Hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng đường bộ

Thảo luận dự thảo Luật Đường bộ tại phiên họp sáng 21.5, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về kết cấu hạ tầng đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ.

Khơi thông nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông

Dự thảo Luật Đường bộ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy đã khắc phục các bất cập quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, về hệ thống báo hiệu đường bộ, về tổ chức giao thông, quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, qua rà soát, ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) nhận thấy, dự thảo Luật vẫn chưa quy định rõ về giới hạn hành lang an toàn giao thông đường bộ, về quy định chi phí quản lý, sử dụng, vận hành khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng; chưa quy định về hạ tầng ngầm, các công trình trên cao đang vận hành kết nối cùng với đường bộ.

ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐB Đào Chí Nghĩa cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nên quy định cụ thể về cơ chế huy động nguồn lực xã hội trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng; việc ứng dụng phát triển công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động giao thông đường bộ cũng như thu phí qua đầu các phương tiện tham gia giao thông; quy định cụ thể về các loại hình kinh doanh vận tải bằng ô tô cho phù hợp với thực tế.

Ở góc nhìn khác, ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) nhận thấy, dự thảo Luật có bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Ngoài các chính sách nhằm ưu tiên tập trung phát triển các nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, thân thiện với môi trường, dự thảo Luật còn xây dựng cơ chế đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội, các hình thức, phương thức đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông thì việc cho phép không tính giá trị tài sản công là kết cấu hạ tầng đường bộ là một hướng đi hết sức đúng đắn trên cơ sở đúc rút các kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình tổ chức đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường bộ.

ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

“Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng nhằm tháo gỡ các vướng mắc trên thực tế khi triển khai các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) hiện nay”. Nhấn mạnh như vậy, ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân cũng cho biết, mặc dù quy định này có khả năng làm tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP vượt quá tỷ lệ 50% tổng mức đầu tư dự án và khác với quy định của Luật PPP, tuy nhiên dự thảo Luật đã giải quyết được một trong những nút thắt cơ bản khi triển khai các dự án đầu tư mở rộng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng nói chung, trong đó có kết cấu hạ tầng đường bộ theo phương thức PPP.

Quy định quỹ đất dành cho giao thông đô thị phải khả thi

Về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ, Luật hiện hành đã quy định tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị phải bảo đảm từ 16% đến 26%, nhưng trong thực tế hầu hết các địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu này, dẫn đến tình trạng các đô thị lớn thường xuyên bị ùn tắc giao thông, thiếu nơi đỗ xe... Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo quy định chi tiết về tỷ lệ đất dành cho giao thông phù hợp với tiêu chí phân loại đô thị tại các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại khoản 2, Điều 12 dự thảo Luật quy định tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng: đô thị loại đặc biệt, tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đô thị từ 18% đến 26%; đô thị loại I từ 16 % đến 24%; đô thị loại II từ 15% đến 22%... ĐBQH Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) cho rằng, quy định như dự thảo Luật là quá chi tiết và có những nội dung chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tế của nhiều địa phương trong giai đoạn hiện nay cũng như có những nội dung sẽ không còn phù hợp với xu thế phát triển của đô thị trong tương lai. “Việc quy định cứng tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông như mức dự kiến trong dự thảo Luật để áp dụng ngay cho tất cả các đô thị, bao gồm cả đô thị hiện hữu và đô thị hình thành mới, trong khi lại không kèm theo các chế tài hay các biện pháp bảo đảm thực hiện sẽ là không khả thi”, ĐB Nguyễn Phương Thủy nêu quan điểm.

ĐBQH Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Trước thực tế đất đô thị ngày càng có giá, chi phí để phát triển đường đô thị ngày càng đắt đỏ, cùng những khó khăn trong việc thu hồi đất, lập dự án phát triển đường giao thông như hiện nay thì các đô thị không thể phát triển mãi theo hướng xây mới hoặc mở rộng đường trong nội thành, nội thị. Đặt vấn đề này, ĐB Nguyễn Phương Thủy đề nghị, cần chú trọng hơn đến các giải pháp về tổ chức giao thông hiệu quả, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và phát triển giao thông đa tầng, giao thông công cộng khối lượng lớn.

Cũng quan tâm đến quy định về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ, ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) đề nghị sửa quy định này như sau: đô thị loại đặc biệt từ 18% trở lên; đô thị loại 1 từ 16% trở lên; đô thị loại 2 từ 15% trở lên, đô thị loại 4 từ 13% trở lên; đô thị loại 4 từ 12% trở lên; đô thị loại 5 từ 11% trở lên.

ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐB Đoàn Thị Lê An lập luận, theo Nghị quyết số 26/2022 ngày 21.9.2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210 ngày 25.5.2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị thì ngưỡng tối thiểu đủ điểm để đánh giá đối với đô thị chỉ là “đạt”, không nhất thiết phải quy định khoảng giới hạn phía trên. Mặt khác, dự thảo Luật mới chỉ tính đến tỷ lệ quy định cho các đô thị được xây dựng mới, còn đối với đô thị cải tạo, nâng loại chưa được đề cập. Do đó, đại biểu đề nghị, cần có quy định về tỷ lệ quỹ đất giao thông cho đô thị cải tạo, đô thị nâng loại. "Trong trường hợp đô thị được nâng cấp từ đô thị loại thấp lên đô thị loại cao thì tỷ lệ quỹ đất được tính như thế nào?" - Nêu vấn đề này, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định về tỷ lệ đất giao thông cho phù hợp khi đô thị được nâng loại, bảo đảm tỷ lệ quỹ đất giao thông phù hợp với loại đô thị được nâng cấp.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Đại biểu Đoàn Thị Lê An cũng đề nghị bổ sung vào quy định về chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ. Cụ thể, điểm c khoản 1 Điều 4 dự thảo Luật quy định, ưu tiên phát triển các tuyến đường cao tốc, các công trình, dự án đường bộ trọng điểm kết nối vùng, khu vực, đô thị lớn, trung tâm trong nước và quốc tế; phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo, biên giới; phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ dễ tiếp cận và bảo đảm an toàn cho các đối tượng dễ bị tổn thương; phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ tại các đô thị để giảm ùn tắc giao thông.

Đại biểu đề nghị, bổ sung cụm từ “đường tuần tra biên giới, đường ven biển” vào nội dung này, nhằm bảo đảm phù hợp với Điều 25 Luật Biên giới quốc gia năm 2003, trong đó quy định "Nhà nước có chiến lược quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, toàn diện về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, có chính sách ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân định cư ở khu vực biên giới.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/hoan-thien-co-che-chinh-sach-ve-ket-cau-ha-tang-duong-bo-i372412/