Sức sống mới trên quê hương có Đền thờ Bác Hồ

Vinh dự và tự hào khi là địa phương có Đền thờ Bác Hồ, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Từ đó, kinh tế - xã hội của địa phương không ngừng phát triển, diện mạo nông thôn cũng ngày càng khởi sắc.

Diện mạo xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) ngày càng khởi sắc. Ảnh: TẤN PHÁT

Diện mạo xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) ngày càng khởi sắc. Ảnh: TẤN PHÁT

Trong những ngày tháng 5 lịch sử, theo chuyến phà sớm rẽ sóng vượt dòng sông Hậu, chúng tôi đến mảnh đất Cù Lao Dung. Không chỉ được ví như “viên ngọc quý” với những vườn cây ăn trái sum sê, những rặng bần vững vàng nơi sóng gió, những loài thủy, hải sản đa dạng, huyện Cù Lao Dung còn là một minh chứng hùng hồn cho tấm lòng sắt son của người dân địa phương đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đặc biệt, về với xã An Thạnh Đông - nơi có Đền thờ Bác Hồ giữa rừng cờ hoa rợp trời, chúng tôi mới cảm nhận được hết tình cảm của người dân địa phương đối với Bác.

Theo đồng chí Diệp Văn Thận - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã An Thạnh Đông, Đảng bộ xã An Thạnh Đông có 15 chi bộ trực thuộc với trên 300 đảng viên. Với tấm lòng luôn hướng về Bác và niềm tự hào khi có Đền thờ Bác Hồ đặt tại địa phương, cấp ủy, chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân địa phương luôn giữ vững niềm tin sắt son với Đảng, anh dũng đấu tranh chống quân xâm lược trong thời chiến. Đồng thời nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời bình.

Với đặc thù là xã thuần nông, Đảng ủy, UBND xã An Thạnh Đông đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Trong đó, tập trung vận động người dân giảm diện tích mía kém hiệu quả, triển khai các mô hình trồng rau màu an toàn, phát triển diện tích vườn cây ăn trái gắn với du lịch miệt vườn. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ theo hướng an toàn, tập trung làm tốt công tác thủy lợi nội đồng kết hợp giao thông nông thôn, quan tâm nâng chất các chỉ tiêu nông thôn mới. Nhờ đó, kinh tế địa phương có bước phát triển, đời sống của người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 84 triệu đồng/năm. Ngoài ra, xã An Thạnh Đông đã đạt 21/21 chỉ tiêu nâng chất nông thôn mới, đạt 13/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, 6 tiêu chí còn lại đạt 80 - 85%.

Đền thờ Bác Hồ tại xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) chính là nguồn cổ vũ, động viên và là sức mạnh to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị. Ảnh: TẤN PHÁT

Ông Nguyễn Văn Bớt, ấp Đền Thờ, xã An Thạnh Đông cho biết: “Trước đây, diện tích đất nông nghiệp của gia đình chủ yếu trồng mía. Nhưng nhận thấy trồng mía kém hiệu quả nên tôi mạnh dạn chuyển sang trồng dừa. Hiện nay, bình quân từ 1 - 1,5 tháng, tôi thu hoạch khoảng 3.000 trái dừa với giá bán 50.000 đồng/chục (12 trái) nên kinh tế gia đình cũng dần khấm khá. Ngoài ra, mấy năm trở lại đây, tôi còn chăn nuôi thêm dê và đang thử nghiệm nuôi ếch nhằm tăng thêm thu nhập”.

Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa - xã hội trên địa bàn xã cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa luôn được quan tâm, số hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa là 2.325 hộ, 8/8 ấp đạt chuẩn văn hóa. Đồng thời, tỷ lệ huy động học sinh các cấp ra lớp của địa phương vượt chỉ tiêu đề ra, toàn xã có 4/4 trường đạt chuẩn quốc gia, trạm y tế xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế, qua đó góp phần phục vụ tốt công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đặc biệt, công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt. Thông qua nhiều giải pháp như đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội, hỗ trợ vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hỗ trợ nhà ở đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 1,6%.

Đồng chí Nguyễn Công Trạng - Bí thư Chi bộ ấp Đền Thờ cho biết: “Đảng viên Chi bộ ấp Đền Thờ luôn tự hào, hãnh diện khi Đền thờ Bác Hồ nằm trên địa phận của ấp. Từ đó, 28 đảng viên trong chi bộ luôn không ngừng học tập và làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực như thực hành tiết kiệm, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua ở địa phương như hiến đất làm đường, thường xuyên ra quân dọn dẹp vệ sinh, trồng hoa các tuyến lộ và khu vực đền thờ. Đồng thời, vận động người dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, có biện pháp giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển của quê hương và tỏ lòng thành kính đối với Bác”.

Đền thờ Bác Hồ tại xã An Thạnh Đông chính là nguồn cổ vũ, động viên và là sức mạnh to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương vượt mọi khó khăn, phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, xây dựng quê hương phát triển như hôm nay. Đây cũng sẽ là động lực để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tiếp tục nỗ lực, quyết tâm gặt hái thêm nhiều thành tựu hơn nữa trong thời gian tới, đưa xã An Thạnh Đông phát triển giàu đẹp, văn minh.

TẤN PHÁT

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/chinh-tri/suc-song-moi-tren-que-huong-co-den-tho-bac-ho-73387.html