Thiết kế chip bán dẫn - Cơ hội mới hấp dẫn cho sinh viên

Ngày 13/4, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), hệ thống đào tạo FPT Jetking tổ chức 'Tọa đàm Thiết kế Chip bán dẫn: Cơ hội mới - Tương lai mới'.

Không chỉ nhu cầu trong nước tăng cao, nhiều doanh nghiệp trên thế giới cũng đang và sẽ có nhu cầu tuyển dụng nhân sự bán dẫn từ Việt Nam. Bởi vì, nhân sự ngành này đang thiếu hụt trên toàn thế giới.

Ngày 13/4, Hệ thống đào tạo FPT Jetking phối hợp cùng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức sự kiện "Tọa đàm Thiết kế Chip bán dẫn: Cơ hội mới - Tương lai mới".

Đây là cơ hội dành cho những bạn học sinh, sinh viên quan tâm đến lĩnh vực công nghệ, điện và điện tử, bán dẫn, hoặc người muốn chuyển đổi ngành nghề, phát triển công việc.

Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc NIC phát biểu tại sự kiện.

Ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT chia sẻ tại sự kiện.

Trong sự kiện ông Võ Xuân Hoài đã đại diện cho NIC trao chứng nhận bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch Cadence cho FPT Jetking.

Ông Võ Xuân Hoài cho biết, Việt Nam đang có cơ hội lớn trong ngành bán dẫn, đặc biệt sau chuyến thăm và làm việc của Tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 9/2023, đã nâng cấp mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam.

“Tôi tin rằng với những cơ hội mới này, các bạn trẻ sẽ có nhiều cơ hội phát triển không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả thế giới trẻ hiện nay”, ông Võ Xuân Hoài nói.

Theo Bộ KH&ĐT, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor…

Ông Harsh Bharwani, CEO and Director of Jetking Infotrain Limited – Học viện CNTT hàng đầu tại Ấn Độ phát biểu tại tọa đàm.

Trước cơ hội này cũng như những xu thế phát triển mới của thời đại, Việt Nam đã bắt đầu thực hiện Chiến lược Quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Đây là một ngành công nghiệp có tính chất nền tảng và có vai trò trọng yếu trong sự phát triển của Việt Nam trong khoảng 30-50 năm tới.

Ngành công nghiệp bán dẫn có tiềm năng phát triển lớn và đạt được vị thế quan trọng nhưng để đạt được điều đó, đầu tư vào nguồn nhân lực là điều rất quan trọng.

Thực tế, với chính sách thu hút đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp bán dẫn, nhu cầu về nguồn nhân lực bán dẫn của Việt Nam được dự báo sẽ tăng cao.

Hiện nay, Bộ KH&ĐT đã được giao nhiệm vụ phối hợp với các bộ, ban, ngành để xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư.

Ông Nguyễn Thanh Yên chia sẻ về quy trình thiết kế và sản xuất chip.

Đây là cơ hội để tạo ra những cuộc gặp gỡ, trao đổi và học hỏi từ những chia sẻ của các diễn giả có kinh nghiệm trong ngành.

Sự kiện hôm nay là một bước quan trọng để hỗ trợ các bạn học sinh, sinh viên và những người yêu công nghệ, điện tử có mong muốn gia nhập ngành công nghiệp bán dẫn và thiết kế vi mạch.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 40 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn, chủ yếu hoạt động trong mảng thiết kế vi mạch. Tổng số nhân sự làm việc trong ngành này vào khoảng 5.000 người.

Thế Đại

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thiet-ke-chip-ban-dan-co-hoi-moi-hap-dan-cho-sinh-vien-post679306.html