Tín hiệu từ nỗ lực của Trung Quốc trong hòa giải Nga - Ukraine

Với việc cử đặc phái viên sang Ukraine, Nga và nhiều nước châu Âu, Trung Quốc đang cho thấy sự tích cực trong việc tham gia tìm giải pháp giải quyết xung đột nhưng giới quan sát cho rằng chỉ lạc quan vừa phải với nỗ lực này.

Theo thông báo từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc (TQ) Uông Văn Bân, từ ngày 15-5, cựu Đại sứ TQ tại Nga Lý Huy bắt đầu nhận nhiệm vụ làm đặc phái viên về vấn đề Á - Âu, lên đường đến các nước Ukraine, Ba Lan, Pháp, Đức và Nga nhằm tìm ra giải pháp cho xung đột Nga - Ukraine, theo hãng tin Reuters.

Động thái can dự đáng chú ý của TQ

Ông Uông nhấn mạnh rằng chuyến đi của ông Lý “minh chứng cho những nỗ lực của TQ để thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình và thể hiện đầy đủ cam kết vững chắc của TQ đối với hòa bình” và “TQ mong muốn ngăn chặn tình hình leo thang hơn nữa”.

Có thể thấy thời gian gần đây TQ có nhiều động thái can dự sâu hơn vào vấn đề xung đột Nga - Ukraine, vốn đã kéo dài hơn một năm với con số thương vong chạm mốc 300.000 người.

Cựu Đại sứ Trung Quốc tại Nga Lý Huy trong chuyến công du đến Kyrgyzstan hồi tháng 12-2021. Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Tháng 3, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đến Nga gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và một trong những chủ đề bàn đến là xung đột ở Ukraine.

Đến ngày 27-4, ông Tập có cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kể từ khi xung đột nổ ra. Chính cuộc điện đàm này mở đường cho chuyến công du của đặc phái viên Lý Huy. Cũng trong cuộc điện đàm này, ông Zelensky cho biết ông muốn TQ không cung cấp vũ khí hoặc các công nghệ khác cho Nga và đã nhận được sự trấn an của ông Tập.

Diễn biến này được giới quan sát nhận định là bước chuyển biến tích cực của TQ, trực tiếp can dự vào quá trình hòa giải. Đây cũng được xem là một động thái nữa nhấn mạnh quá trình TQ nỗ lực làm trung gian hòa giải giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng ngoại giao toàn cầu, mà một kết quả nổi bật là việc làm hòa giữa Saudi Arabia và Iran gần đây.

Đánh giá về bước đi của TQ, chuyên gia Ryan Hass thuộc Viện chính sách Brookings (Mỹ) cho rằng Bắc Kinh muốn có tiếng nói trong việc xây dựng lại cấu trúc an ninh châu Âu trong tương lai. Cụ thể, theo ông, “Bắc Kinh muốn được coi là nhân tố quan trọng đối với quá trình tái thiết của Ukraine và là nhân tố chủ chốt trong quá trình phục hồi rộng lớn hơn của châu Âu sau cuộc xung đột” - theo đài CNBC.

Ngoài ra, với việc tham gia hòa giải Nga - Ukraine, TQ có thể siết chặt hơn nữa quan hệ với Nga, GS Cheng Chen thuộc ĐH Albany (Mỹ) nhận xét. Thêm nữa, TQ có thể thu hút được các nước đang phát triển ở Mỹ Latinh, châu Phi, châu Á và châu Đại Dương - đây là những nước phần đông không đứng về phía nào trong cuộc xung đột, cũng như một số quốc gia châu Âu không muốn chứng kiến một cuộc chiến kéo dài.

“Để nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia này, TQ muốn đánh bóng hình ảnh của mình với tư cách là một nhà kiến tạo hòa bình, trái ngược với cách tiếp cận “đổ thêm dầu vào lửa” của Mỹ” - theo bà Cheng.

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Ukraine giấu tên cho biết đặc phái viên Lý Huy sẽ đến Ukraine vào ngày 16-5 (giờ địa phương) và hội đàm với các lãnh đạo nước này.

Quá nhiều điểm vướng

Dù vậy, với xung đột Nga - Ukraine, giới quan sát chỉ lạc quan ở mức vừa phải về kết quả thực tế mà TQ có thể đạt được. Nói cách khác, giới quan sát không kỳ vọng nhiều rằng TQ có thể đưa được Nga và Ukraine vào bàn đàm phán. Lý do, căng thẳng giữa TQ và các nước phương Tây vẫn rất cao và phương Tây vẫn chưa có đủ niềm tin về sự trung lập của TQ trong vấn đề này.

Hiện quan hệ giữa TQ và phương Tây - vốn là bên ủng hộ chính cho Ukraine - đang rất căng thẳng. Ngoài Mỹ, Đức - từng là một trong những đối tác đáng tin cậy nhất của TQ ở châu Âu nhờ mối quan hệ thương mại bền chặt giữa hai nước - cũng đánh giá TQ là đối thủ. Tuần trước, chính Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã nói rằng “mối quan hệ của chúng tôi với TQ được mô tả chính xác là ba mặt, là đối tác, đối thủ cạnh tranh và đối thủ có hệ thống, dù sự cạnh tranh chắc chắn đã gia tăng mà phía TQ là bên gây ra trước”.

An ninh khu vực cũng là một vấn đề gây mất lòng tin giữa hai bên. Phương Tây lưu ý đến việc quân đội TQ không ngừng xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo cải tạo trái phép ở Biển Đông nhằm củng cố yêu sách chủ quyền đường chín đoạn phi pháp của mình. Phần TQ, truyền thông nước này nhiều lần đặt vấn đề chủ quyền làm trọng tâm trong cuộc cạnh tranh với Mỹ, nhiều lần ám chỉ Mỹ đứng trên luật pháp.

Bên cạnh đó, nhiều diễn biến cho thấy phương Tây chưa đủ tin tưởng về độ trung lập của TQ trong xung đột Nga - Ukraine. Trao đổi với đài NBC, GS Evan Medeiros thuộc ĐH Georgetown (Mỹ) nhấn mạnh: Về công khai, TQ vẫn kêu gọi các bên kiềm chế, tìm kiếm giải pháp hòa bình nhưng cũng chỉ trích Mỹ và phương Tây can thiệp và đẩy tình hình đi quá xa. Thêm nữa, nội dung một số báo cáo tình báo Mỹ bị lộ gần đây chỉ ra TQ đã đồng ý gửi viện trợ cho Nga trường hợp Ukraine mở chiến dịch phản công lớn.

Ngày 21-4, Đại sứ TQ tại Pháp Lư Sa Dã đã có phát biểu gây tranh cãi rằng các quốc gia từng thuộc Liên Xô (như Ukraine) không có “địa vị thực tế” trong luật pháp quốc tế vì không có thỏa thuận quốc tế nào “cụ thể hóa tư cách chủ quyền” của những quốc gia này. Bộ Ngoại giao TQ sau đó đã nhanh chóng bác bỏ nhận xét của đại sứ này và ra thông báo trấn an rằng TQ tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng và công nhận chủ quyền của các nước từng thuộc Liên Xô. Tuy nhiên, phát ngôn này vẫn bị phương Tây chỉ trích.

Ngoài ra, GS Medeiros cho rằng một điểm vướng là phương Tây tin rằng TQ đang có tham vọng quyền lực lớn. Theo ông, “chưa cần nói đến TQ thực sự muốn trung lập hay đang ủng hộ phe nào trong cuộc xung đột, mọi nỗ lực nhằm làm trung gian hòa bình của Bắc Kinh sẽ cần phải vượt qua các quan điểm tin rằng nước này đang ngày càng tăng cường sử dụng các biện pháp tiêu cực để mở rộng ảnh hưởng và bảo vệ lợi ích quốc gia”.•

Tranh cãi các bên về văn kiện 12 điểm của Trung Quốc

Văn kiện12 điểm về giải pháp cho khủng hoảng Ukraine mà TQ đưa ra có hai điểm đáng chú ý là “tôn trọng chủ quyền của mọi quốc gia” và “nghiêm túc xem xét tất cả lợi ích và lo ngại an ninh của mọi quốc gia”.

Văn kiện này gây phản ứng trái chiều từ tất cả các bên, theo tờ The Wall Street Journal. Phương Tây cho rằng TQ ngầm ủng hộ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga, trong khi Moscow cho rằng 12 điểm của TQ chưa đủ sức để tạo động lực thúc đẩy một giải pháp hòa bình.

Kiev cho rằng họ đồng ý với TQ trên một số điểm nhưng chỉ chấp nhận một giải pháp mà Ukraine có thể đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tin-hieu-tu-no-luc-cua-trung-quoc-trong-hoa-giai-nga-ukraine-post733419.html