Tháo gỡ bất cập chính sách để tăng sản lượng công nghiệp

Trong khi ô tô con được sản xuất tại Việt Nam vẫn chưa đạt được ngưỡng giá trị nội địa hóa 40% thì khâu nhập khẩu phụ tùng ô tô vẫn còn rất phức tạp, làm tăng chi phí kinh doanh. Việc gỡ vướng từ những bất cập trong chính sách, tránh gây khó cho nhà đầu tư nhằm tạo cơ hội cho ngành sản xuất ô tô nói riêng và giúp tăng sản lượng công nghiệp nói chung là rất cần thiết trong lúc này.

Khi bàn về ngành công nghiệp ô tô, trong “Sách trắng 2022 các vấn đề thương mại đầu tư và khuyến nghị 2023” được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố mới đây có lưu ý xe ô tô con được sản xuất tại Việt Nam vẫn chưa đạt được ngưỡng giá trị nội địa hóa 40% để hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0% của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) tại các quốc gia thuộc ASEAN.

Phức tạp khâu nhập khẩu phụ tùng ô tô

Ngoài ra, theo EuroCham, tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô chở khách dưới 9 chỗ ban đầu được đặt ra là 30-40% vào năm 2020 và 40-45% vào năm 2025, nhưng hiện chỉ đạt 10%.

Xe ô tô con được sản xuất tại Việt Nam vẫn chưa đạt được ngưỡng giá trị nội địa hóa 40% để hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0% của Hiệp định ATIGA.

Không chỉ vậy, các phụ tùng ô tô được nội địa hóa như săm, lốp, ghế, gương, kính, dây điện, ắc quy và các bộ phận bằng nhựa vẫn có hàm lượng công nghệ thấp. Có đến 80-90% nguyên liệu chính để sản xuất các phụ tùng này như hợp kim nhôm và thép, nhựa dẻo, cao su công nghệ cao và vật liệu đúc đều được nhập khẩu. Điều này dẫn đến phát sinh chi phí vận chuyển, chi phí đóng gói và thuế nhập khẩu.

Cho rằng 10 năm tới, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ ô tô ở Việt Nam dự kiến sẽ đạt 12% - 15% mỗi năm, tuy nhiên EuroCham không quên nhắc đến bất cập trong khâu chính sách liên quan đến ngành ô tô.

Cụ thể là khai báo thành phần sản phẩm để làm thủ tục thông quan. Để làm thủ tục hải quan, Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn 7203 với hiệu lực ngay lập tức.

Theo công văn này, các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu ô tô phải cung cấp đầy đủ thông tin khai báo hải quan về tính chất của sản phẩm, số lượng, chủng loại, cấu trúc, thành phần và đặc tính, bao gồm cả phụ tùng thay thế làm từ vật liệu hỗn hợp, cũng như công suất tính bằng watt/kilowatt.

Như băn khoăn của EuroCham, nhập khẩu phụ tùng ô tô là việc rất phức tạp và đòi hỏi nhiều tài liệu khác nhau. Dữ liệu chi tiết về thành phần gần như không có sẵn. Việc áp dụng ngay Công văn 7203 đã đặt ra thách thức cho các nhà sản xuất và nhập khẩu linh kiện ô tô khi phải đáp ứng yêu cầu này mà không có sự phối hợp và thông báo trước để có thời gian chuẩn bị.

Do một số bộ phận sử dụng công nghệ phức tạp, một số thông tin yêu cầu sẽ không bao giờ cung cấp được. Quy định này đang góp phần gây kéo dài thời gian thực hiện thủ tục thông quan, làm tăng chi phí cho các công ty ô tô và khách hàng.

Theo quan điểm của EuroCham, việc khai báo thông tin chi tiết như vậy không tạo ra bất kỳ giá trị nào. Ngược lại, điều này làm phức tạp hơn là đơn giản hóa hoạt động kinh doanh tại Việt Nam của DN và đi ngược lại với các mục tiêu và định hướng của Chính phủ Việt Nam.

Càng chậm cải thiện sẽ càng gây khó

Ngoài ra, khi bàn về ngành công nghiệp xe máy ở Việt Nam, EuroCham có đề cập đến việc cấm lưu thông xe máy tại một số thành phố lớn vào năm 2030. Theo đó, Hiệp hội này chia sẻ sâu sắc lo ngại của người dân về tác động tiêu cực của việc cấm xe máy đến hoạt động giao thông vận tải hàng ngày và sinh kế của người dân nếu không có các giải pháp thay thế khả thi.

Ngoài ra, lệnh cấm được đề xuất có thể gây ra những thách thức lớn đối với ngành công nghiệp sản xuất xe máy với các khoản đầu tư dài hạn vào Việt Nam trong 10 năm qua để phát triển thị trường trong nước và quốc tế. Thay vào đó, rất cần cân nhắc các giải pháp hữu hiệu để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm và tai nạn giao thông ở các thành phố lớn.

Nhân nói về vấn đề ùn tắc giao thông, trong buổi đối thoại mới đây giữa chính quyền Tp.HCM với DN nước ngoài, ông James Ollen, Giám đốc Điều hành Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam - HCMC & Đà Nẵng, có lưu ý tình trạng ùn tắc giao thông trong và xung quanh thành phố ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các DN.

Cho nên, theo ông Ollen, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải ở miền Nam rất cần cải thiện nhằm giảm bớt sự ùn tắc của Tp.HCM và tạo cơ hội để tăng sản lượng công nghiệp trên khắp miền Nam.

Nêu ra một vài bất cập nêu trên để thấy những vướng mắc cho việc phát triển ngành công nghiệp ô tô và xe máy nói riêng hay tăng sản lượng công nghiệp nói chung rất cần sự lưu tâm của các cơ quan quản lý.

Đơn cử trong Nghị định số 35/2022/NĐ-CP: Quy định về quản lý khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế, tuy mới ban hành hồi năm ngoái nhưng nhiều DN đang phản ánh những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Cụ thể, theo phản ánh của giới đầu tư, nghị định này chưa hướng dẫn cụ thể việc thẩm định, phê duyệt hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu xây dựng KCN mà chỉ nêu ban quản lý các KCN được UBND tỉnh ủy quyền quyết định.

Không những thế, nếu dựa theo Nghị định 35 thì việc đầu tư mở rộng hạ tầng KCN sẽ gặp khó khăn. Bởi lẽ, các KCN được phê duyệt quy hoạch trước Nghị định 35, không có quy hoạch đất dành cho nhà ở công nhân và quỹ đất đã được lấp đầy.

Trong khi đó, theo quy định ở Nghị định 35, nếu mở rộng KCN phải đáp ứng các công trình, tiện ích công cộng. Tuy nhiên, các KCN này không còn diện tích để quy hoạch xây dựng, như vậy việc mở rộng KCN sẽ không đủ điều kiện, thế nhưng hiện vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể cho DN.

Cho nên, để gia tăng sản lượng công nghiệp trong thời điểm đầy khó khăn như nửa đầu năm 2023, đòi hỏi những vướng mắc ở khâu chính sách cần sớm được tháo gỡ, càng chậm cải thiện sẽ càng gây khó cho nhà đầu tư.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/thao-go-bat-cap-chinh-sach-de-tang-san-luong-cong-nghiep-1090984.html