Thêm 1 sản phẩm du lịch khác của Bình Thuận

Ngoài lợi thế du lịch biển, Bình Thuận đang nỗ lực tìm hướng đi mới trong du lịch sinh thái nông nghiệp.

Sáng 29-12, tại xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, Sở VHTT&DL tỉnh Bình Thuận phối hợp với Công ty Du lịch Lửa Việt tổ chức Tọa đàm Du lịch cộng đồng nông nghiệp.

Đây là lần đầu tiên, một tọa đàm cấp tỉnh được tổ chức thực tế tại một xã, đang tiên phong làm du lịch cộng đồng sinh thái nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours tại buổi tọa đàm. Ảnh: VÕ TÙNG

Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Bình Thuận cùng các công ty Lữ hành, các trường đại học, chuyên gia du lịch, điển hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, quản lý du lịch, nông dân và công ty vừa và nhỏ dự định khởi nghiệp du lịch cộng đồng nông nghiệp của Bình Thuận và 24 tỉnh thành cả nước tham dự.

Tọa đàm còn có sự tham gia của ông Sahariman Hamdan, Chủ tịch Hiệp Hội Homestay Malaysia, kiêm Chủ tịch Hiệp Hội Homestay Asean và ông Wichai Sommit, chuyên gia Outdoor Training, giám đốc Trung tâm Huấn luyện Hoàng gia Thái Lan; đại biểu Campuchia và Lào.

Ông Sahariman Hamdan, Chủ tịch Hiệp Hội Homestay Malaysia. Ảnh: VÕ TÙNG

Theo ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Bình Thuận, lâu nay, du lịch Bình Thuận chủ yếu là biển nhưng du lịch sinh thái nông nghiệp (bao gồm cả lâm nghiệp) chưa phát triển tương xứng. Trong khi, Bình Thuận có khá nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch này.

Với thế mạnh quỹ đất lớn kết hợp ưu điểm về sông ngòi, kênh rạch, huyện Hàm Thuận Bắc của Bình Thuận có nhiều địa điểm du lịch sinh thái và sông hồ thích hợp camping và du lịch như hồ sông Quao, hồ suối Đá, đặc biệt là các tài nguyên ở xã Đa Mi, nơi tổ chức tọa đàm về du lịch sinh thái nông nghiệp.

Đa Mi có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng

Đa Mi được đánh giá là vùng quê có đất bazan màu mỡ, sum suê cây trái, khí hậu mát mẻ. Dân cư xã là "hợp chủng tỉnh" với 57/63 tỉnh, thành và 26/54 tộc người; dân số hơn 4.500 người; diện tích hơn gấp đôi huyện Côn Đảo (145,4km2/76km2), thành lập năm 2001. Đa Mi nằm ở độ cao bình quân 650 m, cao dần về hướng huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng), cách TP Bảo Lộc chỉ 37 km và TP Phan Thiết 75 km.

Đa Mi có 4 thôn: Đa Tro, Đa Kim, Đaguri, La Dày; trải dài gần 20 km hai bên quốc lộ 55.

Đặc biệt, Đa Mi có hồ thủy điện Đa Mi 700 ha và hồ Hàm Thuận 2.520 ha. Tại đây có 3 thác lớn là Sương Mù, Chín Tầng, Mây Bay và gần chục thác nhỏ.

Thác Sương Mù ở Đa Mi

Trong đó, thác Sương Mù, cao gần 100m, xếp thứ 4 trong "Ngũ danh thác Việt" chỉ xếp sau các thác Đỗ Quyên (Bạch Mã, Thừa Thiên Huế); thác Bạc (Sa Pa, Lào Cai); thác Thần và thác Tiên (Hương Khê, Hà Tĩnh).

Tại tọa đàm, nhiều điển hình nổi tiếng trong ngành du lịch cộng đồng nông nghiệp Việt Nam như: bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (Vườn địa đàng có thật thời @, Lai Châu); bản du lịch cộng đồng Mai Hịch, Hòa Bình; Homestay Hoa Ếch, Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp và Chủ tịch Hiệp Hội Homestay Malaysia; chuyên gia Thái Lan .. đã hào hứng chia sẻ về cách xây dựng, tổ chức và liên kết loại hình du lịch này.

Bình Thuận có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng.

Trước đó, du khách và đại biểu được tham quan Homestay UNFO Đa Mi dựa lưng vào rừng, nhìn ra hồ Hàm Thuận, được thiết kế độc đáo, hình đĩa bay, bằng vật liệu thuần Việt – Tre và Đất sét và tham quan tham quan và tắm thác Chín Tầng, thác Mây Bay nổi tiếng của vùng đất Đa Mi tươi đẹp.

VÕ TÙNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/them-1-san-pham-du-lich-khac-cua-binh-thuan-post769234.html