Tìm lại ngày xưa

1 Tháng Chạp tôi về quê, ghé vô nhà cậu Chín, có chú Ba cùng ngồi uống nước trà ở hàng ba, hỏi thăm chuyện sắm sửa tết. Cậu Chín thở dài: Tết nay không rộn ràng như tết xưa. Tết trăm thứ trăm mua, đòn bánh tét cũng chạy ra chợ mua.

Minh họa: TRẦN QUYẾT THẮNG

“Tết ngày xưa gói bánh tét, bánh chưng, đi rọc rồi phơi nong lá chuối trước sân, ra bờ sông vác củi gộc (củi to mục lụt trôi về tấp vào các bãi cát, bụi tre ven sông) nấu bánh tét, mới ra cái tết truyền thống. Cối chày bày ra giã bột làm bánh bò, nhà nhà đổ bánh thuẫn, không khí tết tràn qua khắp xóm”, chú Ba nói như bày ra tết xưa trước mặt.

Nói chuyện bánh rồi đề pa qua chuyện mâm cỗ tết. Chú Ba tả cổ bồng chuối cúng, chất hai nải chuối tròn theo cái đĩa cổ bồng, rồi cứ thế xây lên cao, phía trên nải chuối đội xoài, mãng cầu, nho, nhãn, đủ màu, làm đẹp cổ bồng đặt bên trái tủ thờ. Phía bên phải đặt cổ bồng bánh bò. Cổ bồng phía trong bó rơm rạ, theo kiểu dưới to trên nhỏ, rồi dùng tăm tre cắm từng bánh bò quanh bó rơm rạ từ thấp lên cao. Cổ bồng bánh bò tươi lâu. Đơm dịp tết, khô cứng, ra giêng đem bánh bò hấp cơm, ăn; còn chuối xắt lát phơi khô...

Nhà cậu Chín, chú Ba cách nhau cánh đồng. Ở huyện miền núi, tiếng là cánh đồng chiều dài thì có dài còn chiều ngang bảy đám đất. Cậu Chín với chú Ba bà con còn giẫy mả, hợp tính nữa nên thường qua lại uống nước trà, nói chuyện.

2 Chiều, tôi ra cánh đồng trước nhà má, bước đi trên bờ ruộng ngắm chiều quê thanh bình. Tôi qua bên kia cánh đồng xóm nhà của chú Ba, thấy mấy người ngồi dựa lưng vô bao lúa trước hàng ba. Tôi nghĩ ở miền quê không háo hức đón tết như xưa nữa, nói đi rồi nghĩ lại, có cái mất đi nhưng có cái mới xuất hiện rất tình người, ấm cúng.

Hôm trước tôi ngược lên xã vùng cao dự chợ tết 0 đồng do hội Chữ thập đỏ tổ chức. Phía trước nhà văn hóa treo tấm băng rôn: “Phiên chợ tình người, nụ cười hạnh phúc”, hàng trăm gia đình nhận quà, có cụ già chống gậy… đi sắm tết.

Nhà ở trên dốc cao, bà nhờ người quen chở xuống chợ, nhìn thấy bảng hiệu màu đỏ “Chợ tết 0 đồng” lạ lẫm nên nhìn miết. Bà nói: “Nay gần 70 tuổi, lần đầu tiên tôi được đi chợ 0 đồng. Lâu nay, để có tiền đi chợ phải bán từng nải chuối, tiết kiệm từng đồng tiền lẻ. Nay đi chợ tết mua sắm 0 đồng”.

Tôi tận mắt thấy có ông già chống gậy bước ra khỏi chợ, mở miệng bao kiểm tra các mặt hàng, tay nâng niu hũ mắm ruốc đến chai nước mắm, xì dầu, hộp dầu cù là… và nói lời cảm ơn nghe thương quá!

Hỏi thăm thì được biết, người dân ở đây thu nhập chính từ chuối rẫy. Chuối chủ yếu được trồng trên đất xen đá, cây con đội đá mà lớn lên. Đến với phiên chợ này, mỗi người được mua hàng với giá 0 đồng nên ai cũng phấn khởi.

3 Công việc tôi đi đây đi đó, má tôi ở quê sống đơn chiếc tuổi già. Làm gì thì làm, tháng Chạp tôi quay về quê ăn tết với má.

Những năm qua, tôi luôn lo nghĩ miền quê mất đi không khí tết. Ngày cuối năm vợ chồng ra chợ mua 2 đòn bánh tét về tét ra đĩa đặt trên tủ thờ, sắp trên mâm các bác để ngoài sân rồi thắp nhang đâu lo củi lửa nấu bánh tét.

Trong góc bếp má “trang trí” cối chày, giần sàng, ú muối, chai đựng mỡ, má không nói ra nhưng tôi biết bây giờ bếp không có củi lửa nữa, để đồ nhà quê cho ấm cúng bếp nấu.

Đến ngày giẫy mả, cậu Chín cùng chú Ba ngồi lại bàn với tôi (tôi là con cháu trong dòng họ đi giẫy mả), đón tết Giáp Thìn rủ thêm người hùn tiền mua con heo đen lưng gãy làm thịt: có đầu, có lòng, có nọng… Tất niên đến cúng rước, cúng tạ ông bà, trước cúng sau ăn, con cháu xúm xít, rẻ hơn mua ở chợ, lại vui.

Chuyện hùn hạp làm heo ăn tết có từ lâu nhưng dần mai một, tết này về quê tìm lại nét đẹp tết xưa.

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/313169/tim-lai-ngay-xua.html