Tập trung hoàn thành tiêu chí NTM

Với quyết tâm về đích nông thôn mới trong năm 2024, Đảng bộ, chính quyền xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, đang huy động mọi nguồn lực, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhân dân để hoàn thành từng tiêu chí.

Mô hình trồng dứa tại xã Yên Sơn, huyện Yên Châu.

Yên Sơn có 10 bản, hơn 5.600 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc: Kinh, Thái, Mông và Xinh Mun cùng sinh sống. Thu nhập của người dân chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, nên đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Đây là thách thức không nhỏ đối với cấp ủy, chính quyền địa phương khi triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới. Với mục tiêu từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, cấp ủy, chính quyền xã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện các tiêu chí; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên, nhân dân nắm rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ông Đỗ Văn Thiết, Chủ tịch UBND xã Yên Sơn, cho biết: Cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã làm tốt công tác xã hội hóa, huy động nhân dân đóng góp tiền của, ngày công, hiến đất triển khai xây dựng các công trình, phần việc nông thôn mới. Sau hơn 10 năm triển khai, đến nay, xã đạt 12/19 tiêu chí và đang tập trung thực hiện, hoàn thành các tiêu chí về quy hoạch, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều, y tế, môi trường. Xã đang huy động mọi nguồn lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện, nhất là vốn đối ứng triển khai dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia.

Nhận định tiêu chí thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo là 2 tiêu chí khó, UBND xã chỉ đạo các bản vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo lợi thế từng vùng, như trồng cây mận hậu, nhãn, dứa ở các bản Kim Sơn 1, 2, bản Đán; trồng rau trái vụ, dâu tây theo hướng hữu cơ ở bản Chiềng Hưng; trồng lúa nước ở bản Chờ Lồng và phát triển cây mía, chè, chăn nuôi đại gia súc ở bản Bó Phương, Yên Quỳnh...

Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể ở xã nhận ủy thác trên 100 tỷ đồng với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất; khuyến khích các hộ liên kết thành lập các HTX. Đến nay, toàn xã có 5 HTX nông nghiệp; gần 450 ha cây ăn quả, hơn 460 ha mía, 40 ha rau, chè; duy trì trên 6.300 con gia súc, 57.000 con gia cầm, gần 900 đàn ong. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 22%.

Ông Nguyễn Văn Thái, bản Kim Sơn, nhiều năm liền đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi của xã, cho biết: Được sự hỗ trợ, động viên của các hội, đoàn thể xã, từ năm 2015, gia đình chuyển đổi 6 ha diện tích đất đồi trồng lương thực kém hiệu quả sang trồng trên 1.000 gốc mận hậu, nhãn, mỗi năm cho thu hoạch trên 50 tấn quả. Gia đình vay thêm vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư nuôi gần 80 con lợn, bò và trồng cỏ, ủ ướp làm thức ăn. Thu nhập từ trồng cây ăn quả và chăn nuôi sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi khoảng 400 triệu đồng/năm.

Bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, xã Yên Sơn sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình, dự án và huy động sức dân, như: hiến đất, tài sản, ngày công, kinh phí để làm đường giao thông, công trình thủy lợi, xây dựng nhà văn hóa... Hiện nay, toàn xã có 18 km đường từ trung tâm xã đến huyện đã nhựa hóa; hơn 11 km đường liên bản, nội bản được bê tông; 5 phai, đập xây dựng kiên cố đảm bảo nước tưới tiêu cho sản xuất; 100% số hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh và điện lưới quốc gia. Dự kiến, năm 2024, xã huy động nguồn lực, đề xuất với huyện hỗ trợ xây dựng 2 nhà văn hóa bản Chiềng Hưng, bản Phương Quỳnh, phấn đấu hoàn thành tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa.

Những năm gần đây, nông dân bản Chờ Lồng, Chiềng Hưng phấn khởi vì đập thủy lợi được nâng cấp, đảm bảo nước phục vụ sản xuất. Ông Hoàng Văn Sơn, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Chờ Lồng, chia sẻ: Trước đây, mỗi khi vào vụ gieo cấy, Ban quản lý bản phải huy động nhân dân góp công để gia cố, tu sửa. Được Nhà nước đầu tư cứng hóa tuyến mương nội đồng và nâng cấp, đưa vào sử dụng, đập Chờ Lồng đã đảm bảo nước tưới cho hơn 10 ha lúa của bản.

Cùng với đó, các bản quan tâm xây dựng các công trình cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn, đường bản, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp; tổ chức ký cam kết bảo vệ môi trường với các hộ có hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi. Hiện nay, xã đã có tổ thu gom rác thải tại khu trung tâm, các bản trục đường quốc lộ 6C; rác thải rắn được thu gom, đem đi xử lý theo quy định; có 4/10 bản được hỗ trợ xây dựng bể chứa vỏ thuốc bao bì thực vật. Đối với các bản không có tổ thu gom rác, các đoàn thể xã đã vận động nhân dân tự phân loại, xử lý rác thải, đào hố rác mini tại hộ gia đình.

Với giải pháp cụ thể cho từng tiêu chí chưa đạt, tin tưởng xã Yên Sơn sẽ cán đích nông thôn mới theo kế hoạch đề ra, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho nhân dân trên địa bàn.

Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-thon-moi/tap-trung-hoan-thanh-tieu-chi-ntm-rslFayaIR.html