Súng máy MG3, hậu duệ 'chiếc cưa xương' MG42 đáng sợ trong Thế chiến 2

Được phát triển từ súng máy MG42 biệt danh 'chiếc cưa xương' trong Thế chiến thứ 2, khẩu MG3 của Đức không những giữ nguyên uy lực khi khai hỏa, mà còn được cải tiến để hoạt động hiệu quả hơn trong chiến đấu.

Súng máy MG42 có biệt danh "chiếc cưa xương" bởi tiếng đạn phát ra ghê rợn cũng như uy lực tác chiến kinh hoàng mà nó mang lại.

Sau Thế chiến thứ 2, MG42 được Đức cải tiến thành khẩu MG3, loại súng máy rất phổ biến tại phương Tây trong Chiến tranh Lạnh.

Tốc độ bắn cực cao khiến cho MG3 trở thành nỗi ám ảnh với đối phương trên khắp các chiến trường.

MG3 dần trở thành vũ khí trang bị tiêu chuẩn trên xe tăng, xe bọc thép của khối NATO.

Lịch sử phát triển dòng súng máy này bắt đầu vào năm 1958 bởi nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall, họ đã cải tiến MG42 với một vài thay đổi nhỏ để cho ra phiên bản MG1 A1.

Bước tiến hóa của MG1 A1 là MG1 A2 có khóa nòng nặng hơn kèm theo vài thay đổi khác. Ở phiên bản MG1 A3 súng được thay đổi bộ phận che chớp sáng đầu nòng, chân chống cải tiến

Bước cải tiến cuối cùng là thay đổi từ loại đạn 7,92 x 57 mm của Đức quốc xã sang cỡ đạn 7,62 x 51 mm NATO, lúc đó khẩu súng được đặt tên là MG2.

Năm 1968, súng tiếp tục được hoàn thiện và lúc này được định danh chính thức là MG3. Hãng Rheinmetall chịu trách nhiệm sản xuất để cung cấp cho quân đội Tây Đức cũng như các đồng minh NATO.

MG3 có khối lượng cơ bản 10,5 kg; chiều dài tổng thể 1.225 mm; nòng dài 565 mm. Hầu hết các thành phần làm từ thép tấm ép lại với nhau.

Nòng súng được rèn nguội bằng thép tốt, bên trong mạ chrome chống mài mòn, nòng có 4 rãnh xoắn về phía phải với chu kỳ 305 mm.

Ngoài ra nòng súng cũng dùng loại đúc đa giác thay vì rãnh xoắn thông thường. Điều này giúp súng bắn chính xác hơn, độ tản mát đạn giảm xuống mức thấp nhất.

MG3 tiếp tục giữ lại ưu thế của súng MG42 là khả năng thay nòng cực nhanh, giúp binh lính có thể tác chiến trong thời gian dài và vẫn đảm bảo độ chính xác.

Việc thay nòng rất đơn giản, xạ thủ cần gạt chốt bên phải của bao nòng về phía trước, sau đó nâng hay xoay súng là phần tiếp xúc của nòng với buồng đạn sẽ rời ra. Nòng mới sẽ thay vào theo quy trình ngược lại.

Đầu nòng súng lắp bộ phận giảm giật và triệt tiêu tia lửa giúp giảm tối đa việc bị phát hiện khi bắn ở điều kiện trời tối.

MG3 có báng bằng polymer thay cho gỗ nhằm giảm trọng lượng, hệ thống chân chống có thể gập và thước ngắm kiểu chữ U với tầm điều chỉnh từ 200 đến 1.200 m.

MG3 còn tích hợp thước gập để ngắm bắn máy bay. Các biến thể sau này của MG3 còn có thể gắn một số loại ống ngắm.

MG3 sử dụng cơ cấu cấp đạn dây 50 viên đạn cho mỗi đai tại nhà máy, xạ thủ có thể liên kết các đai bất kỳ lại với nhau để có dây đạn với chiều dài và cơ số mong muốn.

Bên cạnh đó, MG3 cũng có thể sử dụng đai tự phân hủy M13 của Mỹ, loại này rất phổ biến ở các nước thuộc khối NATO, sử dụng trên các khẩu súng như M134D Minigun, M60, FN MAG, AA-52 và MG5.

Quân đội Đức thường trang bị đai DM1 cho bộ binh và đai M13 cho các khẩu MG3 gắn cố định trên xe thiết giáp hoặc máy bay trực thăng.

MG3 dùng cơ chế nạp đạn tự động bằng khí nén làm mát bằng không khí. Súng có cơ cấu khóa nòng xoay tin cậy, an toàn.

Súng có tốc độ bắn cao lên tới 1.300 viên/phút, đây là loại súng máy hạng nặng có tốc độ bắn cao nhất thời điểm chúng ra đời, tốc độ bắn có thể điều chỉnh bằng cách thay thế các lò xo đẩy khác nhau.

Nhịp bắn cao cộng với sơ tốc đầu nòng lên tới 820 m/s, MG3 đươc coi là một trong những khẩu súng máy uy lực nhất thế giới.

Dù Đức đã lên kế hoạch thay thế dòng súng máy này bằng MG5, tuy vậy giới tướng lĩnh nước này vẫn ưa thích súng máy MG3.

Hiện nay một số biến thể MG3 cải tiến còn được trang bị ray picatinny để gắn các phụ kiện chiến đấu, ngoài ra một số bộ phận cũng được làm bằng vật liệu tiên tiến để giảm trọng lượng.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/sung-may-mg3-hau-due-chiec-cua-xuong-mg42-dang-so-trong-the-chien-2-post567195.antd