Thu hút đầu tư vào Làng VHDL các dân tộc Việt Nam: Cấp bách tìm hướng tháo gỡ

Ngày 26/12, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) diễn ra Hội nghị giới thiệu, thu hút đầu tư vào tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, những khó khăn về cơ chế, thẩm quyền đã và đang cản trở khách trong và ngoài nước cũng như nhà đầu tư đến nơi đây.

Ông Trịnh Ngọc Chung, Quyền Trưởng ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đã giới thiệu khái quát tiềm năng, thế mạnh, lợi thế phát triển của Làng. Theo đó, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư với mục tiêu: Xây dựng nơi đây thành một trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch quốc gia nhằm tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam; đồng thời đáp ứng các nhu cầu vui chơi giải trí, hoạt động thể thao, văn hóa cho nhân dân trong nước và du khách quốc tế.

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có tổng diện tích 1.544 ha, thuộc địa phận Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Theo Quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam gồm 7 khu chức năng: Khu các làng dân tộc Việt Nam; Khu Di sản văn hóa thế giới; Khu dịch vụ du lịch tổng hợp; Khu trung tâm văn hóa và khu vui chơi giải trí; Khu quản lý điều hành văn phòng; Khu công viên bến thuyền; Khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô.

Trong đó, Khu các làng dân tộc Việt Nam được coi là “linh hồn”, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của dự án, được Nhà nước cấp vốn đầu tư và chú trọng phát triển kể từ khi thành lập đến nay. Nhiều năm qua, Khu các làng dân tộc Việt Nam đã tạo nên bức tranh phong phú, mang bản sắc riêng của các dân tộc Việt Nam và gửi đến du khách những trải nghiệm khó quên.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Ông Trịnh Ngọc Chung cho biết, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có những lợi thế riêng có ít nơi nào sánh bằng, trong đó chỉ cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 40km, giao thông tiện lợi, nằm trong khu vực có nhiều tiềm năng về du lịch. Cùng với đó, Làng có cảnh quan thiên nhiên đẹp, đặc biệt là hồ Đồng Mô với diện tích gần 1.000 ha, diện tích đất liền kề với hồ lớn (đảo, bán đảo), có núi, đồi xem kẽ với hồ nước và thảm thực vật phong phú. Đồng thời, Làng đã được Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ.

Hằng năm, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đón một lượng lớn khách đến tham quan, chỉ tính riêng trong năm 2023 ước tính có hơn 500 nghìn người. Tuy nhiên, “một vấn đề cấp bách cần phải có hướng tháo gỡ, giải quyết, đó là thiếu các dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ ẩm thực, vui chơi giải trí để phục vụ du khách cũng như níu chân du khách. Hiện nay, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam hầu như không có một dịch vụ nào, kể cả dịch vụ ăn uống để phục vụ khách. Nguy cơ mất khách, không thu hút được khách đến Làng bởi thiếu dịch vụ là hiện hữu trước mắt và lâu dài”, ông Chung nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trịnh Ngọc Chung, nhiều năm nay, tình trạng thiếu dịch vụ cho khách khi tới Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đều được đề cập đến, tuy nhiên, do những khó khăn, vướng mắc về quy định pháp luật trong quy định về thẩm quyền nên dù muốn cũng chưa thể làm được. Do đó, để có thêm các dịch vụ, mở ra những cơ hội khai thác, phát triển hiệu quả những công trình, khu chức năng tại đây cần có sự thay đổi về quy định pháp luật.

“Hiện Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đang báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL để trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 39/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam để Làng có được cơ chế đặc thù. Cùng với đó, cần có sự vào cuộc của các Bộ, ngành trong việc tạo hành lang pháp lý vững chắc, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khi tham gia đầu tư vào Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam”, ông Chung nói.

Du khách trải nghiệm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Nhiều doanh nghiệp tham dự Hội nghị cho biết, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có một tiềm năng, lợi thế to lớn để phát triển về du lịch, không chỉ thu hút khách nội địa mà còn có thể là điểm đến hấp dẫn của du khách nước ngoài. Tuy nhiên, khi nói đến cơ chế, thẩm quyền thì nhiều doanh nghiệp e ngại, bởi để có được sự thay đổi không phải một sớm một chiều. Ông Đặng Quốc Chính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du lịch Lâm Đồng mong muốn tại Làng cần có thêm nhiều dịch vụ để tạo ra sự đa dạng, phong phú về văn hóa, ẩm thực, dịch vụ du lịch.

Đồng thời, cần có chính sách khích lệ, ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần trao đổi, hợp tác để tìm ra những sản phẩm, dịch vụ phù hợp, mang tính tương hỗ khi tham gia đầu tư vào Làng. Chia sẻ với các doanh nghiệp tại Hội nghị, ông Trịnh Ngọc Chung cho biết, hiện bên cạnh những khó khăn về cơ chế, thẩm quyền thì còn một khó khăn đang cần được tháo gỡ là cơ chế thu hút đầu tư. “Những khu công nghiệp, những địa điểm khác khi đầu tư thì nhận được nhiều sự hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích. Còn tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đầu tư tại đây không nhận được bất cứ sự hỗ trợ, ưu đãi nào”, ông Chung nói.

Cũng tại hội nghị, ông Hoàng Ngọc Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần đầu tư XNK thương mại dịch vụ Sài Gòn Chiến Thắng tiết lộ đã được sự đồng ý của các cơ quan chức năng cho phép tổ chức dịch vụ bay khinh khí cầu ở khu vực xung quanh Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Theo đó, mỗi khinh khí cầu có thể chở 10-20 người, có thể bay từ Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đến khu vực sông Đà… Tuy nhiên, băn khoăn của ông Hoàng Ngọc Nam đó là cơ chế, thẩm quyền của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có cản trở sự hợp tác trong dịch vụ này hay không?

Trả lời về vấn đề này, ông Trịnh Ngọc Chung cho biết, sau buổi Hội nghị này, phía Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và doanh nghiệp của ông Nam ngồi lại và bàn thảo về sự hợp tác. Theo ông Chung, nếu các sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp đề xuất hợp tác triển khai không liên quan đến các tài sản công đang quản lý thì thẩm quyền của Ban quản lý Làng có thể xử lý được. Hiện tại, những dịch vụ như ẩm thực, vui chơi giải trí phục vụ du khách, đơn vị đang “trải thảm đỏ” mời gọi và chào đón các doanh nghiệp đầu tư, hợp tác”.

Hoàng Anh/Báo Văn hóa

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/thu-hut-dau-tu-vao-lang-vhdl-cac-dan-toc-viet-nam-cap-bach-tim-huong-thao-go-post1068104.vov