Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Để khống chế và tiến tới đẩy lùi bệnh dại, giải pháp quan trọng nhất là cần thực hiện tiêm vắc xin phòng dại đầy đủ cho chó, mèo. Tuy nhiên, những năm qua, tỷ lệ tiêm phòng dại ở các địa phương trong tỉnh chưa đạt yêu cầu nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát bệnh dại.

Hộ dân xã Yên Mông (TP Hòa Bình) tiêm vắc xin phòng dại cho chó nuôi của gia đình.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ chó, mèo. Người nhiễm vi rút dại khi đã xuất hiện triệu chứng lâm sàng thì tỷ lệ tử vong gần như 100%. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn người phải đi tiêm phòng điều trị phơi nhiễm bệnh dại do bị chó, mèo cắn.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) tỉnh, giai đoạn 2013 - 2017, toàn tỉnh có trên 10 nghìn người bị chó nghi dại cắn phải điều trị, trong đó có 16 trường hợp tử vong do bệnh dại. Từ năm 2017 - 2020, toàn tỉnh ghi nhận 6 ổ dịch, với 7 trường hợp tử vong do bệnh dại. Với những cái chết thương tâm do bệnh dại gây ra, có thời điểm Hòa Bình là trọng điểm về bệnh dại.

Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng CN&TY (Chi cục CN&TY tỉnh) cho biết: Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh không ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh dại. Tuy nhiên, bình quân hằng năm có trên 1 nghìn người bị chó, mèo cắn phải điều trị phơi nhiễm với bệnh dại. Hiện nay, tổng đàn chó, mèo toàn tỉnh có khoảng trên 120 nghìn con. Song, ở khu vực nông thôn, chó, mèo chủ yếu vẫn nuôi thả rông, nhiều hộ dân chưa chú trọng tiêm phòng dại cho vật nuôi. Những năm gần đây, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó trên địa bàn tỉnh đều chưa đạt yêu cầu. Như năm 2020, toàn tỉnh tiêm được hơn 68,7 nghìn liều vắc xin, đạt 54,3%; năm 2021, số lượng tiêm được cao hơn, khoảng 75 nghìn liều vắc xin, đạt 64,9%. Tuy nhiên, năm 2022, tỷ lệ tiêm chỉ đạt hơn 59%, với gần 66,5 nghìn liều vắc xin.

Với kết quả tiêm phòng đạt thấp sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát bệnh dại. Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn cho biết thêm: Mỗi năm, các địa phương triển khai 2 đợt tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo. Thời điểm này, đang tổ chức tiêm vắc xin phòng dại đợt 1. Yêu cầu, phải thực hiện tiêm phòng đạt 80% tổng đàn. Do đó, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung tiêm vắc xin phòng dại theo kế hoạch. Hộ dân nuôi chó, mèo cần quan tâm tiêm vắc xin đầy đủ cho vật nuôi, bởi trong mùa hè là thời điểm bệnh dại dễ bùng phát nhất. Nếu bị chó, mèo nghi dại cắn, cần đến ngay cơ sở y tế để điều trị phơi nhiễm với bệnh dại. Thực tế, những trường hợp tử vong trước đây do bệnh dại gây ra với nguyên nhân chủ yếu là tâm lý chủ quan. Khi bị chó cắn, nhiều người không đi điều trị phơi nhiễm, hoặc tự chữa tại nhà. Đến khi bệnh đã xuất hiện triệu chứng mới đưa đi bệnh viện thì không thể cứu chữa được.

Để tiến tới đẩy lùi bệnh dại, ngày 25/2/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 34/KH-UBND về phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh không địa phương nào có nguy cơ cao về bệnh dại trên người; năm 2027, không địa phương nào có nguy cơ trung bình về bệnh dại trên người. Đến năm 2025, giảm 50% số người tử vong vì bệnh dại so với giai đoạn 2017 - 2021 và phấn đấu không còn người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, cần sự chung tay của các cấp chính quyền và người dân, nhất là thực hiện tốt công tác tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo. Bởi, "tiêm phòng cho vật nuôi chính là để bảo vệ con người”.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/219/176601/tiem-phong-day-du-cho-vat-nuoi-de-day-lui-benh-dai.htm