Hiệu quả từ mô hình lớp học 'chạy'

Từ năm học 2022 - 2023, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) triển khai mô hình lớp học truyền thống kết hợp lớp học 'chạy'.

Học sinh TPHCM tham gia kỳ thi lớp 10 chuyên và tích hợp năm 2023. Ảnh: MA

Học sinh TPHCM tham gia kỳ thi lớp 10 chuyên và tích hợp năm 2023. Ảnh: MA

Theo đó ngoài các môn bắt buộc học theo lớp cố định vào buổi sáng, buổi chiều học sinh có thể sang lớp có môn học tự chọn mình đăng ký để học.

Giảm áp lực cho học sinh

Đào Quốc Cường - lớp 11 chuyên Sử - Địa, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong chia sẻ, ngoài môn bắt buộc, việc chọn môn học khác theo sở thích, năng lực đáp ứng được mong muốn phát triển tiềm năng bản thân. Mô hình cũng giúp Quốc Cường và nhiều học sinh không phải học những môn không “ưa chuộng”. Theo đó, hằng tuần, buổi sáng Quốc Cường học tại lớp 11 chuyên Sử - Địa, buổi chiều em cùng các bạn tỏa đi nhiều lớp khác nhau.

“Học chuyên Sử - Địa nên em chọn tổ hợp Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Địa lý, Sinh học, Tin học. Môn Tin học giúp ích cho công việc sau này nên em quyết định chọn, 3 môn còn lại em rất thích. Với em mô hình lớp học “chạy” đem lại nhiều lợi ích. Khi tham gia, em được tiếp xúc với bạn lớp khác giỏi hơn, từ đó có thể khai thác sâu môn học”, Quốc Cường chia sẻ.

Tương tự, em Ly Xin Hui - học sinh 11 chuyên Lý 2 cho hay, lựa chọn môn học giúp em được học môn mình thích, từ đó chủ động học tập cũng như định hướng nghề nghiệp sau này.

“Với lớp học “chạy” ai có thế mạnh, thích môn nào sẽ lựa chọn và xây dựng thời khóa biểu riêng mình. Ví dụ như lớp 9 không học giỏi môn Hóa, sang lớp 10 không chọn môn này nữa, sẽ bớt áp lực. Việc di chuyển từ lớp này sang lớp kia, học chung với nhiều bạn mang lại cho em cảm giác thú vị. Em coi đây là cơ hội để rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, mở rộng mối quan hệ bạn bè”, Xin Hui chia sẻ.

Từ năm học 2022 - 2023, khi Chương trình GDPT 2018 triển khai năm đầu tiên ở cấp THPT với khối lớp 10, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã thực hiện mô hình lớp học truyền thống kết hợp lớp học “chạy”. Theo đó, học sinh được chọn 4 môn bất kỳ trong số các môn học lựa chọn. Với cách tổ chức này, mỗi trò học chương trình mới có 2 thời khóa biểu: Lớp cố định với các môn bắt buộc và lớp linh động cho môn học lựa chọn.

Giờ học của học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Ảnh: NH

Giờ học của học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Ảnh: NH

Có thể nhân rộng mô hình

Cô Phạm Thị Bé Hiền - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho biết, mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 là cho học sinh chọn môn học đáp ứng nhu cầu sở thích, năng lực cũng như định hướng nghề nghiệp. Do đó khi triển khai chương trình mới, sau khi nghiên cứu, nhà trường đưa ra nhiều phương án và cuối cùng chọn phương án tốt nhất là cho các em đăng ký môn lựa chọn theo khả năng, sở thích.

Tuy nhiên, theo cô Hiền, khi thực hiện lớp học “chạy”, trường gặp một số khó khăn, trong đó lớn nhất là quản trị, tổ chức phân công giảng dạy. Việc xếp thời khóa biểu cho học sinh làm sao để lịch học không bị trùng với môn khác khá vất vả. “Phải cân não lắm mới xếp được thời khóa biểu để các môn không đụng nhau, nếu không khéo có thể xếp 2 môn vào một tiết, học sinh sẽ không học được. Bên cạnh đó phải bố trí phòng học cho từng học sinh, sao cho đủ phòng để học các môn”, cô Hiền cho hay.

Cũng theo cô Hiền, mô hình thực sự tạo điều kiện cho học sinh phát triển tối đa năng lực cá nhân. Các em được chọn lựa từng môn học phù hợp năng lực, sở thích và định hướng nghề nghiệp bản thân nên tinh thần học tập tốt, khí thế, phấn chấn hơn. Giáo viên cũng hứng thú khi giảng bài cho những học sinh yêu thích môn học. “Sắp tới nhà trường triển khai toàn trường, tuy nhiên việc sắp xếp buổi học cần điều chỉnh phù hợp khi cả 3 khối học chương trình mới”, cô Hiền chia sẻ.

TPHCM có ít trường làm được như Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong vì nhiều lý do khách quan như thiếu giáo viên, phòng học, không tuyển được giáo viên âm nhạc, thể dục... Các trường có đông học sinh thực hiện mô hình này là bài toán nan giải, nên đa số chỉ quy định tổ hợp môn cứng từ 3 - 4 môn rồi cho học sinh chọn lựa.

Theo ông Lê Duy Tân - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TPHCM, mô hình lớp học “chạy” đáp ứng được mục tiêu Chương trình GDPT 2018, song có thể khó khăn với trường THPT thường. Đối với lớp học “chạy”, trường có thể căn cứ vào điều kiện thực tế tại đơn vị quyết định cho học sinh “chạy” nhiều hay ít, hướng tới cung cấp dịch vụ giáo dục tốt nhất.

“Để áp dụng, các trường THPT cần đánh giá lại việc triển khai Chương trình GDPT 2018 sau 2 năm tại đơn vị, thảo luận xem năm học tới làm thêm bước gì để tổ chức tốt nhất. Từ đó thấy được khi tổ chức phương án này thì làm ở mức độ nào phù hợp thực tế nhà trường. Sở GD&ĐT TPHCM luôn khuyến khích các trường tổ chức cho học sinh chọn môn học lựa chọn, để đáp ứng nhu cầu và định hướng nghề nghiệp theo đúng mục tiêu chương trình mới”, ông Tân nói.

“Mô hình lớp học ‘chạy’ vẫn áp dụng được cho các trường THPT thường, vì chịu ràng buộc ít hơn. Trường chuyên ngoài những môn cố định và hoạt động bắt buộc của Chương trình GDPT 2018, còn ràng buộc các môn chuyên. Tuy nhiên, các trường THPT thường có sĩ số lớp đông nên nếu triển khai cũng gặp một số khó khăn”, cô Hiền cho hay.

Hồ Phúc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hieu-qua-tu-mo-hinh-lop-hoc-chay-post683318.html