Tấm lòng người cha nuôi hơn 300 trẻ mồ côi

Ở tuổi 71, cựu chiến binh Nguyễn Trung Chắt hiện là cha của 301 trẻ mồ côi. Không chỉ chăm lo ăn học đàng hoàng, ông còn định hướng công việc và dựng vợ gả chồng cho các con.

Ông Nguyễn Trung Chắt sinh ra và lớn lên tại Hưng Yên. Ông từng là Bộ đội Biên phòng, công tác tại vùng biên giới Lạng Sơn. Thời gian này, chứng kiến nhiều trẻ em có hoàn cảnh éo le, không ai chăm sóc, sa lầy trước những cám dỗ của xã hội, sau khi nghỉ hưu, ông quyết tâm xây nhà để nhận nuôi trẻ mồ côi.

Cựu chiến binh Nguyễn Trung Chắt cùng các con nuôi.

Trở về với cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Nguyễn Trung Chắt làm nhiều công việc để lo kinh tế. Ông thành lập doanh nghiệp, đầu tư kinh doanh nhiều ngành nghề như thu gom phế liệu; xuất, nhập khẩu; xây dựng; bất động sản... Sau 5 năm chăm chỉ làm việc, ông dùng tiền cá nhân cùng sự ủng hộ của cộng đồng để xây ngôi nhà Hy vọng đầu tiên tại Hưng Yên. Đây cũng là ngôi nhà đầu tiên nhận nuôi 24 trẻ mồ côi. Những năm tiếp theo, ông tiếp tục thành lập thêm hai ngôi nhà Hy vọng tại Lạng Sơn và Hưng Yên.

“Chứng kiến những đứa trẻ không được chăm sóc, lang thang rồi trộm cắp, không có tuổi thơ, tôi nhận các con về nuôi. Tại đây, các con có điều kiện đi học, được cải thiện đời sống, phát triển tinh thần, thể chất. Những đứa trẻ cần sự chăm sóc, dạy bảo từ người lớn mới trở thành người tử tế được”, ông Chắt tâm sự.

Dưới mái ấm Hy vọng, ông Chắt trở thành người cha quan tâm, lo lắng cho những đứa trẻ. Ông để trẻ tự lập bằng cách tham gia tăng gia sản xuất. Ông mua hạt giống cho trẻ trồng rau, mỗi đứa trẻ sẽ được phân công chăm sóc vườn rau, nuôi gà, vịt, trồng cây cho ra quả. Ông Chắt cho biết: “Đó cũng là thực phẩm hằng ngày do chính các con làm ra để rèn cách tự lập. Thời gian biểu của các con ở đây rất khoa học, mỗi ngày đều bắt đầu từ 5 giờ 30 phút. Các con dậy vệ sinh, ăn cơm rồi đi học, chiều tối lại về tưới rau, đọc sách, ăn tối và học bài”.

Tiếng kẻng cuối cùng trong ngày vang lên, khi những đứa trẻ đi ngủ, người cha già Nguyễn Trung Chắt lại bật đèn pin đi từng phòng mắc màn, đắp chăn cho các con. Sự chăm sóc và giáo dục của ông mang đến cho trẻ tình thương, cứu rỗi cuộc đời của những đứa trẻ bất hạnh. Đến nay, ông đã nhận nuôi 301 trẻ mồ côi.

Một trong những thế hệ đầu tiên bước ra từ mái ấm Hy vọng, anh Ngô Quốc Hưng (31 tuổi) hiện đang giúp ông Chắt quản lý ngôi nhà Hy vọng tại Lộc Bình (Lạng Sơn) cho biết, anh được đón vào chăm sóc từ năm 11 tuổi, được bố Chắt cho ăn học đến đại học. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, anh chọn quay trở về phụ giúp ông Chắt. “Với tôi, trở về đây cũng chính là trở về nhà. Bố Chắt là người cưu mang và cho tôi mái ấm, giáo dục tôi trưởng thành. Trở về đây cũng là mong muốn của tôi, tiếp tục giúp bố chăm lo cho các em như cách ngày xưa bố chăm lo cho mình”, anh Hưng chia sẻ.

Bài và ảnh: LƯƠNG HIỀN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/tam-long-nguoi-cha-nuoi-hon-300-tre-mo-coi-760646