Thờ cúng tổ tiên và các tục lệ ngày Tết

Tác giả Phạm Văn Sơn nhìn lại các tập tục ngày Tết của người Việt như thờ cúng tổ tiên, nấu bánh chưng, bánh dầy, đi chợ Tết...

Ta thờ cúng tổ tiên rất siêng năng, dĩ nhiên ta cho rằng vào dịp Tết, việc làm cỗ bàn long trọng để dâng lên bàn thờ là cần thiết vô cùng. Đây là cơ hội để con cháu nhớ ơn ông bà cha mẹ, những người đã khuất bởi chúng ta cho rằng người chết chưa là hết.

Trong cái thế giới vô hình người chết vẫn luẩn quẩn với con cháu là những người sống để chăm nom, phù hộ. Lòng tri ân tiên tổ đã buộc ta rất thành kính và còn khoảng thời gian nào lòng ta có thể thảnh thơi hơn để thông cảm với các tiên linh?

Tranh sơn dầu của Đinh Công Khải.

Truyền thuyết về bánh chưng, bánh dầy, nhắc rằng người Việt vào những ngày Tết Nguyên đán đã làm hai thứ bánh này cúng ông bà. Bánh chưng bọc lá xanh, hình vuông tượng trưng cho Đất. Bánh dầy hình tròn mặt nổi vòng lên màu trắng tượng trưng cho Trời. Sáng kiến này nói lên công ơn cho ông bà rộng lớn như Trời như Đất. Vua Hùng trong khi chấm giải về các món ăn cúng ông bà trong những ngày Tết của 22 người con đã chấp nhận hai thứ bánh này do ý nghĩa kể trên và đã chối bỏ các cao lương mỹ vị khác như gân nai, tay gấu, nem công, chả phượng, v.v.. Người Đông phương, như ta thấy trong mọi hành động đều chú trọng vào phần tinh thần nhiều hơn cả.

Do không đi sâu vào khoa học, ta có nhiều tập tục mê tín, dị đoan coi rằng nhiều hiện tượng trong trời đất như mưa, nắng, sấm sét và mọi sự ở thế gian này đều thuộc uy quyền của các thần thánh (đất có Thổ công, sông có Hà bá, Thủy thần, núi có Sơn thần...) khiến ta phải kính sợ nếu không sẽ gặp tai họa. Theo ý niệm này, mùa thu, mùa đông là hai mùa làm cho cỏ cây tiêu sái, vạn vật gần như ngừng sinh hoạt. Vậy phải kiêng động thổ, tránh cày bừa, cuốc xới, nhất là vào ngày Tết là khoảng thời gian thần Đất vắng mặt ở hạ giới.

Ta có tục xông đất. Xông đất cũng có hiệu quả cho sự rủi may trong một năm. Ta kiêng người đầu tiên bước chân vào nhà ta ngày mồng một Tết nếu người ấy có đại tang, nếu người ấy đang ở vận xấu và tư đức hèn kém. Thói thường ta vận động cho được người đang ăn nên làm ra tới nhà chúng ta ngay sau khi tiếng pháo giao thừa vừa dứt vì từ giờ phút này, năm mới bắt đầu.

Trước đây, ở vài địa phương, người ta tổ chức một phiên chợ Tết như chợ Đồng ở tỉnh Hà Nam, chợ Phủ Giầy ở tỉnh Nam Định (B.V.) cho mọi người đến trút cái đen đủi trong năm kể cả cái khờ dại, ngược lại còn có tin tưởng đón hạnh phúc cùng cái khôn ngoan về với mình. Người ta lại mang các đồ vật, hàng hóa ra chợ này, bán đắt bán rẻ miễn là bán cho được.

Ở Nghệ Tĩnh cũng có tục tương tự. Người ta đem đồ ra bán vào ngày 1 đầu năm, kể cả kẹo bánh, từ mờ mờ sáng. Hàng bán cũng không cần được lãi. Người ta rao: “Ai mua đại ra mua! Ai mua đại thì mua!” và không đợi trả lời. Dĩ nhiên người bán có một sự mê tín thì người mua cũng có sự mê tín trái lại, nghĩa là mua không phải là mua đại về để hứng lấy cái không may mà mua được cái gì đầu năm mang về nhà là đón được cái may.

Phạm Văn Sơn/Thái Hà Books và NXB Thế Giới

Nguồn Znews: https://znews.vn/tho-cung-to-tien-va-cac-tuc-le-ngay-tet-post1458200.html