Thành phố Hội nhập và phát triển - Đô thị vệ tinh, động lực phát triển bền vững

Đô thị hóa nhanh đang tạo nên nhiều sức ép đô thị, gây nhiều bất cập trong quá trình quy hoạch, phát triển TP Hồ Chí Minh trong những năm gần đây. Mật độ dân cư đông, hạ tầng giao thông quá tải, ùn tắc; tình trạng ngập úng, nguy cơ dịch bệnh... đặt ra nhiều thách thức, khó giải quyết trong quản lý, điều hành của chính quyền thành phố, cản trở sự phát triển.

Nhìn vào quá trình phát triển trong những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều thành tựu đột phá về quy hoạch, phát triển đô thị. Thành phố đã hình thành các khu đô thị mới hiện đại, các trung tâm giáo dục, công nghệ, công nghiệp hướng đến mục tiêu kéo giãn, sắp xếp lại dân cư khỏi vùng lõi trung tâm; chỉnh trang đô thị, kênh rạch, hoạch định và triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm như: Các tuyến metro, đường vành đai 2, vành đai 3; các trục giao thông xuyên tâm như: Đại lộ Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Mai Chí Thọ... Tuy nhiên, thực tế hiện nay, đô thị TP Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều bất cập, các chỉ tiêu đạt được theo quy hoạch vẫn còn thấp. Báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh về thực hiện Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 cho thấy tỷ lệ nhà ở riêng lẻ do người dân tự xây dựng vẫn còn chiếm tỷ lệ cao, nhà ở dự án đô thị thương mại, nhà ở xã hội vẫn còn thấp. Cụ thể, năm 2021, diện tích sàn nhà ở xây dựng mới đạt 4,9 triệu m2, trong đó diện tích nhà ở riêng lẻ chiếm tỷ lệ 76%; năm 2022, diện tích sàn nhà ở xây dựng mới đạt 8,45 triệu m2, trong đó diện tích nhà ở riêng lẻ do dân tự xây vẫn chiếm tỷ lệ 73%. 8 tháng năm 2023, diện tích sàn nhà ở mới đạt khoảng 2 triệu m2, trong đó nhà ở riêng lẻ chiếm tỷ lệ 94%, không có diện tích sàn nhà ở xã hội xây dựng mới.

Đô thị hiện đại ở trung tâm quận 1, TP Hồ Chí Minh nhìn từ sông Sài Gòn.

Đô thị hiện đại ở trung tâm quận 1, TP Hồ Chí Minh nhìn từ sông Sài Gòn.

Góp ý về hướng đi trong phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, hiện trạng và áp lực về vấn đề đô thị của TP Hồ Chí Minh hiện nay tương đồng với Singapore trong thập niên 1960. Giải pháp của Singapore là áp dụng chính sách “đẩy-kéo”. “Kéo” là khuyến khích người dân sống trong các căn hộ cao tầng với tiện nghi tốt. “Đẩy” là không khuyến khích người dân sống trong các nhà ở riêng lẻ. Nhờ đó, Singapore đã xây dựng đô thị hiện đại, có nhiều quỹ đất phát triển hạ tầng, mảng xanh. Hàn Quốc cũng thành công khi triển khai chính sách người dân tập trung sinh sống trong các căn hộ cao tầng, dành quỹ đất cho hạ tầng, mảng xanh, năm 2021 đạt tỷ lệ nhà riêng lẻ chiếm 20,6% và nhà dạng căn hộ chiếm 79,4%. Từ kinh nghiệm nêu trên, TP Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh nâng cao tỷ lệ nhà ở cao tầng, nhà ở xã hội trong phát triển đô thị. Các đô thị vệ tinh khi xây dựng cần tạo lực hút so với đô thị trung tâm bằng cách đầu tư đầy đủ hạ tầng kết nối, các công trình, dịch vụ công cộng, dân sinh, công trình văn hóa, giáo dục đồng bộ...

Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, trên cơ sở Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc Hội về thí điểm chính sách, cơ chế đặc thù vượt trội phát triển TP Hồ Chí Minh, đầu tháng 9 vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã tiến hành điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đô thị chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Theo đó, TP Hồ Chí Minh hướng đến mục tiêu trở thành đô thị thông minh, trình độ phát triển ngang tầm với các thành phố lớn khu vực Đông Nam Á và châu Á. TP Hồ Chí Minh đang tập trung cập nhật, bổ sung các quy hoạch sát với yêu cầu phát triển mới; sắp xếp sáp nhập các quận, huyện để hình thành các thành phố trong thành phố đối với các huyện ngoại thành, đầu tư trở thành những đô thị vệ tinh hiện đại, có sức hút đối với trung tâm hiện hữu. Cụ thể, Thủ Đức là đô thị sáng tạo-tương tác cao ở phía Đông; Cần Giờ là đô thị sinh thái biển; đô thị khu Nam với Phú Mỹ Hưng là trung tâm; đô thị Tây Nam (Bình Chánh); đô thị Tây Bắc (Củ Chi-Hóc Môn). Thành phố chủ động xây dựng và triển khai các mô hình phát triển đô thị bảo đảm tính phát triển bền vững như: Đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh, đô thị ứng phó biến đổi khí hậu, đô thị định hướng phát triển giao thông.

Bài và ảnh: ĐẶNG BẢO MINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/thanh-pho-hoi-nhap-va-phat-trien-do-thi-ve-tinh-dong-luc-phat-trien-ben-vung-743151