Thương về xứ nẫu

Với một người cầm bút, để thể hiện tình cảm của mình với một vùng đất nào đó, đôi khi chỉ cần viết về nó.

Tập tản văn Thương quá nục ởi! (NXB Tổng hợp TPHCM) của nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ là một cuốn sách như vậy. Tác phẩm đưa bạn đọc về với xứ nẫu Bình Định qua những món ăn để thương để nhớ.

Trong lời đầu sách, nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ tâm sự: “Tôi là người đầu tiên trong gia đình mình biết ăn các món của người miền Trung. Chắc cũng do cái tật ưa lê la nơi này chỗ nọ, rồi cái tính ham hỏi muốn nghe, và cái miệng lại thích thử ưng nếm. Nhưng trước khi lập gia đình có vẻ như hết thảy những điều đó chỉ sượt qua tôi, hoặc có lưu giữ lại cũng không trọn vị bằng khi được làm dâu Bình Định”.

Thương quá nục ởi! ra đời giống như một sự tri ân và theo lời tác giả, cuốn sách còn nhằm ghi dấu 35 năm làm dâu Bình Định. Nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ không phân chia các bài viết theo chủ đề nào, vì vậy, bạn đọc cũng có thể đọc tác phẩm không cần theo một quy tắc nào. Sự đọc khi đó hoàn toàn thuộc về độc giả: có thể đọc liền tù tì hoặc nhẩn nha, chọn một bài viết bất kỳ rồi chậm rãi theo từng con chữ để nhâm nhi, thưởng thức những món ăn mang đặc trưng xứ nẫu. Mỗi bài viết giống như một món ăn được bày biện lên mâm. Đọc bài viết cũng là lúc người đọc được đắm chìm trong những món ăn ấy.

Hẳn là với người Việt, bánh tráng (có nơi gọi là bánh đa) đã không còn xa lạ. Ấy vậy mà qua bài viết Rôm rốp… những âm quen, vẫn làm cồn lên trong lòng cơn thèm và cơn nhớ về thứ bánh giản dị này. Ở Bình Định, bánh tráng được ăn quanh năm, ăn kèm với nhiều món khác như cháo gà, cháo lòng, cháo lươn; hay dùng để xúc, để cuốn gỏi sứa, tộ ốc um… Nhưng thật ra, cái sự ngon của bánh tráng đôi khi còn đến từ tiếng “rôm rốp”, mà như nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ viết: “Chỉ là mấy âm quen thuộc mà nhiều xao xuyến, mà lắm rộn vui”.

Nhưng không chỉ có bánh tráng, trong cuốn sách của mình, nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ còn mang đến nào là mắm, mứt “xà bần”, ruốc, chè kho, nuốt, canh hến, bánh gừng; nào xu xoa, bún quậy, khoai ngào, canh dưa hường… Điều đặc biệt là nguyên vật liệu cho những món ăn này chẳng phải kiếm tìm ở đâu xa xôi, mà có ngay trong vườn nhà, trên sông, ngoài biển… Chỉ vậy thôi mà khiến những người đang sống từng ngày ở xứ nẫu, hay những người đang tha phương cũng phải quay quắt nhớ. Như lời bộc bạch của một người bạn tác giả sống ở Mỹ trong bài viết Trời lạnh khiến thèm chút mặn mòi: “Mắm quê khiến gợi nhiều thứ lắm, khi phải sống tha phương”.

Trong các bài viết của mình, ngoài dụng công tái hiện kho ẩm thực phong phú, nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ còn lồng vào đó những câu chuyện, những số phận con người Bình Định chân chất và đầy nghĩa tình. 50 bài viết Thương quá nục ởi! chắc hẳn đã đủ nói thay tình cảm của tác giả, và chừng đó cũng đã đủ sức gọi mời mọi người, thương về xứ nẫu!

QUỲNH YÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thuong-ve-xu-nau-post708903.html