết mới của HĐBA không đáp ứng được những quan ngại của Bắc Kinh: "Phái đoàn Trung Quốc đã đề xuất nhiều nội dung sửa đổi, song văn bản cuối cùng không đáp ứng được". Vì vậy, Trung Quốc không thể bỏ phiếu thuận đối với Nghị quyết trên.

Theo ông Ngô Hải Đào, nội dung trong nghị quyết yêu cầu ban chuyên gia ở Yemen thu thập thông tin về những linh kiện sẵn có trên thị trường có thể được sử dụng để chế tạo các thiết bị bay không người lái và thiết bị nổ tự chế là quá rộng.

Yemen sa lầy trong cuộc nội chiến kể từ khi Houthi đánh chiếm Thủ đô Sanaa cuối năm 2014 và Chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi phải lưu vong.

Năm 2015, một liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu đã can thiệp vào Yemen để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Hadi khôi phục quyền lực.

Kể từ cuối tháng 9/2019, Saudi Arabia tiến hành các cuộc đàm phán không chính thức với Houthi để giảm bạo lực. Sau một thời gian tạm lắng, bạo lực đã leo thang trở lại ở phía Đông Sanaa dưới sự kiểm soát của phiến quân Houthi, kể từ sau vụ tấn công tên lửa của Houthi nhằm vào một doanh trại của quân Chính phủ tại thành phố Marib miền Trung Yemen ngày 18/1 vừa qua khiến hơn 100 người thiệt mạng.

Trong diễn biến liên quan, phát biểu với báo giới, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Sự ủng hộ của Iran với Houthi, như gửi các vũ khí tối tân, sẽ tiếp tục mà không giảm bớt. Họ thậm chí có thể tăng cường".

Theo quan chức này, sự ủng hộ của Tehran có thể khiến phiến quân ở Yemen "đe dọa" Saudi Arabia bằng cách phóng những tên lửa tối tân nhằm vào các sân bay dân sự cũng như "có thể" đe dọa các công dân Mỹ.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ các nhà tài trợ quốc tế sẽ tạm dừng nhiều chương trình viện trợ tại Yemen trong 2 tháng tới nếu Houthi không chấm dứt việc cản trở các hoạt động viện trợ. Washington hy vọng phiến quân này sẽ "thay đổi cách hành xử của họ" và các biện pháp hạn chế viện trợ sẽ không cần thiết.

Thế Việt

(theo Tân Hoa xã, Sputnik, AFP)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tinh-hinh-yemen-lien-hop-quoc-gia-han-trung-phat-my-noi-iran-tai-tro-cho-houthi-se-de-doa-saudi-arabia-110315.html