Tầm quan trọng của báo chí truyền thông trong phát triển văn hóa đọc

Được đánh giá là kênh có vai trò quan trọng, báo chí truyền thông cần đẩy mạnh, phát huy hơn nữa để góp phần phát triển, quảng bá văn hóa đọc.

Đặt vấn đề

Không khó để nhận thấy, hiện nay báo chí truyền thông đã dành sự quan tâm đáng kể đến việc quảng bá, mở rộng, phát triển văn hóa đọc. Các loại hình báo chí đa dạng từ báo in, báo điện tử, truyền hình, phát thanh… hầu hết xây dựng riêng những chương trình, chuyên mục giới thiệu sách hàng ngày, hàng tuần...

Không dừng lại ở việc giới thiệu tác giả tác phẩm đơn thuần, nhiều đơn vị còn tổ chức các hoạt động bổ trợ sôi nổi, thú vị thu hút tương tác của độc giả, góp phần đưa sách đến gần hơn với người đọc, như: Tuần lễ sách, Ngày hội đọc sách, Mang sách đến vùng cao.

Nếu trước đây, việc quảng bá truyền thông có phần hạn hẹp, thụ động thì hiện nay, như giới chuyên môn đã nhận định: Báo chí truyền thông là một trong những kênh quan trọng bậc nhất đối với việc giới thiệu sách, làm cầu nối để bạn đọc có thể lựa chọn những cuốn sách tốt nhất, chất lượng nhất và đó cũng là cơ sở quan trọng để phát triển văn hóa đọc.

Bên cạnh đó, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ nói riêng và cuộc sống nói chung, độc giả có thêm nhu cầu chọn lọc tác phẩm, tiếp nhận văn hóa đọc thông qua “bộ lọc” của báo chí, truyền thông nhằm tiết kiệm thời gian, tăng tính phù hợp… nên vai trò của báo chí, truyền thông tiếp tục được đẩy lên cao hơn và cụ thể hơn.

Như vậy, xét trên mọi phương diện, chúng ta đều nhận thức rõ tầm quan trọng của báo chí, truyền thông trong phát triển, quảng bá văn hóa đọc, đặc biệt đối với những vùng miền còn khó khăn, trình độ dân trí cũng như kinh tế xã hội chưa được phát triển.

Thực trạng

Những năm gần đây, cùng với nhịp độ phát triển hết sức sôi động, nhiệm vụ quảng bá, phát triển văn hóa đọc trên các phương tiện báo chí, truyền thông đã bộc lộ cả ưu điểm và những mặt còn hạn chế. Một số ưu điểm nổi bật có thể kể tới, như: Các chuyên mục đa dạng; số lượng tin bài, phóng sự nhiều và tăng mạnh; sự nhiệt tình năng động của đội ngũ làm nghề… Bên cạnh đó, còn tồn tại những điểm hạn chế với cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Ưu điểm:

- Hoạt động quảng bá, truyền thông đang diễn ra hết sức sôi nổi. Về chuyên mục, chuyên trang, có thể kể đến VTV3 với “Cà phê sáng”, Truyền hình VOV với “Sách và cuộc sống”, các mục Góc đọc sách, giới thiệu sách mới, trò chuyện về sách… đang được nhiều báo điện tử khai thác thường xuyên, tích cực. Ngoài ra, các báo đài còn tổ chức nhiều cuộc giao lưu trò chuyện, trao đổi về sách và văn hóa đọc dưới dạng talkshow thu hút sự tương tác lớn của độc giả, góp phần đưa sách đến gần hơn với bạn đọc và lan tỏa giá trị của văn hóa đọc.

- Về số lượng tin bài: Tuy chưa có thống kê cụ thể, song theo dõi tiến trình tác nghiệp cũng như thu thập các số liệu từ các cơ quan báo chí, chúng ta có thể lạc quan vào số lượng tin bài ngày càng tăng, hình thức trình bày đẹp, áp dụng được tiện ích của công nghệ trong thiết kế, trình bày dưới dạng đa phương tiện, góp phần thu hút độc giả hơn.

Nhà báo Lữ Mai tại Hội nghị Tổng kết hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Ảnh: Thụy Trang.

- Về sự nhiệt tình, năng động của các nhà báo theo dõi mảng sách và văn hóa đọc: Do đặc thù, đây là lĩnh vực yêu cầu nhà báo có vốn văn hóa đủ sâu, sự tận tụy, nhẫn nại với nghề và trên thực tế, có nhiều nhà báo đã trở thành thương hiệu của lĩnh vực sách và văn hóa đọc với những bài/loạt bài sâu sắc, trung thực.

Không ít các nhà báo, ê-kíp thực hiện chương trình về văn hóa đọc bản thân cũng chính là những sứ giả tham gia tích cực bằng các hoạt động cụ thể, như: trực tiếp sáng tác, đưa sách tới vùng sâu vùng xa, xây dựng thư viện cho cộng đồng… Điều đáng quý là họ làm công việc ấy với sự tự nguyện, thầm lặng và xuyên suốt cùng với việc tác nghiệp.

Tôi từng đi công tác tại quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 và những vùng biên giới của Tổ quốc, tôi vô cùng xúc động khi chứng kiến rất nhiều đồng nghiệp ở các báo đài không chỉ tác nghiệp mà còn cõng trên lưng những ba lô sách để lan tỏa văn hóa đọc tới những con người bám trụ biên cương, hải đảo, quên đi hạnh phúc của riêng mình để bảo vệ Tổ quốc. Họ thực sự cần một đời sống tinh thần phong phú để ngày thêm bản lĩnh, vững vàng trước sóng gió, thử thách.

- Về nỗ lực của ngành xuất bản: Để báo chí, truyền thông tác nghiệp thuận lợi, không thể thiếu đi vai trò cổ vũ, định hướng và cung cấp thông tin của ngành xuất bản. Những năm gần đây, có thể nhận thấy sự thay đổi rõ rệt, theo hướng tích cực của ngành đã tạo điều kiện thuận lợi để truyền thông, báo chí khai thác thông tin. Thí dụ, tháng 7/2023, lần đầu tiên có một cuộc gặp “bàn tròn” giữa những người làm xuất bản và các cơ quan báo chí, truyền thông do Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức để cùng nhau tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất nhằm thúc đẩy truyền thông cho văn hóa đọc phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Sự ủng hộ của ngành xuất bản nói chung, những “bắt tay” giữa các đơn vị xuất bản và báo chí - hai ngành vốn được coi là cùng một “nhà” dưới sự quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông - nói riêng đã mở ra hy vọng về những bước phát triển mới trong việc quảng bá, truyền thông sách, đưa sách đến gần hơn với người đọc, góp phần phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Hạn chế:

Nguyên nhân chủ quan:

- Dù tác nghiệp sôi nổi, nhiệt tình, song một số cơ quan báo chí, truyền thông vẫn còn có hiện tượng đưa tin sai lệch vì không kiểm chứng thông tin hoặc đưa tin thiếu thiện chí, vô tình gây thiệt hại hoặc tổn thương cho các đơn vị, cá nhân đang nỗ lực phát triển văn hóa đọc.

- Đôi khi, trong các tác phẩm báo chí còn bộc lộc tư duy nông cạn, hời hợt, phiến diện do quá trình tiếp cận, khai thác và xử lý thông tin chưa chuẩn mực, đầy đủ; còn thiếu những bài viết sâu sắc, có tính phản biện cao, đề xuất ra những giải pháp hiệu quả để đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển văn hóa đọc.

Nguyên nhân khách quan:

- Theo phản ánh của các đơn vị báo chí, truyền thông, quá trình tiếp cận thông tin từ phía các nhà xuất bản đôi khi khá khó khăn. Một số đơn vị xuất bản còn cũ kỹ, lạc hậu, máy móc trong tư duy, cho rằng chỉ cần thực hiện đúng theo kế hoạch, làm nội dung và phát hành sách ra thị trường là xong, không cần quảng bá, giới thiệu hoặc yêu cầu phóng viên thực hiện nhiều bước thủ tục phức tạp.

- Còn không ít đơn vị xuất bản, phát hành băn khoăn về tài chính, chi phí để quảng bá cho sách, khi việc kinh doanh sách thường không đem lại lợi nhuận cao như những mặt hàng thông thường khác, lại gặp nhiều rủi ro do dễ bị làm giả, in lậu, in nhái, hoặc không phù hợp với gu của người đọc… Đây là tư duy chưa hợp lý bởi các báo, đài thường không đòi hỏi thù lao và luôn nhận thức rõ sự đặc thù của lĩnh vực, song, sự e dè, nghi ngại đã dẫn tới những cản trở không đáng có.

- Vẫn còn những đơn vị trong ngành xuất bản chưa nhận thức được đầy đủ về tầm quan trọng của báo chí, truyền thông trong quảng bá sản phẩm của mình. Nhiều đơn vị vẫn quen với cách tiếp cận cũ trong tư duy và điều hành. Chính vì thế, sách nhiều khi trở nên “áo gấm đi đêm”, có sách hay, sách tốt nhưng bạn đọc không biết đến nhiều. Hoặc, cũng có hiện tượng khi có thành tích mới “khoe” còn khi xảy ra sự cố thì né tránh, phóng viên rất khó để tác nghiệp. Đây là hiện tượng không hiếm gặp. Đó là lý do mà các đơn vị xuất bản cần thay đổi để theo kịp xu hướng phát triển của ngành.

Giải pháp

Phía các đơn vị báo chí, truyền thông:

- Cần tăng cường định hướng, sát sao về nội dung để nâng cao chất lượng tin, bài; tránh sai sót về thông tin hoặc đưa tin sai tinh thần, định hướng, gây ảnh hưởng đến ngành và đến bạn đọc.

- Tăng tính chiều sâu, nhân văn trong mỗi tác phẩm báo chí để cổ vũ, lan tỏa văn hóa đọc một cách hiệu quả hơn.

- Với cùng một vấn đề, cần chủ động khai thác những đề tài, góc nhìn mới mẻ hơn nhằm tăng tính phản biện, đóng góp.

Phía các đơn vị xuất bản, phát hành

- Cần tăng cường sự chia sẻ, tương tác, thân thiện hơn nữa với báo chí, truyền thông.

- Nâng cao đổi mới, sáng tạo trong cách xử lý, cung cấp và tương tác thông tin với báo chí bằng cách: Ứng dụng tiện ích của công nghệ; không ngại trao đổi thông tin, (không chỉ thuận lợi như giải thưởng, thành tích mà cả những khó khăn, vướng mắc; không trốn tránh trách nhiệm).

- Tổ chức thêm nhiều hoạt động nhằm tăng cường tính liên kết giữa ngành xuất bản với báo chí truyền thông, như: Hội nghị, hội thảo, đi thực tế, dự án thể hiện sự “bắt tay” giữa hai ngành. Thiết nghĩ tới những thư viện ở vùng sâu miền xa mang dấu ấn giữa đơn vị xuất bản phát hành (là nơi cung cấp, chọn lọc sách) và các nhà báo (cây cầu đưa sách đến và quảng bá) để nhân dân, đặc biệt là trẻ em được thụ hưởng.

- Cần có đầu mối phụ trách báo chí, truyền thông một cách cụ thể và công khai để quá trình tác nghiệp của báo đài thuận lợi hơn, nhất là khi xảy ra các sự việc đột xuất. Muốn thế, kỹ năng nghiệp vụ và kiến thức của người phụ trách cũng là yếu tố quan trọng để quyết định việc làm “cầu nối” có hiệu quả không.

Lữ Mai

Nguồn Znews: https://znews.vn/tam-quan-trong-cua-bao-chi-truyen-thong-trong-phat-trien-van-hoa-doc-post1466776.html