Tàu thăm dò Luna-25 của Nga đâm vào Mặt trăng

Sứ mệnh trở lại Mặt trăng đầu tiên của Nga sau 47 năm đã không thành công khi tàu thăm dò Luna-25 mất kiểm soát và đâm vào vệ tinh của Trái đất, do một sự cố kỹ thuật trước khi hạ cánh.

Tập đoàn vũ trụ nhà nước của Nga, Roscosmos, cho biết họ đã mất liên lạc với tàu vũ trụ vào lúc 11:57 thứ Bảy giờ GMT sau một sự cố khi nó được đưa vào quỹ đạo trước khi hạ cánh.

Nga phóng tàu vũ trụ Luna-25 thành công lên Mặt trăng, những đã thất bại trong việc hạ cánh. Ảnh: Roscosmos

"Thiết bị di chuyển vào quỹ đạo đã bị mất kiểm soát và không còn tồn tại do va chạm với bề mặt Mặt trăng", Roscosmos cho biết trong một tuyên bố.

Thất bại này diễn ra trong bối cảnh Nga đang nối lại cuộc đua không gian sâu với các cường quốc. Liên Xô cũ từng là nước đầu tiên phóng vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất - Sputnik 1 - vào năm 1957. Trong khi dó, phi hành gia Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên du hành vào vũ trụ vào năm 1961.

Nga đang chạy đua với Ấn Độ, nước có tàu vũ trụ Chandrayaan-3 dự kiến hạ cánh xuống cực nam của Mặt trăng trong tuần này, cũng như Trung Quốc và Mỹ, cả hai đều đang có những sứ mệnh mặt trăng lớn và đang thành công.

Khi tin tức về sự thất bại của Luna-25 được đưa ra, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã đăng trên X, trước đây là Twitter, rằng Chandrayaan-3 đã được thiết lập để hạ cánh vào ngày 23 tháng 8.

Trong sứ mệnh trở lại Mặt trăng này, Nga đã sử dụng một tên lửa Soyuz-2.1b để phóng tàu thăm dò Luna-25 từ sân bay vũ trụ Vostochny ở Vùng Viễn Đông vào lúc 2:10 sáng theo giờ Moscow vào ngày 11 tháng 8.

Đến ngày 12 và 14 tháng 8, tàu thăm dò đã điều chỉnh đường bay hai lần. Nó được thiết lập để đi vào quỹ đạo Mặt trăng vào ngày 16 tháng 8 và lên kế hoạch hạ cánh nhẹ nhàng xuống bề mặt Mặt trăng vào ngày 21 tháng 8.

Dù thất bại, song chuyến bay này vẫn đánh dấu việc Nga đã lần đầu tiên hạ cánh xuống cực nam của Mặt trăng sau gần 50 năm và nối lại tham vọng không gian từ thời Liên Xô.

Sứ mệnh này từng được lên mục đích nghiên cứu cấu trúc phía dưới bề mặt của Mặt trăng và khám phá các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả nước, đồng thời nghiên cứu tác động của các tia vũ trụ và bức xạ điện từ trên bề mặt Mặt trăng.

Hoàng Anh (theo TASS, Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tau-tham-do-luna-25-cua-nga-dam-vao-mat-trang-post261305.html