Mỹ, châu Âu tranh cãi cách dùng tài sản Nga giúp Ukraine

Dù đã có cách thu tiền từ tài sản Nga bị đóng băng mà không cần tịch thu, Mỹ và châu Âu vẫn bất đồng trong phương thức thực hiện.

Nguồn dự trữ ngoại hối trị giá khoảng 260 tỉ euro (282 tỉ USD) của Nga bị đóng băng ở phương Tây kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ đang sinh lãi mỗi ngày.

Các quỹ này thuộc sở hữu của Ngân hàng trung ương Nga và được tính bằng tiền phương Tây. Hiện tại, châu Âu và Mỹ đang xem xét cách sử dụng những nguồn lợi này để hỗ trợ lực lượng Ukraine, theo tờ The New York Times (NYT).

Trong nhiều tháng qua, đã có tranh luận về việc liệu tịch thu toàn bộ tài sản Nga bị đóng băng có hợp pháp hay không. Trong khi Mỹ và Anh ủng hộ việc tịch thu, thì nhiều nước như Pháp, Đức, Indonesia, Ý, Nhật và Saudi Arabia, cũng như một số quan chức, bao gồm Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde, phản đối.

Bên phản đối lập luận rằng việc tịch thu sẽ là một tiền lệ xấu, vi phạm chủ quyền và có thể dẫn đến những thách thức pháp lý, bất ổn tài chính và sự trả đũa bằng cách tịch thu tài sản của phương Tây ở nước ngoài. Do đó, ý tưởng tịch thu tài sản Nga hiện nay dường như không thể thực hiện.

Tuy nhiên, công ty dịch vụ tài chính Euroclear có trụ sở tại Bỉ - nơi nắm giữ 190 tỉ euro dự trữ ngoại hối của Nga - cho rằng đề xuất thu giữ và sử dụng tiền lãi, kiếm được từ những tài sản này của Nga, là một điều đáng để cân nhắc.

Cả châu Âu và Mỹ đều tin rằng những khoản tiền lãi này có thể được sử dụng mà không gây ra những thách thức hoặc rủi ro pháp lý tương tự đối với hệ thống tài chính toàn cầu.

 Phương Tây đã có cách thu tiền từ tài sản Nga bị đóng băng ở nước ngoài mà không cần tịch thu chúng để giúp trang bị cho quân Ukraine. Ảnh: NYT

Phương Tây đã có cách thu tiền từ tài sản Nga bị đóng băng ở nước ngoài mà không cần tịch thu chúng để giúp trang bị cho quân Ukraine. Ảnh: NYT

Tuy nhiên, châu Âu và Mỹ có những ý tưởng khác nhau về việc sử dụng nguồn tiền này. Trong khi châu Âu muốn chuyển tiền này sang Ukraine mỗi năm hoặc 2 năm một lần thì Mỹ lại tìm cách cộng dồn, trả trước lãi để rót tiền vào Ukraine nhiều hơn và nhanh hơn.

Cuộc tranh luận về việc nên áp dụng phương án nào, của Mỹ hay châu Âu, đang ngày càng nóng hơn trước thềm cuộc họp thượng đỉnh G7 tại Ý vào tháng tới.

Kế hoạch của châu Âu

Tuần tới, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ chính thức thông qua kế hoạch về việc dùng phần lớn tiền lãi thu được từ tài sản Nga bị đóng băng ở châu Âu để giúp trang bị vũ khí cho Ukraine, theo NYT.

Sau nhiều tháng đàm phán, các nước EU đã phê duyệt đề xuất này vào tháng 3. Về nguyên tắc, các nước này đã đồng ý rằng sẽ sử dụng 90% tiền lãi để mua vũ khí cho Ukraine thông qua Cơ chế Hòa bình châu Âu - một cơ quan của EU chịu trách nhiệm việc cung cấp viện trợ quân sự và triển khai các nhiệm vụ quân sự EU ở nước ngoài.

Còn 10% còn lại sẽ dành cho việc tái thiết và mua các sản phẩm phi sát thương cho Ukraine, để “xoa dịu” các quốc gia EU trung lập về mặt quân sự như Ireland, Áo, Malta,..

 Tiền lãi từ tài sản Nga bị đóng băng ở các nước phương Tây sẽ được gửi tới Ukraine. Ảnh: NYT

Tiền lãi từ tài sản Nga bị đóng băng ở các nước phương Tây sẽ được gửi tới Ukraine. Ảnh: NYT

Đề xuất của châu Âu chỉ nhắm vào tiền lãi từ 190 tỉ euro dự trữ ngoại hối của Ngân hàng trung ương Nga ở trung tâm lưu ký chứng khoán trung ương Euroclear.

Ủy ban châu Âu dự kiến rằng mỗi năm Euroclear sẽ bàn giao khoảng 3 tỉ euro tiền lãi và số tiền này sẽ được chuyển vào quỹ của EU 2 năm một lần, với khoản thanh toán đầu tiên dự kiến vào tháng 7 tới.

Euroclear đã thu được khoảng 5 tỉ euro lợi nhuận ròng từ tài sản đóng băng của Nga kể khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ. Tiền lãi thu được cho đến tháng 2 năm nay sẽ được Euroclear giữ lại trong trường hợp có khiếu nại pháp lý, nhưng Ủy ban châu Âu đã đánh giá rằng Moscow không có quyền hợp pháp đối với nguồn lợi này.

Phương án của Mỹ

Với việc Ukraine càng ngày càng chịu áp lực lớn từ Nga và cần tiền để mua thêm đạn dược và trả lương cho binh sĩ, Mỹ cho rằng tốt nhất là nên chuyển thêm tiền cho Ukraine càng sớm càng tốt.

Mỹ chỉ giữ một lượng nhỏ tài sản của Nga, ước tính khoảng 5 tỉ USD. Tuy nhiên, Mỹ đề xuất trả trước cho Ukraine khoảng 60 tỉ USD, sau đó mới dùng tiền lãi từ tài sản của Nga đang được châu Âu nắm giữ để trả nợ dần.

 Mỹ và châu Âu chưa thống nhất về việc dùng tiền lãi từ tài sản Nga bị đóng băng. Ảnh: NYT

Mỹ và châu Âu chưa thống nhất về việc dùng tiền lãi từ tài sản Nga bị đóng băng. Ảnh: NYT

Mỹ không gạt đi kế hoạch của châu Âu, nhưng sẽ tuân theo kế hoạch của châu Âu và sau đó có khả năng thay thế nó bằng ý tưởng của Mỹ. Kế hoạch của Mỹ có thể được sắp xếp thực hiện trước cuộc bầu cử tháng 11.

Ông Daleep Singh - cố vấn an ninh Mỹ và là “kiến trúc sư” chính của các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga - nói rằng Washington muốn tận dụng tiền lãi của các tài sản bị đóng băng của Nga để “tối đa hóa tác động của các khoản thu này, cả hiện tại và tương lai, vì lợi ích của Ukraine ngày nay”.

“Thay vì chỉ chuyển lợi nhuận hàng năm từ khoản dự trữ ngoại hối của Nga, về mặt khái niệm, có thể chuyển tiền lãi 10 năm hoặc 30 năm trước cho Ukraine. Tiền lãi được cộng dồn như vậy sẽ là một con số rất lớn” - ông Singh nói.

Ông Mujtaba Rahman - Giám đốc điều hành khu vực châu Âu của Tập đoàn Eurasia - cho rằng ưu điểm trong kế hoạch của Mỹ là một hình thức bảo chứng cho tương lai. Bởi điều này sẽ tránh được sự chậm trễ trong việc phê duyệt viện trợ cho Ukraine vốn bị chính trị hóa sâu sắc trong quốc hội Mỹ gần đây cũng như bất chấp việc tổng thống Mỹ tương lai là ai.

Tranh cãi giữa Mỹ và châu Âu

Kế hoạch của Mỹ đã vấp phải sự phản đối từ châu Âu vì nó làm suy yếu quyền kiểm soát của châu Âu đối với tài sản Nga và gây ra rủi ro lớn hơn.

Phía châu Âu lập luận rằng nếu theo kế hoạch của Mỹ thì khi lãi suất giảm, số tiền lãi kiếm được từ tài sản của Nga có thể không đủ để trả nợ. Vậy ai, Mỹ hay là EU, sẽ chịu trách nhiệm bù đắp khoản thâm hụt đó?

Thứ hai, nếu xung đột kết thúc bằng một cuộc đàm phán trước khi trái phiếu đáo hạn, điều gì sẽ xảy ra nếu lệnh trừng phạt đối với Nga được dỡ bỏ và tài sản của Nga được trả lại? Hoặc điều gì sẽ xảy ra nếu tài sản Nga bị tịch thu để chi trả cho việc tái thiết Ukraine? Trong cả hai trường hợp, ai sẽ chịu trách nhiệm bù tiền vào?

Ông Rahman cho biết điểm nghẽn là các quan chức châu Âu cho rằng Mỹ nên đứng ra bảo lãnh khoản tiền đó, trong khi Mỹ lại muốn châu Âu chịu trách nhiệm.

Một số quan chức đề nghị các nước G7 phải chịu trách nhiệm và thậm chí phát hành trái phiếu, nhưng một số quốc gia có thể phản đối kế hoạch đó về mặt pháp lý.

Một số quan chức châu Âu đề nghị Ủy ban châu Âu nên phát hành trái phiếu, vì tài sản ở châu Âu và do đó có nhiều tiếng nói hơn về cách chi tiêu tiền. Nếu làm vậy, châu Âu sẽ không phải lo lắng về việc tổng thống Mỹ mới là ai hay đảng nào chi phối quốc hội.

THU PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/my-chau-au-tranh-cai-cach-dung-tai-san-nga-giup-ukraine-post790926.html