Thay đổi toàn diện để vận tải công cộng bằng xe buýt tồn tại

Hoạt động vận tải bằng xe buýt nói riêng và vận tải hành khách công cộng nói chung cần được cải thiện một cách toàn diện để người dân dễ dàng sử dụng góp phần giảm phương tiện cá nhân, ùn tắc. Đồng thời chọn được những doanh nghiệp có năng lực nhất cung cấp dịch vụ này.

Nhìn nhận thực tế, đánh giá khách quan

Mới đây, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội đã có thông tin về đánh giá chất lượng dịch vụ chuyến lượt có xấp xỉ 6 triệu lượt xe buýt được đánh giá. Đáng chú ý, có tới 5,985 triệu lượt xe được chấm 5 sao, chiếm tỷ lệ 99,91%.

Nhiều ý kiến cho rằng mạng lưới xe buýt trên địa bàn Hà Nội có độ phủ tốt, từ nông thôn đến các quận đô thị trung tâm, tần suất cũng cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Nhưng chất lượng dịch vụ với kết quả gần 100% lượt xe buýt được chấm điểm 5 sao này liệu có sát với thực tế?

Không phải tự nhiên có giai đoạn, người dân ví xe buýt là “hung thần đường phố” hay “ra đường sợ nhất xe buýt”. Đặc biệt là hành khách di chuyển bằng các tuyến xe buýt đi các huyện ngoại thành.

Đã nhiều năm sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại, bác Liên (trú tại quận Hà Đông) chia sẻ, hiện đi xe buýt có thuận tiện hơn trước rất nhiều và phù hợp với người lớn tuổi như bác.

 Nhiều dự án phục vụ giao thông công cộng trên địa bàn Hà Nội chậm tiến độ, gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Ảnh: NH

Nhiều dự án phục vụ giao thông công cộng trên địa bàn Hà Nội chậm tiến độ, gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Ảnh: NH

Tuy nhiên bác Liên cũng rất mong muốn các tài xế, phụ xe buýt có thể tiếp thu, thay đổi để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách tốt hơn. Không ít lần bác chứng kiến cảnh lái, phụ xe nói trống không, thậm chí to tiếng với hành khách.

Với bạn Minh Thư - sinh viên một Đại học tại Hà Nội cho biết, hằng ngày mình sử dụng xe buýt để di chuyển từ nhà ở Hoàng Mai đến Cầu Giấy đi học. Phương tiện di chuyển chủ yếu cũng là xe buýt nên đã được trải nghiệm nhiều tuyến buýt chạy dọc ngang Hà Nội.

Thực tế, chất lượng dịch vụ xe buýt chưa thực sự tốt, như hiện tại mà gần 100% đạt 5 sao e là khó. Chưa kể nhiều lái xe buýt thường xuyên phóng nhanh, phanh gấp và các lượt xe buýt bị kéo dài thời gian di chuyển, nhất là vào khung giờ cao điểm hoặc qua các cung đường chật hẹp bị rào chắn.

Anh Trung (trú tại quận Tây Hồ) bức xúc, mỗi khi đi trên đường mà thấy xe buýt là anh phải nhanh chóng di chuyển cách xa do lo sợ “bị tạt đầu”. Giờ cao điểm với phương tiện đông đúc nhưng xe buýt chỉ ra tín hiệu xi nhan rồi di chuyển luôn vào làn xe máy.

Phương tiện đang tham gia giao thông phải phanh gấp rất nguy hiểm. Thậm chí nhiều xe buýt còn có dấu hiệu quá cũ nát, di chuyển trên đường xả khói đen nghi ngút. Nhất là vào thời điểm mùa hè, mỗi lần tắc đường mà dừng lại sau xe buýt thì quả là một cực hình.

Khi người dân đi xe cá nhân, xe ôm công nghệ thay cho xe buýt, nhiều ý kiến đánh giá phương tiện giao thông công cộng này đang không đáp ứng được vai trò của mình. Bởi lẽ, rời văn phòng lúc 17h30’ nhưng đặt chân về tới nhà phải 19h, nhiều người dân đã bỏ luôn ý tưởng đi xe buýt. Theo tính toán, họ đã phải mất 30 phút chờ đợi, 40 phút đứng - ngồi trên xe, 15 phút đi bộ.

Với việc mất quá nhiều thời gian, nhiều hành khách đành từ bỏ xe buýt để đi xe máy với thời gian 30 phút. Bởi lẽ cuối ngày, mọi người chỉ nghĩ đến việc làm sao để về nhà nhanh nhất có thể nên xe buýt không phải sự lựa chọn.

Nâng cao chất lượng dịch vụ, chọn doanh nghiệp xứng đáng

Theo ông Thái Hồ Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông công cộng TP. Hà Nội (Tramoc), đến hết năm 2022, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn gồm 154 tuyến. Trong đó có 132 tuyến buýt trợ giá, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour).

Chất lượng dịch vụ xe buýt chưa được đảm bảo, chưa đủ hấp hẫn với số đông hành khách. Mức độ thân thiện, thái độ ứng xử của một bộ phận lái xe, nhân viên phục vụ còn chưa đúng mực gây phản cảm với hành khách. Lượng phương tiện cũ, đã sử dụng từ 9 - 10 năm vẫn chiếm hơn 10% tổng số xe buýt của Hà Nội, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ chung.

 Xe buýt ngụp lặn giữa dòng phương tiện đông đúc trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Quang Hùng.

Xe buýt ngụp lặn giữa dòng phương tiện đông đúc trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Quang Hùng.

Ông Thái Hồ Phương cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại như hạ tầng dành cho xe buýt còn thiếu và chưa đảm bảo theo quy hoạch. Trong quá trình mở mới các tuyến buýt, việc bố trí điểm dừng còn có chỗ chưa hợp lý. Việc nghiên cứu tổ chức làn đường dành riêng cho xe buýt, phát triển các điểm trung chuyển còn chưa đạt được kết quả theo yêu cầu.

Đối với người dân, việc tiếp cận xe buýt còn khá khó khăn ở nhiều nơi. Một số đoạn tuyến vỉa hè không đủ rộng để lắp đặt nhà chờ, thậm chí còn không có cả vỉa hè để lắp đặt điểm dừng. Hạ tầng xe buýt bị xâm phạm, biến thành điểm bán hàng rong, dừng đỗ xe,… ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận hành của xe buýt và an toàn của hành khách khi đi xe.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh bày tỏ, có thể nói rất buồn về thực trạng hiện nay, hoạt động của xe buýt công cộng tại đô thị lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, còn nhiều vấn đề tồn tại và tồn tại nhiều năm nay nhưng chưa giải quyết được.

Đặc biệt sau COVID-19, các đợt bão giá xăng dầu đã đẩy các doanh nghiệp vận tải xe buýt vào tình thế hết sức khó khăn. Nếu càng ít khách đi thì trợ giá cho các doanh nghiệp xe buýt lại bị giảm xuống, tiền để đổi mới phương tiện, tiền để đầu tư cho hạ tầng xe buýt, thậm chí lương để trả cho cán bộ nhân viên của công ty sẽ gặp nhiều khó khăn.

Các chuyên gia giao thông cũng cho rằng, nếu không giải quyết được vấn đề vận tải công cộng trong đó có xe buýt thì đường phố ách tắc vẫn hoàn ách tắc. Tiếp tục để hàng triệu người đi xe máy, rồi nếu người dân giàu có lên, sang trọng lên, đi ô tô nữa thì tất cả lại càng rơi vào bế tắc.

Quan trọng là giao thông công cộng bằng xe buýt nói riêng và vận tải hành khách công cộng nói chung cần được cải thiện để người dân đa số phải sẵn sàng sử dụng.

Đồng thời áp dụng cơ chế thị trường để chọn được những doanh nghiệp có năng lực nhất cung cấp dịch vụ này. Đây là một dịch vụ công, nói về thuận lợi, doanh nghiệp có thương quyền rất lớn. Những doanh nghiệp xứng đáng cả về văn hóa phục vụ cả về chất lượng phục vụ thì nên được lựa chọn.

Một thực tế đáng buồn là nhiều diện tích đất tại Hà Nội trước đây dành cho giao thông công cộng nhưng sau một thời gian lại mọc lên chung cư, nhà cao tầng. Nhiều dự án trạm trung chuyển xe buýt, bãi đỗ xe công cộng được đầu tư hàng trăm tỷ nhưng lại chậm tiến độ gây lãng phí nguồn lực đầu tư, việc tiếp cận phương tiện công cộng của người dân lại càng khó khăn hơn…

Bảo Ngọc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thay-doi-toan-dien-de-van-tai-cong-cong-bang-xe-buyt-ton-tai-post242447.html