Thị trường lao động: Tín hiệu tích cực đầu năm mới

Bảo đảm tiến độ sản xuất đơn hàng, nhiều người lao động xung phong làm việc xuyên Tết. Điều này cho thấy thị trường lao động nhiều tín hiệu tích cực.

Ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang, nhiều doanh nghiệp có công nhân lao động đi làm lớn như: Công ty TNHH Si Flex Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu) tới 950 lao động; Khu công nghiệp Vân Trung có Công ty TNHH Hana Micron Vina với 867 lao động, Công ty TNHH Vina Cell Technology 500 lao động, Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology 380 lao động; Công ty TNHH JA Solar PV Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Châu) 380 lao động; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang (Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng) 320 lao động…

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology (Khu công nghiệp Vân Trung - Bắc Giang).

Theo Ban Quản lý Các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, các doanh nghiệp có lao động đi làm xuyên Tết Nguyên đán là do có nhiều đơn hàng phải thực hiện gấp và duy trì máy móc hoạt động thường xuyên. Người lao động làm việc trong dịp Tết đều được doanh nghiệp chi trả tiền lương, chế độ bảo hiểm theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước; ngoài ra, còn được nhận “lì xì” đầu năm và tiền thưởng lao động chuyên cần nên yên tâm sản xuất.

Những năm gần đây, Bắc Giang nổi lên là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, luôn nằm trong tốp đầu của cả nước. Năm 2023, tỷ trọng công nghiệp của tỉnh tiếp tục tăng mạnh, công nghiệp tăng 3,4%.

Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang Đào Xuân Cường cho biết, trên địa bàn tỉnh có 20 khu công nghiệp, trong đó có 8 khu công nghiệp đang hoạt động được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch, với tổng diện tích đất quy hoạch gần 4.600ha. Hiện nay có 8 khu công nghiệp mới, 1 khu công nghiệp mở rộng đã có nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.

Thời gian tới, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Giang sẽ tập trung cao cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp và cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó, trọng tâm là việc nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, đổi mới tư duy, quyết liệt thực hiện cải cách hành chính một cách thực chất…

Cũng là địa phương thu hút đông công nhân lao động, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương vẫn làm việc xuyên Tết. Số liệu thống kê cho thấy, tại Bình Dương có 45 doanh nghiệp đang bố trí cho gần 6.200 người lao động làm việc xuyên Tết.

Doanh nghiệp bố trí lao động làm việc xuyên Tết nhiều nhất khoảng 1.000 người; các đơn vị khác khoảng vài trăm để duy trì hoạt động máy móc, hoàn thành đơn hàng cho đối tác.

Điển hình tại Công ty TNHH Sonova (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương). Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, công ty có khoảng 250 lao động trên tổng số 1.300 lao động được bố trí làm việc xuyên tết.

Để người lao động yên tâm làm việc, bên cạnh việc đảm bảo chế độ lương thưởng đầy đủ, công đoàn và Ban Giám đốc công ty còn có thêm nhiều hoạt động giúp người lao động có được cái Tết ấm áp, sum vầy…

Tại Quảng Ninh, công nhân tại Công ty TNHH Integral Materials Investment Việt Nam (Khu công nghiệp Việt Hưng) đang được tổ chức làm việc, sản xuất xuyên Tết. Trong ngày đầu tiên năm mới Giáp Thìn 2024. Ông Cao Tường Huy, đại diện Integral Materials Investment Việt Nam cho biết công ty hoạt động tại Quảng Ninh từ năm 2008 với ngành nghề gia công nguyên liệu và tinh chế đất hiếm. Công ty có vốn đầu tư đăng ký gần 7 triệu USD, công suất 2.000 tấn sản phẩm/năm và chủ yếu cung cấp cho thị trường Nhật Bản sản xuất linh kiện điện tử. Trong ngày đầu tiên năm mới, dự kiến sẽ sản xuất được 9 tấn sản phẩm.

Tận dụng thời tiết mùa khô thuận lợi, tại Đồng Nai, các nhà thầu xây sân bay Long Thành triển khai hơn 1.000 kỹ sư, công nhân làm việc xuyên Tết để đẩy nhanh tiến độ. Theo đó, 1000 kỹ sư, công nhân, cùng 100 máy móc phương tiện được bố trí làm việc xuyên Tết, từ ngày 29 Tết.

Theo Ban quản lý dự án, tại công trường có chuẩn bị không gian xuân, các món ăn truyền thống cùng chương trình giao lưu, để công nhân ở lại có một cái Tết ấm cúng. Ngoài ra, các kỹ sư, công nhân ở lại thi công sẽ được nhận lương làm việc ngày Tết theo quy định.

Hà Nội cũng là địa phương thu hút đông công nhân lao động, những lao động làm việc xuyên Tết được đảm bảo các chế độ lương, thưởng. Còn những lao động nghỉ về quê đón Tết, lần đầu tiên Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội tổ chức 6 chuyến xe đón công nhân lao động ở 2 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An vào sáng 14/2, tức ngày mùng 5 Tết Giáp Thìn để đến công ty làm việc vào ngày 15/2, tức ngày mùng 6 Tết Giáp Thìn.

Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội hy vọng 100% công nhân trở lại làm việc theo đúng lịch nghỉ Tết. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng cho hay, trong năm nay, thành phố đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 162.000 lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%.

Năm 2024, thị trường lao động dự báo còn có những khó khăn nhất định, vì thế, các địa phương, ban, ngành tiếp tục đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng để phát triển thị trường lao động, tạo việc làm hiệu quả.

Tâm An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thi-truong-lao-dong-tin-hieu-tich-cuc-dau-nam-moi-302969.html