Thi tốt nghiệp THPT 2024: Tăng tốc với các giải pháp ôn tập

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đã chính thức được lên lịch cụ thể cùng những thông tin đổi mới về đề thi, môn thi mà thí sinh cần lưu ý.

Những quy định về đăng ký môn thi tốt nghiệp

Bắt đầu từ ngày 2-5, thí sinh cả nước bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, khi đăng ký dự thi, thí sinh cần ghi nhớ quy định trong việc chọn môn.

Kỳ thi có 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên; 1 bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. Trong đó, chỉ có bài thi Ngữ văn theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm. Những thí sinh là học sinh lớp 12 hệ THPT sẽ bắt buộc phải chọn 4/5 bài thi để xét tốt nghiệp, gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 trong 2 bài thi tổ hợp. Thí sinh có thể chọn bài thi tổ hợp phù hợp với tổ hợp xét tuyển đại học để sử dụng kết quả trong việc xét tuyển. Tuy nhiên, không được phép chọn cả 2 bài thi tổ hợp. Thí sinh học chương trình Giáo dục Thường xuyên (chưa tốt nghiệp THPT) cũng bắt buộc phải đăng ký dự thi 3/5 bài, gồm Toán, Ngữ văn và 1 trong 2 bài thi tổ hợp để xét tốt nghiệp.

Năm 2024, Hà Nội có khoảng 102.000 học sinh thi tốt nghiệp THPT

Với môn Ngoại ngữ, thí sinh là học sinh lớp 12 hệ THPT có thể chọn bất kỳ ngoại ngữ nào trong số các môn ngoại ngữ được Bộ GD-ĐT quy định để dự thi. Cụ thể, thí sinh học tiếng Anh ở bậc THPT nhưng có quyền chọn thi tiếng Trung, Nhật, Hàn, Đức, Pháp, Nga. Thí sinh học chương trình Giáo dục Thường xuyên tuy không bắt buộc nhưng có thể đăng ký thi ngoại ngữ để xét tuyển đại học, cao đẳng.

Năm 2024, Bộ GD-ĐT vẫn duy trì quy định miễn thi Ngoại ngữ để xét tốt nghiệp THPT với những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nằm trong quy định của Bộ. Cụ thể, với môn tiếng Anh, ngoài các chứng chỉ TOEFL ITP (yêu cầu tối thiểu 450 điểm), TOEFL iBT (yêu cầu tối thiểu 45 điểm) và IELTS (yêu cầu tối thiểu 4.0 điểm). So với năm 2023, năm nay Bộ GD-ĐT còn bổ sung thêm các chứng chỉ B1 Preliminary/B1 Business Preliminary/B1 Linguaskill; TOEIC; Aptis ESOL B1; Pearson English International Certificate (PEIC) Level 2; chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam bậc 3 cũng được miễn thi.

Thí sinh đủ điều kiện và đăng ký miễn thi Ngoại ngữ sẽ được tính 10 điểm và chỉ sử dụng để xét tốt nghiệp THPT. Việc sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ và xét tuyển đại học tùy thuộc quy định của mỗi cơ sở đào tạo. Những thí sinh trong diện được miễn thi, có thể đồng thời vừa đăng ký miễn thi để xét tốt nghiệp nhưng vẫn đăng ký dự thi để lấy điểm xét tuyển đại học.

Hà Nội chuẩn bị tổ chức khảo sát học sinh lớp 12 toàn thành phố để tập dượt cho kỳ thi tốt nghiệp

Khảo sát để tập dượt thi tốt nghiệp

Ngày 22-3, Bộ GD-ĐT đã công bố 15 đề thi tham khảo các môn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Đây là bộ đề thi được giáo viên, học sinh rất mong chờ vì sẽ giúp định hình rõ ràng hơn cấu trúc đề từng môn, từ đó kịp thời có sự điều chỉnh để đáp ứng tốt với yêu cầu của kỳ thi. Để giúp thí sinh chuẩn bị tốt cho kỳ thi này, Hà Nội sẽ tổ chức cho khoảng 102.000 học sinh lớp 12 trên địa bàn tham dự kỳ khảo sát chất lượng với các môn thi tương tự như kỳ thi tốt nghiệp THPT trong ngày 5 và 6-4. Đây là cơ hội để học sinh tập dượt trước kỳ thi thật. Vì thế, học sinh cần xác định tư tưởng, tâm thế “thi thử như thật”.

Năm 2024 là năm cuối cùng thực hiện dạy học và thi theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Do đó, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản giữ ổn định cấu trúc như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Tuy nhiên, để chuẩn bị chuyển sang một giai đoạn mới, trong đề thi có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Về cấu trúc, định dạng và mức độ phân hóa, đề thi cơ bản giữ ổn định với 4 cấp độ nhận thức nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao; phù hợp với các mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Về nội dung, đề thi bảo đảm khoa học, chính xác theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006; có độ phân hóa cao hơn, đặc biệt là các câu hỏi ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao. Ngoài ra, trong các đề thi có những câu hỏi nhằm giải quyết các vấn đề thực tế cuộc sống, xã hội, được xây dựng tiệm cận theo định hướng đánh giá năng lực người học giúp đánh giá được năng lực thí sinh một cách công bằng và chính xác. Về dạng thức câu hỏi, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, đề thi được xây dựng theo hướng khuyến khích học sinh phát huy tính sáng tạo, hạn chế văn mẫu. 14 môn còn lại thi trắc nghiệm khách quan với 4 lựa chọn A hoặc B, C, D.

Hà Nội tăng tốc ôn tập để nâng cao tỷ lệ đỗ tốt nghiệp

Ông Lê Hồng Vũ - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết, năm học 2022 - 2023 Hà Nội có 98.642 thí sinh thi tốt nghiệp THPT, trong đó khối THPT có 85.856 thí sinh, khối Giáo dục Thường xuyên có 13.056 thí sinh. Kết quả 98.206 thí sinh đỗ tốt nghiệp, chiếm tỉ lệ 99,56%; tăng 0,27% so với năm học trước, tăng 11 bậc trong xếp loại toàn quốc (từ thứ 27 lên vị trí 16). Khối các trường THPT có 198 đơn vị có tỉ lệ tốt nghiệp bằng hoặc cao hơn năm học trước. Trong đó, có 112 đơn vị có tỉ lệ tốt nghiệp cao hơn năm học trước, 149 đơn vị có tỉ lệ tốt nghiệp đạt 100%, cao hơn so với năm học trước. Điều đặc biệt, nhiều trường đã có nỗ lực để đạt tỉ lệ tốt nghiệp THPT 100% như THPT Bắc Lương Sơn, THPT Trần Đăng Ninh, THPT Tây Sơn, THPT Trần Phú (Ba Vì)…

Với mục tiêu nâng tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm nay của Hà Nội cao hơn năm trước, hiệu trưởng các trường THPT Hà Nội đã họp bàn để đưa ra những giải pháp nâng chất lượng dạy học, ôn tập cho học sinh lớp 12. Bà Trần Thị Hải Châu - Hiệu trưởng trường THPT Tự Lập (huyện Mê Linh) đề xuất Sở GD-ĐT Hà Nội tập hợp giáo viên cốt cán của các trường để xây dựng ngân hàng đề ôn tập tốt nghiệp bám sát đề minh họa của Bộ GD-ĐT. Căn cứ ngân hàng đề này và năng lực học sinh, các nhà trường sẽ tổ chức giảng dạy, ôn tập. Đồng thời, nhà trường cũng mong Sở GD-ĐT cung cấp nhiều hơn câu hỏi, bài tập lên hệ thống học và thi trực tuyến Hanoi Study để học sinh tự học, tự đánh giá thường xuyên hơn.

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị các nhà trường cùng nỗ lực nâng cao chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Theo đó, các trường cần tiếp tục rà soát kết quả tốt nghiệp các năm gần đây ở từng lớp, phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp cụ thể; đồng thời, tập trung xây dựng hệ thống tài liệu ôn tập phù hợp với đối tượng của trường, hướng dẫn học sinh quy trình, cách thức làm bài thi, nhất là kỹ thuật làm bài thi trắc nghiệm. Bên cạnh đó, các nhà trường chủ động rà soát, sắp xếp chương trình, kế hoạch dạy học phù hợp điều kiện thực tiễn; thành lập các nhóm chuyên môn giữa các cụm, giữa các trường trong cụm để chia sẻ kinh nghiệm, tài liệu ôn tập; xây dựng và thực hiện kế hoạch ôn tập, kế hoạch kiểm tra, khảo sát học sinh; tổ chức đánh giá đúng thực lực học sinh để tổ chức các lớp ôn tập phù hợp.

Được biết, Sở GD-ĐT Hà Nội vừa giao Phòng Giáo dục Trung học khẩn trương lựa chọn đội ngũ giáo viên giỏi của các trường THPT trên địa bàn thành phố và tổ chức xây dựng, ghi hình các bài giảng để phát trên truyền hình vào các khung giờ nhất định, bảo đảm học sinh thuận tiện theo dõi, ôn tập.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thi-tot-nghiep-thpt-2024-tang-toc-voi-cac-giai-phap-on-tap-post572531.antd