Sóc Trăng đảm bảo nhân quyền vì mục tiêu 'Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh'

Thời gian qua, trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Sóc Trăng đều lấy người dân làm trung tâm vì mục tiêu 'Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh'. Bên cạnh đó, cũng kiên quyết ngăn chặn, xử lý những hành vi lợi dụng dân chủ, nhân quyền để công kích, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Kỳ 1: Vì mục tiêu nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Tỉnh Sóc Trăng có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 35,44% dân số. Chăm lo tốt cho đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những mục tiêu quan trọng được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đó là minh chứng cụ thể về việc bảo đảm và thúc đẩy quyền của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng và quyền con người nói chung.

Thực hiện chính sách giảm nghèo

Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức triển khai thực hiện các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025. Tỉnh đã và đang triển khai hỗ trợ đất ở cho 338 hộ; hỗ trợ nhà ở cho 1.899 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 4.560 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.223 hộ; xây dựng 4 công trình nước tập trung; thực hiện trên 40 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; triển khai xây dựng 113 công trình cầu, đường, chợ, nhà sinh hoạt cộng đồng; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 5 trường phổ thông dân tộc nội trú...

Tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện nhiều chính sách để nâng cao chất lượng dạy và học trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Bà Lý Thị Ngọc Thiều, ở xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) vui mừng chia sẻ, nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm nên vùng nông thôn sâu của xã cũng có nước sạch sử dụng, từ đó đảm bảo được sức khỏe hơn. Đường giao thông nông thôn được đầu tư hoàn chỉnh nên việc đi lại dễ dàng, thuận tiện. Bà con nghèo còn được vay vốn chăn nuôi, trồng màu, buôn bán nên cuộc sống ngày càng sung túc hơn. Còn chị Trần Thị Ngọc Hương, ở xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên vui mừng kể: “Tôi được hỗ trợ vay vốn 50 triệu đồng để phát triển mô hình trồng màu và chăn nuôi bò. Qua gần 2 năm chăm chỉ làm ăn, gia đình tôi đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, không phải đi làm xa quê như trước”.

Đồng chí Lý Rotha - Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết, đến nay các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số đều có trường trung học cơ sở, trạm y tế và đường ôtô đến trung tâm xã; 100% khóm, ấp có điện lưới quốc gia. Năm 2023, giảm 3.048 hộ dân tộc thiểu số nghèo (tương đương giảm 3%). Kết quả đó cho thấy sự quyết tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cùng chung sức thực hiện nhiệm vụ chính trị vì mục tiêu nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.

Nỗ lực chăm lo nhà ở

Những năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị để vận động xây nhà ở cho hộ nghèo. Trong năm 2023, tỉnh Sóc Trăng đã vận động xây dựng 1.710 căn nhà, trong đó có 1.200 căn nhà do Bộ Công an vận động hỗ trợ. Qua công tác này cũng thể hiện nhất quán quan điểm “Phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội” của Đảng, Nhà nước. Hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp người dân yên tâm lao động, sản xuất.

Ông Sơn Rương (dân tộc Khmer), ở xã Kế Thành, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) năm nay đã 70 tuổi, hoàn cảnh gia đình neo đơn. Trước đây nhà ở của ông cũng được hỗ trợ nhưng lâu ngày đã xuống cấp, năm 2023 lại tiếp tục được xây nhà do Bộ Công an vận động. Do lớn tuổi không thể lao động nên tất cả công đoạn để ông có được căn nhà hoàn chỉnh đều do chính quyền địa phương, lực lượng công an lo giúp. “Nhà được làm nhanh, chắc chắn, sạch sẽ, khang trang, tôi dọn vào ở cũng tháng nay. Đảng, Nhà nước thương dân, luôn chăm lo cho dân” - ông Rương bộc bạch.

Tỉnh Sóc Trăng đã tập trung thực hiện tốt công tác vận động xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: ĐỨC TRUNG

Bà Thạch Sô Phi (dân tộc Khmer), ở xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) xúc động kể về những ngày được công an, chính quyền, hàng xóm hỗ trợ từ việc dỡ nhà, lo chỗ ở tạm, rồi đến khi nhà hoàn thành lại phụ dọn đồ vô. Với gia đình bà, đây là tình cảm quý lúc khó khăn, gần gũi như người thân. Bà Sô Phi chia sẻ: “Hai vợ chồng cũng ngoài 60 tuổi hết rồi, sức khỏe ngày càng yếu nên lao động cũng đâu được như xưa. Nhà muốn làm cần số tiền lớn lắm, vợ chồng tôi làm gì có. Giờ được hỗ trợ xây nhà rồi, tôi mừng lắm, năm nay ăn Tết cũng ấm áp hơn”.

Tổng nguồn vốn hỗ trợ xây nhà do Bộ Công an vận động hỗ trợ là 60 tỷ đồng, đồng thời tỉnh vận động đối ứng thêm 15,6 tỷ đồng để làm nền móng nhà vững chắc hơn. Trong quá trình xây dựng nhà, địa phương cũng thực hiện tốt công tác tuyên truyền để nhân dân biết giá trị căn nhà, nguồn hỗ trợ, ý nghĩa chương trình, sự chăm lo của các cấp, các ngành đối với đồng bào. Từ đó, củng cố mối quan hệ gắn bó giữa nhân dân với các lực lượng, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số

Theo thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, hiện nay toàn tỉnh có 7.907 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, chiếm 29,19%. Về chuyên môn, có 5 tiến sĩ; 141 thạc sĩ; đại học và cao đẳng 6.199 người; trung cấp 1.552 người. Về trình độ lý luận chính trị, cử nhân và cao cấp lý luận chính trị 275 người; trung cấp 1.258 người. Hiện có 55 cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; 496 cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo quản lý các cấp là người dân tộc thiểu số.

Là cán bộ dân tộc Khmer, sau nhiều năm cống hiến, đồng chí Sóc Đồng cũng được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu. Đồng chí Sóc Đồng chia sẻ: “Tôi vừa hoàn thành khóa học cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung, trở về thì bắt nhịp ngay với công việc. Tôi tranh thủ thời gian đi cơ sở nhiều hơn, vận dụng lý luận được học để thực hiện công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của nhân dân vào chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Ông Thạch Soal, người có uy tín của thị xã Vĩnh Châu nhìn nhận rằng, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện tốt chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy về chính sách dân tộc, nhất là trong đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số. “Khi công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được thực hiện tốt, cũng đồng nghĩa việc đưa chủ trương, chính sách, pháp luật dễ đến gần hơn với đồng bào. Điều này là yếu tố then chốt tạo ra sự phát triển đồng đều giữa các địa phương của tỉnh, góp phần tạo tiền đề để tỉnh Sóc Trăng phát triển nhanh và bền vững” - ông Thạch Soal chia sẻ.

Có thể thấy, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện nhất quán các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc trên tinh thần bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, hướng tới mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để tạo đà phát triển, ổn định chính trị, tỉnh Sóc Trăng luôn đảm bảo phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân nhưng cũng kiên quyết xử lý trường hợp lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để kích động, chống phá Đảng, Nhà nước.

PHƯỚC LIÊU - ĐỨC TRUNG

(Còn tiếp)

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/chinh-tri/soc-trang-dam-bao-nhan-quyen-vi-muc-tieu-dan-giau-nuoc-manh-dan-chu-cong-bang-van-minh-69544.html