Tin thế giới 16/4: 'Đặc quyền' mà Mỹ dành cho Israel và 'cự tuyệt' Ukraine, Kiev muốn được đối xử tương tự, ông Trump hầu tòa hình sự

Tình hình xung đột ở Ukraine và Trung Đông, Thủ tướng Iraq thăm Mỹ, Thủ tướng Đức thăm Trung Quốc, Sách Xanh ngoại giao Nhật Bản, ông Donald Trump ra hầu tòa hình sự... là một số sự kiện nổi bật trong 24 giờ qua.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ra trình diện một tòa án hình sự ở New York hôm 15/4, xét xử về cáo buộc ông trả tiền để mua chuộc một diễn viên phim khiêu dâm. (Nguồn: AP)

Nga-Ukraine

* Ukraine muốn được phương Tây đối xử như Israel: Ngày 15/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã dành nhiều lời khen ngợi về “hành động của đồng minh” giúp sức Israel chặn cuộc tấn công của Iran hồi cuối tuần.

Viết trên Telegram, nhà lãnh đạo Ukraine nêu rõ, kết quả này chứng tỏ khối đoàn kết dựa trên ý chí chính trị đầy đủ thực sự hiệu quả và Israel, Mỹ, Anh, Pháp cùng Jordan "đã hành động cùng nhau và đạt hiệu quả tối đa”.

Ông Zelensky kêu gọi tập thể phương Tây cung cấp cho Ukraine mức độ hỗ trợ tương tự và bảo vệ nước này khỏi những cuộc tấn công tầm xa của Nga.

Tổng thống Ukraine nói rõ: “Bầu trời châu Âu lẽ ra đã được bảo vệ tương tự từ lâu nếu chúng tôi nhận được sự hỗ trợ đầy đủ tương tự (Israel) từ các đối tác trong nhiệm vụ đánh chặn máy bay không người lái và tên lửa”. (RT)

* Mỹ không đánh chặn tên lửa Nga ở Ukraine, ngay cả sau khi Washington giúp đồng minh Israel đẩy lùi một cuộc tấn công trên không từ Iran hồi cuối tuần.

Trong một cuộc họp báo, khi được hỏi liệu Washington có khả năng cử lực lượng vũ trang đánh chặn tên lửa và máy bay không người lái của Nga trong xung đột Ukraine hay không, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby chia sẻ, nước này sẽ không đảm nhận vai trò tác chiến ở Ukraine.

Ông nhấn mạnh: "Các cuộc xung đột khác nhau, không phận khác nhau, bức tranh về mối đe dọa khác nhau".(TASS)

* Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ đường giải quyết khủng hoảng là cần quan tâm đến hòa bình, ổn định, hơn là theo đuổi lợi ích riêng.

Theo ông, để nhanh chóng khôi phục hòa bình ở Ukraine, “cần tập trung vào hòa bình và ổn định, chứ không theo đuổi lợi ích cá nhân”. Cần làm dịu tình hình mà không đổ thêm dầu vào lửa, tạo điều kiện lập lại hòa bình và tránh làm mâu thuẫn thêm trầm trọng.

Bên cạnh đó, cần phải giảm tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế toàn cầu và không làm suy yếu sự ổn định của chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. (Sputnik)

* Ukraine “hết tên lửa” để ngăn chặn Nga trong vụ Moscow tấn công nhà máy nhiệt điện Trypillia, theo lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 16/4.

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo thừa nhận, sức mạnh của quân đội Nga vượt trội năng lực của Ukraine nhiều lần, với số đạn pháo của Moscow gấp 10 lần Kiev, khiến các lực lượng của ông không thể trụ vững.

Theo ông, để bảo vệ 100% những gì trong tầm kiểm soát của mình, Ukraine cần ngang bằng năng lực với Nga, thừa nhận rằng Kiev sẽ không thể trang bị cho các lữ đoàn nếu không có hỗ trợ từ Mỹ.

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson hứa hẹn dự luật riêng nhằm hỗ trợ Ukraine sẽ được đưa ra bỏ phiếu trong tuần này. (PBS News)

Châu Âu

* EU chi hàng tỷ Euro cho đại dương bền vững, theo lời Cao ủy châu Âu về Môi trường, Đại dương và Nghề cá Virginijus Sinkevicius ngày 16/4.

Tại hội nghị thường niên “Đại dương của chúng ta” diễn ra ở thủ đô Athens của Hy Lạp trong tuần này với sự tham gia của khoảng 120 quốc gia, các bên đã đưa ra 40 cam kết từ chống ô nhiễm biển đến hỗ trợ nghề cá bền vững và đầu tư vào cái gọi là nền kinh tế xanh.

Các cam kết bao gồm hỗ trợ 14 khoản đầu tư và 1 kế hoạch cải cách nghề cá bền vững tại CH Cyprus, Hy Lạp, Ba Lan, Bồ Đào Nha trị giá khoảng 1,9 tỷ Euro.

980 triệu Euro khác được lấy từ Quỹ Phục hồi và Khả năng chống chịu (RRF) của EU để hỗ trợ 4 khoản đầu tư và 2 kế hoạch cải cách nhằm chống ô nhiễm biển tại CH Cyprus, Phần Lan, Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha.

Các sáng kiến khác nhằm hỗ trợ các nước châu Phi phát triển nền kinh tế xanh. (AFP)

* G7 đang nghiên cứu gói biện pháp chống Iran: Ngày 15/4, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết, Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang nghiên cứu một gói các biện pháp phối hợp chống lại Iran sau cuộc tấn công trả đũa của nước này nhằm vào Israel.

Ông Sunak nhận định, việc phối hợp mọi biện pháp giữa các đồng minh, có thể bao gồm các biện pháp trừng phạt, sẽ đảm bảo chúng có ảnh hưởng tối đa đến Iran và những nước có thể bị trừng phạt. (Aawsat)

* Thủ tướng Đức Olaf Scholz thăm Trung Quốc 3 ngày và hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày cuối cùng của chuyến thăm, 16/4.

Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh đến hợp tác thương mại, đầu tư song phương cũng như đảm bảo chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu.

Chủ tịch Tập Cận Bình lưu ý rằng chuỗi công nghiệp và cung ứng của Trung Quốc và Đức có mối liên hệ sâu sắc và thị trường của hai nước phụ thuộc lẫn nhau, khẳng định sự hợp tác cùng có lợi giữa hai nước đảm bảo sự ổn định của quan hệ song phương và là cơ hội cho tương lai.

Về phần mình, Thủ tướng Scholz đề cập những lĩnh vực mà Đức và Trung Quốc có thể tăng cường hợp tác, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu.

Đề cập cuộc khủng hoảng tại Ukraine, nhà lãnh đạo Đức bày tỏ hy vọng Berlin và Bắc Kinh có thể giúp đạt được “hòa bình công bằng” ở ở quốc gia Đông Âu này. (Reuters)

Chảo lửa Trung Đông

* Trung Đông đang bên “bờ vực”, theo lời Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 15/4, sau cuộc tấn công trả đũa của Iran nhằm vào Israel.

Ông dự kiến Israel sẽ đáp trả các cuộc không kích của Iran, nhấn mạnh rằng: “Chúng ta phải đạp phanh và về số lùi”.

Trong ngày 16/4, cộng đồng quốc tế, trong đó có Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Quốc vương Jordan Abdullah II và Ngoại trưởng Nhật Bản tiếp tục kêu gọi các bên liên quan kiềm chế và ngừng leo thang căng thẳng ở Trung Đông.

Ông Biden nhắc nhở Israel “cân nhắc thận trọng và có chiến lược” trước khi đưa ra phản ứng vì có thể khiến xung đột lan rộng. (AFP, Reuters)

* Israel quyết trả đũa, phát động chiến dịch tấn công ngoại giao: Tối 15/4, Nội các chiến tranh Israel đã quyết định trả đũa một cách “mạnh mẽ và rõ ràng” vụ tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Iran vào nước này hồi cuối tuần, song cũng muốn phối hợp hành động với Mỹ.

Ngày 16/4, Bộ Ngoại giao Israel phát động chiến dịch “tấn công ngoại giao” chống lại Iran khi kêu gọi 32 quốc gia áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và chương trình tên lửa của Tehran.

Bên cạnh đó, Israel đã lần đầu tiên lên tiếng về vụ tòa nhà lãnh sự trong Đại sứ quán Iran ở Damascus (Syria) bị tấn công hôm 1/4 khiến 7 người thiệt mạng.

Israel cho rằng, những người thiệt mạng từng tham gia tấn công chống lại Nhà nước Israel, trong số đó có các thành viên Hezbollah và những đối tượng giúp đỡ người Iran và không có một nhà ngoại giao nà.(Times of Israel, AFP)

* Iran sẵn sàng phòng thủ nếu Israel tiếp tục leo thang, theo lời Cố vấn tại Đại sứ quán Iran ở Nga Hussein Maliki.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian khẳng định, nước này không muốn căng thẳng gia tăng, nhưng sẽ đáp trả ngay lập tức và mạnh mẽ hơn trước nếu Israel có động thái trả đũa.

Trước nguy cơ các cơ sở hạt nhân có thể bị ảnh hưởng do căng thẳng với Israel, Iran hiện đã tạm thời đóng cửa các cơ sở này vì "cân nhắc yếu tố an ninh". (Reuters)

* Hamas thay đổi các yêu cầu đối với Israel về ngừng bắn và trao trả con tin, theo đó, phong trào này chỉ sẵn sàng thả ít hơn 20 con tin để đổi lấy lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tuần.

Hamas cũng yêu cầu trả tự do cho số lượng tù nhân an ninh Palestine cao hơn trước, bao gồm cả những cá nhân bị buộc tội nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, Hamas kêu gọi cộng đồng quốc tế đảm bảo việc Israel tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn, gồm việc ngừng các hoạt động quân sự, rút lực lượng khỏi một số khu vực nhất định ở Dải Gaza và đưa những người Palestine di tản về nhà của họ ở phía Bắc của vùng đất này. (I24 News)

Châu Á-Thái Bình Dương

* Đảng Quyền lực quốc dân (PPP) cầm quyền ở Hàn Quốc quyết định thành lập ủy ban lãnh đạo khẩn cấp vào ngày 16/4, có nhiệm vụ tổ chức đại hội toàn quốc nhằm bầu ra nhà lãnh đạo mới của đảng.

Đây là động thái mới nhất sau khi PPP thất bại trước đảng Dân chủ (DP) đối lập trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa 22 vào tuần trước.

Điều này làm dấy lên khả năng PPP sẽ tổ chức đại hội toàn quốc của đảng sớm nhất vào tháng 6 tới để bầu ra nhà lãnh đạo mới.

Cùng ngày, phát biểu trong cuộc họp nội các, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cam kết ưu tiên những vấn đề liên quan sinh kế, cải thiện chất lượng cuộc sống và quan tâm tới nguyện vọng của người dân. (Yonhap)

* Nhật Bản công bố Sách Xanh ngoại giao năm 2024 vào ngày 16/4, trong đó cam kết theo đuổi mối quan hệ chiến lược và cùng có lợi với Trung Quốc, coi Hàn Quốc là "quốc gia láng giềng quan trọng" nên hợp tác và nỗ lực xúc tiến cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên.

Báo cáo cũng đề cập “những quan ngại sâu sắc” về “các nỗ lực đơn phương thay đổi nguyên trạng” ở Biển Đông cũng như tầm quan trọng của việc thúc đẩy hợp tác ba bên Mỹ-Philippines-Nhật Bản, đồng thời cảnh giác sự tăng cường hợp tác của Nga với Trung Quốc và Triều Tiên.

Tài liệu cũng nhấn mạnh sự hợp tác với các quốc gia có cùng quan điểm và xây dựng “mạng lưới đa lớp” với trong tâm là liên minh Nhật-Mỹ, chẳng hạn như các mạng lưới có sự tham gia của Australia, Ấn Độ và các thành viên NATO. (Kyodo News)

* Mỹ hối thúc Triều Tiên quay lại đàm phán, theo lời kêu gọi của Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield khi bà đến thăm Khu phi quân sự (DMZ) ở biên giới liên Triều.

Trong một tuyên bố tại DMZ, bà Thomas-Greenfield khẳng định, Mỹ mong muốn có hoạt động ngoại giao có ý nghĩa với Bình Nhưỡng.

Theo nhà ngoại giao, tất cả phương án đều đang được cân nhắc, kể cả bên ngoài khuôn khổ LHQ.(Yonhap)

Châu Mỹ

* Thủ tướng Iraq Mohamed Shia al-Sudani thăm Mỹ, hội đàm cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden trong ngày 15/4. Hai bên nhất trí duy trì nỗ lực hướng tới việc rút liên minh quân sự, do Mỹ dẫn đầu, nhằm chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan ở Iraq.

Tại cuộc gặp, ông Biden cho rằng, quan hệ đối tác giữa hai nước có ý nghĩa then chốt với cả hai bên, với Trung Đông và thế giới. Tổng thống Mỹ khẳng định vẫn “cam kết đảm bảo an ninh cho Israel".

Về Dải Gaza, ông chủ Nhà Trắng "ủng hộ ngừng bắn để đưa các con tin về nhà và ngăn chặn xung đột lan rộng”.

Cuộc trao đổi cũng tập trung vào các vấn đề kinh tế, thương mại và năng lượng, vốn đã trở thành ưu tiên hàng đầu của chính phủ Iraq. Ông Biden ca ngợi nỗ lực của Thủ tướng al-Sudani đã giúp củng cố nền kinh tế quốc gia Trung Đông. (Reuters)

* Tòa án Mỹ bắt đầu phiên xét xử hình sự cựu Tổng thống Donald Trump tại New York về cáo buộc trả tiền để mua chuộc một diễn viên phim khiêu dâm. Ông Trump đã có mặt ở phiên tòa.

Đây là phiên tòa đầu tiên mang tính lịch sử đối với một cựu tổng thống Mỹ và có thể là bước ngoặt đối với cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 mà ứng cử viên của đảng Cộng hòa này đang tìm cách trở lại nắm quyền.

Phiên tòa dự kiến kéo dài đến tháng 5/2024. Nếu bị kết án, ông Trump có khả năng phải đối mặt với án tù, nhưng các chuyên gia pháp lý cho rằng điều này khó xảy ra. (NBC News)

* LHQ kêu gọi Venezuela, Guyana tránh leo thang căng thẳng trong tranh chấp dầu mỏ ở vùng Essequibo mà cả hai đều tuyên bố chủ quyền.

Một tuyên bố do Hội đồng Bảo an LHQ đưa ra ngày 15/4 nêu rõ: "Các thành viên của Hội đồng Bảo an bày tỏ quan ngại về khả năng leo thang căng thẳng giữa Venezuela và Guyana, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, tuân thủ Lệnh về các biện pháp tạm thời do Tòa án Công lý quốc tế ban hành vào ngày 1/12/2023". (The Sun)

Hoàng Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-164-dac-quyen-ma-my-danh-cho-israel-va-cu-tuyet-ukraine-kiev-muon-duoc-doi-xu-tuong-tu-ong-trump-hau-toa-hinh-su-268075.html