Tái khởi động cuộc thi được xem là 'đối thủ' của 'Hoa hậu Việt Nam'

Theo kế hoạch ban đầu, 'Hoa hậu Quốc gia Việt Nam' mùa đầu tiên sẽ diễn ra vào cuối năm 2023 song cuộc thi đã được dời lại đến năm 2024, kéo dài thời gian sơ tuyển tới gần 1 năm. Đây được xem là sân chơi 'đối thú' của cuộc thi 'Hoa hậu Việt Nam'.

Sau nhiều năm đồng hành cùng Báo Tiền Phong tổ chức cuộc thi "Hoa hậu Việt Nam", phía Sen Vàng quyết định đứng ra tổ chức riêng một cuộc thi khác có tên gọi "Hoa hậu Quốc gia Việt Nam". Đại diện đơn vị tổ chức chia sẻ, sân chơi này được tổ chức nhằm tìm ra những cô gái tài năng, thông minh, mang đậm nét đẹp thuần Việt ở khắp nơi trên mọi miền đất nước.

Cuộc thi được Sở VH&TT TP.HCM cấp phép với hình thức tổ chức khá đặc biệt, đó là mỗi tỉnh, thành phố sẽ lựa chọn một đại diện tham gia tranh tài, qua đó tạo ra sự giao lưu văn hóa giữa các địa phương trong cả nước. Đêm chung kết dự kiến sẽ là cuộc so tài so sắc của 63 thí sinh. Riêng 5 thành phố lớn trực thuộc trung ương gồm: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ sẽ có nhiều hơn một thí sinh tham gia.

Mới đây, sân chơi này chính thức được khởi động trở lại với chuỗi chương trình tuyển sinh diễn ra ở nhiều địa phương. Đại diện ban tổ chức xác nhận, cuộc thi dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm 2024 với nhiều điểm khác lạ so với các đấu trường sắc đẹp khác trong nước.

Đặc biệt, cuộc thi đề cao phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, tôn vinh những nét đẹp văn hóa, quảng bá du lịch Việt Nam thông qua các hoạt động đồng hành. Người đẹp đăng quang sẽ đại diện cho vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam, góp phần lan tỏa sự đa dạng về văn hóa của các vùng miền Việt Nam đến với thế giới. Top 3 chiến thắng cuộc thi gồm Hoa hậu, Á hậu 1 và Á hậu 2 sẽ được nhận giải thưởng tiền mặt giá trị lần lượt gồm 500 triệu đồng, 250 triệu đồng và 200 triệu đồng.

Trong khuôn khổ cuộc thi, ban tổ chức cũng đã phát động phầng thi "Thiết kế trang phục văn hóa dân tộc" dành riêng cho những bạn trẻ có niềm đam mê thiết kế và sáng tạo về văn hóa nghệ thuật. Phần thi khai thác 3 chủ đề lớn trải dài theo vùng địa lý và văn hóa: khu vực miền Bắc, khu vực miền Trung và khu vực miền Nam.

Đồng hành cùng sân chơi là 3 người đẹp đảm nhận vai trò Đại sứ gồm: Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên, Hoa hậu Lương Thùy Linh và Hoa hậu Lê Nguyễn Bảo Ngọc. Với tầm ảnh hưởng và kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực nhan sắc, cả ba được kỳ vọng sẽ là những người truyền cảm hứng, đồng hành cùng các thí sinh trong hành trình chinh phục vương miện danh giá.

Mở màn cho chuỗi hoạt động tuyển sinh, ban tổ chức "Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024" đã có buổi giao lưu đầu tiên tại trường Đại học Công nghiệp TP.HCM. Chương trình có sự góp mặt của Hoa hậu Bảo Ngọc, ca sĩ Lona Kiều Loan và Á hậu - ca sĩ Hera Ngọc Hằng. Trong cuộc nói chuyện với chủ đề “Đẹp chuẩn thời hiện đại”, ba người đẹp đã trao đổi cởi mở với các thí sinh về tiêu chí cần thiết để trở thành một Hoa hậu trong thời đại mới, trong đó nhấn mạnh rằng vẻ đẹp không chỉ nằm ở ngoại hình mà còn ở trí tuệ, bản lĩnh, lòng nhân ái và sự tự tin.

Nổi bật trong những chia sẻ của Lona Kiều Loan là thông điệp "Vẻ đẹp đích thực từ sự yêu bản thân". Theo nữ ca sĩ, vẻ đẹp hiện đại không chỉ giới hạn ở ngoại hình mà còn bao gồm trí tuệ, bản lĩnh, lòng nhân ái và quan trọng nhất là sự tự tin xuất phát từ việc yêu thương chính mình. Trong khi đó, câu nói "Vẻ đẹp hiện đại luôn gắn liền với tri thức" của Á hậu Ngọc Hằng là lời khẳng định đầy ý nghĩa về giá trị của tri thức trong đời sống hiện đại. Đây là lời khuyên cho các bạn trẻ đang trên con đường hoàn thiện bản thân về tầm quan trọng của việc học tập và rèn luyện tri thức. Còn "Hoa hậu Liên lục địa 2022" Lê Nguyễn Bảo Ngọc đã truyền tải thông điệp ý nghĩa đến khán giả: "Không là người giỏi nhất nhưng hãy là người cố gắng nhất". Đây là lời khuyên quý giá giúp mọi người có thêm động lực để theo đuổi ước mơ của mình".

Một số hình ảnh tại hoạt động tuyển sinh đầu tiên của cuộc thi:

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tai-khoi-dong-cuoc-thi-duoc-xem-la-doi-thu-cua-hoa-hau-viet-nam-post573335.antd