Sớm hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn cộng sinh công nghiệp

Để thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp (KCN) sinh thái, bên cạnh bổ sung ưu đãi tài chính, cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt là quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để thực hiện cộng sinh công nghiệp - ông LÊ THÀNH QUÂN, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiêm Giám đốc Dự án Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu chia sẻ.

Số lượng khu công nghiệp chuyển đổi tăng dần

- Thưa ông, hiện nay, việc chuyển đổi KCN thường sang KCN sinh thái đang diễn ra như thế nào?

- Dưới sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên Hợp Quốc (UNIDO), hiện cả nước có 7 KCN đã chuyển đổi sang KCN sinh thái, gồm: Hòa Khánh (Đà Nẵng), Khánh Phú (Ninh Bình), Trà Nóc 1 và 2 (Cần Thơ) (giai đoạn 2015 - 2019), từ 2020 mở rộng thêm Đình Vũ (Hải Phòng), Amata (Đồng Nai) và Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh).

Song, thực tế, số lượng KCN chuyển đổi đang ngày càng tăng từ nguồn vốn thực hiện của khu vực tư nhân, như KCN Nam Cầu Kiền ở Hải Phòng, các KCN của Tập đoàn Becamex; các KCN xanh, tiết kiệm năng lượng của tập đoàn VSIP... Các địa phương cũng đã ý thức được mô hình KCN sinh thái là xu hướng phát triển tất yếu, lồng ghép việc phát triển các KCN theo hướng bền vững vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

- Việc chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái đã mang lại những kết quả cụ thể gì?

- Từ 4 mô hình giai đoạn 2015 - 2019 cho thấy đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận hành, tăng lợi nhuận và cải thiện năng lực cạnh tranh. Trong năm 2016 - 2018, các doanh nghiệp tham gia đã đầu tư trên 11 triệu USD để thực hiện hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP), lợi nhuận đạt 9,6 triệu USD, thời gian hoàn vốn trung bình là 7 tháng. Cũng trong 4 năm này, hàm lượng khí CO2 đã giảm 1,273 triệu tấn (gấp 2,5 lần so với mục tiêu đặt ra); hàm lượng tổng lượng chất ô nhiễm hữu cơ có trong nước thải giảm gần 230 tấn/năm (gần gấp 3 lần so với mục tiêu); lượng nước sử dụng giảm khoảng 6 triệu m3/năm... Sự kết hợp các giải pháp về RECP và cộng sinh công nghiệp vào các quy trình sản xuất làm giảm nguy cơ tai nạn trong các nhà máy, cải thiện cuộc sống của cộng đồng dân cư quanh KCN.

Đối với các KCN tham gia chuyển đổi trong giai đoạn 2020 đến nay cũng đạt nhiều kết quả khả quan, như tổng tiềm năng tiết kiệm điện 34,436 triệu KWh/năm; tiềm năng tiết kiệm nước 252.548 m3/năm; giảm phát thải khí CO2 (không bao gồm việc thực hiện các giải pháp năng lượng mặt trời) dự kiến là gần 30 nghìn tấn/năm. Các kết quả này đều góp phần quan trọng trong xây dựng các chính sách về phát triển bền vững.

5 lưu ý để phát triển khu công nghiệp sinh thái

- Đâu là những cơ hội và thách thức trong chuyển đổi sang KCN sinh thái hiện nay, thưa ông?

- Theo đánh giá của UNIDO, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới thành công trong việc thể chế hóa mô hình KCN sinh thái tại các văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, Nghị định 82/2018/NĐ-CP và Nghị định 35/2022/NĐ-CP thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý KCN và khu kinh tế đã quy định cụ thể khái niệm, mục tiêu, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển, tiêu chí xác định... việc chuyển đổi và xây dựng mới KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái. Việc chuyển đổi và xây dựng mới KCN sinh thái cũng được khuyến khích theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường.

Một góc khuôn viên khu công nghiệp Nam Cầu Kiền Hải Phòng - một trong những khu công nghiệp chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái. Ảnh: Đ. Thanh

Tuy nhiên, hiện vẫn thiếu sự đồng bộ giữa các quy định. Các văn bản hướng dẫn còn thiếu và chưa thống nhất, điển hình như trong quy định về tái sử dụng nước và chất thải trong KCN gây khó khăn cho triển khai thực hiện các hoạt động cộng sinh công nghiệp. Chi phí cho việc thực hiện các giải pháp chuyển đổi hoặc xây dựng mới KCN sinh thái đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn hoặc các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, trong khi nguồn lực của doanh nghiệp có hạn.

-Trong bối cảnh đó, để cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2030 sẽ có từ 40 - 50% địa phương có kế hoạch chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN sinh thái và 8 - 10% địa phương có định hướng xây dựng KCN sinh thái mới từ bước lập quy hoạch xây dựng và định hướng ngành, nghề thu hút đầu tư, theo ông, cần tập trung vào những giải pháp gì?

- Muốn phát triển bền vững trên cả ba khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường theo mục tiêu của Đảng và Nhà nước, việc đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với Cách mạng Công nghiệp 4.0 là yêu cầu cấp thiết. Điều này đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các KCN, khu kinh tế tạo thành các hệ sinh thái xanh và bền vững.

Muốn vậy, thứ nhất, nâng cao sự nhận thức, quyết tâm chính trị của các cấp, ngành trong việc thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, đổi mới công nghệ, thực hiện kinh tế tuần hoàn trong KCN; xây dựng chiến lược phát triển KCN sinh thái mang tính tổng thể, gắn kết chặt chẽ với các quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng, tỉnh; đẩy mạnh việc phát triển các cụm liên kết ngành trong KCN tạo ra các mạng lưới sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị.

Thứ hai, huy động nguồn lực, cam kết và sự hợp tác chặt chẽ của nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN và các nhà đầu tư thứ cấp trong KCN; phát triển kết cấu hạ tầng KCN đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động liên kết, cộng sinh, tạo thành chuỗi liên kết cho các doanh nghiệp.

Thứ ba, đẩy mạnh hỗ trợ về chính sách, công nghệ, tài chính, tiếp cận thông tin cho các KCN và doanh nghiệp thực hiện KCN sinh thái; đặc biệt việc bổ sung các chính sách ưu đãi về tài chính như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, ưu tiên vay vốn tín dụng… là cần thiết để khuyến khích doanh nghiệp tự thực hiện việc chuyển đổi và xây dựng mới KCN sinh thái.

Thứ tư, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hướng dẫn kỹ thuật từ các bộ, ngành, đặc biệt đối với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để thực hiện các mạng lưới cộng sinh công nghiệp, tái sử dụng chất thải và nước thải; hỗ trợ thực hiện các giải pháp chuyển đổi, xây dựng mới KCN sinh thái; khuyến khích các dự án đầu tư sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Thứ năm, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, cơ chế hỗ trợ hấp dẫn để thúc đẩy và thu hút đầu tư phát triển hạ tầng KCN sinh thái và doanh nghiệp sinh thái; huy động sự tham gia và hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của các tổ chức trong nước và quốc tế.

Hiện nay, theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về KCN, khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp để thúc đẩy các giải pháp trên, với tinh thần tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích triển khai KCN sinh thái.

- Xin cảm ơn ông!

Đan Thanh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/som-hoan-thien-quy-chuan-tieu-chuan-cong-sinh-cong-nghiep-i332132/