Bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học quốc gia: Liệu có thể hy vọng?

Báo cáo “Đánh giá đa dạng sinh học tại Việt Nam” do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) và Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (BCA) công bố ngày 1-11-2021, cách nay gần ba năm, cho thấy Việt Nam là một trong 16 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Trên lãnh thổ Việt Nam, hơn 50.000 loài đã được xác định, trong đó có 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước, 10.500 động vật trên cạn, 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt, cùng hơn 11.000 loài sinh vật biển. Đó là vốn quý mà không phải quốc gia nào cũng có được.

Việt Nam là một trong 16 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới. Ảnh: H.N.C

Cho đến năm 2021, Việt Nam đã thành lập 181 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 34 vườn quốc gia, 60 khu dự trữ thiên nhiên, 22 khu bảo tồn loài và sinh cảnh và 65 khu bảo vệ cảnh quan, với tổng diện tích hơn 2,64 triệu héc ta. Ngoài ra, cả nước có chín khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới và có hơn 20 địa phương đã được phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, thành phố.

Nhưng, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học ngày càng tăng.

Suy giảm đáng báo động

Theo báo cáo đánh giá đa dạng sinh học nói trên, có 21% loài thú, 6,5% loài chim, 19% loài bò sát, 24% loài lưỡng cư, 38% loài cá… đã và đang bị đe dọa.

Trong gần 20 năm trở lại đây, các khu vực có rừng là sinh cảnh của các loài bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 10.544 ki lô mét vuông diện tích đất rừng đã bị mất, chủ yếu do chuyển đổi thành đất rừng trồng và đất trồng cây ăn quả. Khoảng 2,8 triệu héc ta rừng tự nhiên đã bị mất do chuyển đổi sang phát triển các loài cây trồng thương mại khác.

Có rất nhiều nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp dẫn đến sự suy thoái về đa dạng sinh học ở Việt Nam, như sản xuất và tiêu dùng quá mức; hủy hoại rừng, săn bắt và buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã; tận diệt nguồn lợi thủy sản; ô nhiễm nguồn nước, không khí… Trong đó, hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản… tác động rất lớn đối với sự suy giảm đa dạng sinh học tại Việt Nam.

Các hệ sinh thái tự nhiên cũng đang phải đối mặt với những mối đe dọa ngày càng gia tăng do phát triển cơ sở hạ tầng và đô thị hóa cùng với việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách thiếu kiểm soát, kể cả bất hợp pháp.

Bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước

Trong việc bảo tồn và phục hồi sự đa dạng sinh học ở cấp quốc gia cũng như từng địa phương, vai trò của chính quyền, cộng đồng, các tổ chức, cá nhân là vô cùng quan trọng.

Có thể coi việc tỉnh Quảng Nam được chọn là địa phương tiên phong khởi động “Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia 2024” trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực triển khai các cam kết quốc tế quan trọng như các mục tiêu của Khung đa dạng sinh học toàn cầu (GBF) tại COP15 năm 2022 và cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 tại COP26, là một tín hiệu tích cực ban đầu ở cấp địa phương, trong khi đã có không ít nhóm công dân tự nguyện đi tiên phong trong việc trồng rừng, phục hồi sự đa dạng sinh học ở một số địa phương, với sự đóng góp công sức và tài chính của cộng đồng, như Quỹ VARS với dự án phục hồi rừng đầu nguồn sông Gianh (Quảng Bình) và sông Thạch Hãn (Quảng Trị); các dự án của TS. Trần Thị Lành ở Hương Sơn, Hà Tĩnh…

Tỉnh Quảng Nam, với địa bàn rộng, vị trí địa lý đặc biệt, là khu vực có nhiều hệ sinh thái rừng và biển rất đặc trưng, tạo nên sự đa dạng về sinh cảnh, mang lại nhiều giá trị cảnh quan và kinh tế. Quảng Nam cũng là một trong những tỉnh tiên phong trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, một trong các tỉnh sớm ban hành Chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng phía Tây (năm 2005); phê duyệt kế hoạch hành động đa dạng sinh học đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

Tỉnh cũng đã tranh thủ được nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, xúc tiến thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi tại huyện Nông Sơn (2018); Khu dự trữ thiên nhiên Ngọc Linh (2019) và thiết lập hành lang đa dạng sinh học tỉnh (2019).

Tỉnh cũng đã tăng nhanh độ che phủ rừng, tái phát hiện loài sao la tưởng đã tuyệt chủng vào năm 2013, ghi nhận sự xuất hiện trở lại nhiều hơn của các loài được xem như đã biến mất như mang lớn, mang Trường Sơn, rùa Trung bộ; sự phục hồi của đàn voọc chà vá chân xám với quần thể rất lớn có sự đóng góp của cộng đồng địa phương xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành.

Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học về lĩnh vực đa dạng sinh học được triển khai, cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng cho việc xác định và thành lập các khu bảo tồn trên địa bàn tỉnh. Và Bảo tàng đa dạng sinh học Quảng Nam là bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên của cả nước được xây dựng, với hơn 3.700 ảnh và hơn 2.000 tiêu bản về các hệ sinh thái và các loài động thực vật trên địa bàn tỉnh được thu thập.

Đáng chú ý là trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam được công bố cùng ngày 16-3-2024, nhiệm vụ bảo tồn thiên nhiên và sự đa dạng sinh học có một vị trí xứng đáng nhằm bảo đảm sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

Tầm nhìn, nhận thức cần đi cùng biện pháp thực hiện

Ngày 28-1-2022, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn từ nay đến 2030.

Đó là tăng cường bảo tồn, phục hồi sự đa dạng sinh học; bảo tồn và phục hồi các loài động vật hoang dã nguy cấp; đánh giá, phát huy lợi ích của đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát các hoạt động gây tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; sự đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong đó, diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên đất liền phấn đấu đạt 9% diện tích lãnh thổ đất liền; diện tích các vùng biển, ven biển được bảo tồn đạt từ 3-5% diện tích vùng biển tự nhiên của quốc gia; 70% khu bảo tồn thiên nhiên, di sản thiên nhiên được đánh giá hiệu quả quản lý; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định từ 42-43%; phục hồi được ít nhất 20% diện tích hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái.

Bảo tồn hiệu quả các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý hiếm, loài di cư; không để có thêm loài hoang dã bị tuyệt chủng; cải thiện tình trạng quần thể của ít nhất 10 loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; các nguồn gen hoang dã và giống cây trồng, vật nuôi được lưu giữ và bảo tồn đạt mục tiêu thu thập, lưu giữ tối thiểu 100.000 nguồn gen; hạn chế các tác động tiêu cực tới đa dạng sinh học.

Đến năm 2050, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, nguồn gen quý hiếm phải được phục hồi, bảo tồn thực sự hiệu quả; sự đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được đánh giá đầy đủ, sử dụng bền vững và mang lại lợi ích thiết yếu cho mọi người dân.

Muốn đạt được những mục tiêu lớn lao đó, phải làm sao để câu nói quen thuộc “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” không còn là câu nói cửa miệng cho vui mà phải được người dân cảm nhận thấm thía khi phải sống trong môi trường tự nhiên ngày càng khắc nghiệt bởi rừng và các hệ sinh thái tự nhiên ngày càng suy giảm, khô hạn tăng, nước thiếu nghiêm trọng như tại đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.

Không dừng lại ở giáo dục, tuyên truyền, luật pháp cần đủ sức chế tài mọi hành vi vi phạm các quy định về bảo tồn, xâm phạm sự đa dạng sinh học quốc gia và cần soát xét lại các công cụ luật pháp nhằm mục đích bảo vệ sự đa dạng sinh học. Chẳng hạn, với các dự án có tác động đến môi trường tự nhiên, hệ sinh thái, tính đa dạng sinh học của địa phương và quốc gia (như dự án hồ Kapet Bình Thuận, dự án sân golf Đak Đoa Gia Lai, dự án khu liên hợp gang thép và cảng chuyên dùng Long Sơn ở Lộ Diêu, Bình Định…), không thể bằng lòng với việc chủ đầu tư tự đặt làm đánh giá tác động môi trường qua loa mà cần đặt ra tiêu chí bắt buộc là phải qua đánh giá, phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học về môi trường và đa dạng sinh học thì mới được cấp phép, nếu khả thi.

Không chỉ thế, cần tạo ý thức nơi các nhà quản lý cũng như người dân rằng sự suy thoái hệ sinh thái tự nhiên cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài và thu nhập quốc dân, và biến ý thức ấy thành những quy định cụ thể, bắt buộc thực hiện. Chúng ta thường nói: Không đánh đổi lợi ích kinh tế trước mắt lấy cái hại lâu dài. Để câu nói không chỉ là khẩu hiệu thì ngoài việc xây dựng nhận thức, ý thức về lợi ích lâu dài của bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học cho cuộc sống con người, cần cả những biện pháp khả thi và hiệu quả về mặt quản lý nhà nước.

Đừng để du khách nước ngoài phải than như được phản ánh mới đây trên báo Thanh Niên là “vừa đến vịnh Hạ Long đã muốn bỏ đi”.

Chuyện là nữ du khách Úc Jemina Skelly đã viết trên tờ ninetravel.com.au: “Vịnh Hạ Long nằm trong danh sách du lịch của tôi hơn một thập kỷ, nhưng ngay khi đến tôi đã muốn bỏ đi”.

Trước đó, vào cuối năm ngoái, tạp chí du lịch Mỹ Fodor’s Travel cũng đã gây sốc khi đưa vịnh Hạ Long vào danh sách “không nên đến” năm 2024 với những lý do tương tự.

Jemina Skelly viết: “Di sản thế giới được UNESCO công nhận ở phía Đông Bắc Việt Nam nổi tiếng với hàng ngàn đảo đá vôi cao chót vót được bao phủ bởi rừng nhiệt đới, bao quanh là làn nước ngọc lục bảo lung linh. Tôi đã lưu ảnh vịnh Hạ Long trên Pinterest và Instagram trong nhiều năm, rất phấn khích vì cuối cùng tôi cũng có thể tận mắt khám phá nơi này. Nhưng khi đến nơi, tôi được chào đón bằng làn nước xám xịt ô nhiễm, rất đông khách du lịch và hoàn toàn không có động vật hoang dã. Điều đó ngược lại với suy nghĩ của tôi, khi vịnh Hạ Long là địa điểm được UNESCO công nhận, tại sao không chăm sóc vịnh, thông qua giới hạn số lượng du khách hoặc các chương trình làm sạch? (…) Vịnh Hạ Long có không gian tuyệt đẹp nhưng ô nhiễm đang khiến du khách thất vọng.

Ví dụ, tôi đã đến thăm Vườn quốc gia Khao Sok ở Thái Lan, nơi cũng có những núi đá vôi và nước màu ngọc lục bảo tương tự vịnh Hạ Long, nhưng ít đông khách hơn và có nhiều động vật hoang dã”.

Động vật hoang dã nào có thể tồn tại khi cảnh quan tự nhiên, sự đa dạng sinh học không còn?

Đoàn Khắc Xuyên

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bao-ton-va-phuc-hoi-da-dang-sinh-hoc-quoc-gia-lieu-co-the-hy-vong/