Thành phố Yên Bái tăng cường xã hội hóa giáo dục

Trong thời gian qua, ngành giáo dục - đào tạo (GD&ĐT) thành phố Yên Bái đã làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục (XHHGD), sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí ngoài ngân sách, đặc biệt là thực hiện đúng các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn theo đúng các nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành.

Một giờ học của cô và trò Trường Mầm non Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái.

Để thực hiện hiệu quả công tác XHHGD, thời gian qua, ngành giáo dục thành phố luôn chú trọng tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành về quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện tại các cơ sở giáo dục; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển giáo dục.

Thành phố tích cực triển khai những chính sách ưu đãi của tỉnh, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục; thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là hệ thống giáo dục mầm non.

Toàn thành phố hiện có 27 cơ sở giáo dục ngoài công lập tập trung ở bậc học mầm non, trong đó có 10 trường và 17 nhóm trẻ với 110 nhóm, lớp/2.480 cháu, học sinh. Những cơ sở này được các tổ chức, cá nhân đầu tư hàng chục tỷ đồng với hệ thống cơ sở vật chất, phòng, lớp học hiện đại, đáp ứng tốt nhất nhu cầu học tập, giảng dạy và sự phát triển giáo dục.

Các trường ngoài công lập đều nằm ở vị trí thuận lợi, được quy hoạch tổng thể, khuôn viên xanh, sạch, đẹp; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư đồng bộ theo định hướng trường đạt chuẩn quốc gia; 100% các phòng lớp học, phòng bộ môn, khu hành chính quản trị đã được kiên cố hóa; đa số các phòng học được trang bị thiết bị dạy học hiện đại, lắp đặt hệ thống điều hòa không khí...

Thực hiện các khoản thu dịch vụ hỗ trợ giáo dục đối với các cơ sở công lập, Phòng GD&ĐT thành phố hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện đầy đủ các văn bản của tỉnh, của thành phố; bảo đảm chặt chẽquy trình thực hiện .

Các nhà trường, căn cứ tình hình thực tế và kết quả thực hiện của năm học trước, tổ chức họp tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, họp hội đồng trường, họp với Ban Đại diện cha mẹ học sinh trường thống nhất việc đề xuất tổ chức các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong năm học, thống nhất chủ trương và kế hoạch triển khai thực hiện.

Để đảm bảo thu đúng và sử dụng hiệu quả các nguồn thu dịch vụ hỗ trợ giáo dục. Ngành GD&ĐT thành phố xác định phải thực hiện bảo đảm quy trình hướng dẫn. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở giáo dục công lập xây dựng kế hoạch thu và dự trù kinh phí phải chi tiết, đúng, đủ các bước và phải có minh chứng cho từng bước.

Mức thu không được vượt quá mức thu tối đa quy định tại Nghị quyết số 59, Nghị quyết số 24 và chỉ được thu các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục công lập trên cơ sở dự toán chi phí được sự thỏa thuận, thống nhất của cha mẹ học sinh bằng văn bản về các khoản thu, mức thu, nội dung chi trên tinh thần tự nguyện; có sự thống nhất của Hội đồng trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh; được cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý đồng ý bằng văn bản.

Đặc biệt, trong hướng dẫn các nhà trường, ngành GD&ĐT thành phố nhấn mạnh các khoản thu phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, thu nhập của người dân trên địa bàn, phục vụ trực tiếp cho việc học tập, sinh hoạt của học sinh.

Sau khi thống nhất với Ban đại diện cha mẹ học sinh, các cơ sở giáo dục báo cáo chính quyền địa phương, Phòng GD&ĐT thành phố thẩm định tham mưu trình UBND thành phố phê duyệt mức thu, chi từng khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục.

Ngành cũng xác định tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục trong quá trình thực hiện các khoản thu, chi các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục. Kịp thời có biện pháp và kiên quyết phòng ngừa chấn chỉnh, xử lý nếu có vi phạm hoặc dấu hiệu vi phạm.

Đối với các cơ sở giáo dục quản lý thu, chi các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục, phòng chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định; thực hiện công khai và chế độ báo cáo theo đúng quy định. Phối hợp với Ban Đại diện cha mẹ học sinh xây dựng kế hoạch thường xuyên kiểm tra, giám sát về công tác bán trú về thực đơn, giá cả, khối lượng, an toàn thực phẩm; công tác thu, chi xã hội hóa.

XHHGD đã tạo ra sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp giáo dục phát triển trong khi các nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn hạn chế. Với sự triển khai chặt chẽ đúng quy định trong thực hiện xã hội hóa đã góp phần vào sự phát triển mạnh mẽ của sự nghiệp giáo dục thành phố. Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn năm sau luôn cao hơn năm trước, luôn là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT Yên Bái.

Thanh Ba

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/45/301783/thanh-pho-yen-bai-tang-cuong-xa-hoi-hoa-giao-duc.aspx