Thông điệp của Mỹ trong trường hợp Israel tấn công trả đũa Iran

Trong khi Israel cân nhắc phản ứng trước cuộc tấn công ồ ạt của Iran vào tối 13/4, Mỹ đang nhắc riêng với các quan chức Tel Aviv rằng: Nếu tấn công quân sự trả đũa thì Israel sẽ phải tự mình làm điều đó.

Hệ thống phòng không Israel đánh chặn vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào Jerusalem ngày 14/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Đó là một thông điệp bất thường đối với một đồng minh thân cận đã trải qua nhiều thập kỷ, nhận được nhiều viện trợ quân sự của Mỹ hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới và mối quan hệ của họ với Mỹ thường được mô tả là “vững bền như thép”.

Nhưng sau nhiều tháng Israel tự mình hành động ở Gaza - và đối mặt với sự chỉ trích gay gắt từ Mỹ và các đồng minh khác rằng các hoạt động quân sự của họ đã đi quá xa - chính quyền Tổng thống Biden đã nói rõ rằng Mỹ sẽ không tham gia các hoạt động quân sự tấn công chống lại Iran vì lo ngại một cuộc chiến rộng lớn hơn ở Trung Đông.

“Chúng tôi tin rằng Israel có quyền tự do hành động để tự bảo vệ mình, để tự phòng vệ”, một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ nói với các phóng viên ngay sau khi cuộc tấn công của Iran kết thúc. “Đó là một chính sách lâu dài và vẫn tiếp tục”.

Khi được phóng viên hỏi liệu Mỹ có giúp Israel phản công bằng các hoạt động tấn công quân sự hay không, quan chức này trả lời là không. Vị quan chức nói: “Chúng tôi không hình dung mình sẽ tham gia vào một việc như vậy”.

Theo một quan chức Mỹ cấp cao khác, thông điệp đó cũng được chuyển trực tiếp tới các quan chức hàng đầu của Israel trong cuộc điện đàm ngày 14/4 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant.

Theo quan chức này, ngoài việc bày tỏ sự ủng hộ đối với việc phòng thủ của Israel, ông Austin đã nói rõ một cách rất "thẳng thắn" rằng Mỹ không có ý định tham gia một cuộc phản công tiềm tàng cùng Israel.

Bên cạnh đó, hãng tin Reuters dẫn nguồn các quan chức Mỹ cũng cho biết, Tổng thống Joe Biden đã nói với Thủ tướng Netanyahu rằng Washington sẽ không tham gia vào bất kỳ cuộc trả đũa nào của Israel chống Iran.

Tổng tham mưu trưởng IDF, Trung tướng Herzi Halevi và Tư lệnh CENTCOM, Tướng Michael Erik Kurilla, gặp gỡ các quan chức IDF trao đổi về mức độ sẵn sàng của IDF cho các hoạt động phòng thủ và tấn công, ngày 12/4/2024. Ảnh: IDF

Cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel vào tối 13/4 đã khiến các nhà lãnh đạo thế giới lo lắng, trong đó có cả các quan chức Mỹ, những người ban đầu nghĩ rằng nước Cộng hòa Hồi giáo chỉ sẵn sàng phóng khoảng một chục tên lửa đạn đạo. Một quan chức cấp cao của Mỹ mô tả, tay họ đã "run" lúc ghi chép lại thông tin tình báo Mỹ nói rằng hơn 100 tên lửa đạn đạo đã được Tehran phóng đi.

Cuộc không kích ồ ạt của Tehran được coi là hành động trả đũa cho một cuộc tấn công quân sự nhằm vào khu phức hợp đại sứ quán Iran ở Damascus (Syria), mà Israel bị cáo buộc là người thực hiện. Vụ tấn công này đã giết chết hai tướng chỉ huy cấp cao của Iran và 5 sĩ quan khác.

Sau màn trả đũa của Tehran, các quan chức Mỹ ước tính rằng Iran đã phóng khoảng 300 máy bay không người lái và tên lửa, trong đó có hơn 100 tên lửa đạn đạo và 30 tên lửa hành trình.

Hai quan chức Mỹ xác nhận với ABC News rằng khoảng một nửa số tên lửa đó bị phóng thất bại, không bay được hoặc rơi trước khi tới được mục tiêu ở Israel. Các hệ thống phòng không của Israel đã thành công trong việc đánh bại phần lớn các mối đe dọa trên không còn lại, với sự hỗ trợ của các lực lượng Mỹ, Anh và Jordan.

Theo Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, lực lượng Mỹ trong khu vực - bao gồm hai tàu khu trục của Hải quân ở phía Đông Địa Trung Hải - đã bắn hạ khoảng 80 máy bay không người lái và 6 tên lửa đạn đạo. Một tên lửa đã bị lực lượng Mỹ bắn hạ gần căn cứ Erbil, Iraq vì nghi ngờ nó hướng tới Israel.

Quan chức chính quyền Mỹ cấp cao sau đó nói với các phóng viên rằng nỗ lực phòng thủ là một thành công “ngoạn mục”, ngay cả khi ý định của Iran “rõ ràng là gây ra thiệt hại đáng kể và gây thương vong ở Israel”.

Phản ứng của Israel hiện vẫn chưa rõ ràng. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã họp nội các chiến tranh của ông vào 14/4, nhưng cuộc họp kết thúc mà không có quyết định được đưa ra.

Tổng thống Joe Biden đã điện đàm với ông Netanyahu trong vòng vài giờ sau vụ tấn công. Ông Biden sau đó đã cùng các nhà lãnh đạo G7 đưa ra tuyên bố vào ngày 14/4 bày tỏ “sự đoàn kết và hỗ trợ hoàn toàn đối với Israel”.

"Tôi nghĩ rằng việc hợp tác một cách rất, rất mạnh mẽ dưới sự bảo trợ của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, cùng với người Anh, Pháp và các bên trong khu vực, đã gửi một thông điệp rất rõ ràng tới Iran rằng các ông không thể thoát”, Trung tá Peter Lerner, người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Israel, cho biết.

Giới chức Mỹ tin rằng cuộc tấn công của Iran hôm 13/4 về cơ bản là thất bại, và lúc này một phản ứng cần được xem xét cẩn thận, với sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế.

“Tôi nghĩ Israel phải suy nghĩ kỹ lưỡng về những gì mình sẽ làm tiếp theo”, quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nói.

Sự ủng hộ của các nước phương Tây dành cho Israel là một sự thay đổi đáng chú ý sau nhiều tháng Tel Aviv bị chỉ trích về các hoạt động quân sự mang tính hủy diệt của nước này ở Dải Gaza. Israel đã kiên quyết bảo vệ chiến dịch này, cho là cần thiết để tự vệ trước các cuộc tấn công trong tương lai của các nhóm vũ trang Palestine.

Thu Hằng/Báo Tin tức (ABC News)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/thong-diep-cua-my-trong-truong-hop-israel-tan-cong-tra-dua-iran-20240416090406418.htm