Số phận của dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới sẽ thế nào?

Trong văn bản trả lời Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị nhà đầu tư phối hợp với các cơ quan chức năng của bộ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp để thống nhất về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập cho dự án.

Số phận của dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới sẽ thế nào?

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản trả lời đề xuất của Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới về đề xuất phương án giải cứu dự án này. Trong đó có đề xuất kéo dài tuyến cao tốc tới thành phố Bắc Kạn, mở rộng đường cao tốc hiện hữu với đa số vốn từ ngân sách hỗ trợ.

Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, việc đầu tư bổ sung các hạng mục trên tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới, đầu tư đoạn cao tốc nối Chợ Mới - thành phố Bắc Kạn như đề xuất trên rất cần thiết. Tuy nhiên, phương án kết hợp giữa đầu tư bổ sung tuyến cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới với giải pháp xử lý vướng mắc bất cập trạm thu phí của dự án BOT không phù hợp với hợp đồng đã ký.

Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng khả năng thuyết phục các cấp có thẩm quyền về áp dụng phương án này không cao, thủ tục đầu tư rất phức tạp, chưa có quy định cụ thể. Ngoài ra, việc đầu tư nâng cấp bổ sung 9,4km trên Quốc lộ 3 hiện hữu theo hình thức BOT không phù hợp với Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bên cạnh đó, bộ này cũng cho biết Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo không làm đường cao tốc 2 làn xe, nên bộ đã giao đơn vị liên quan nghiên cứu chủ trương đầu tư đoạn cao tốc nối Chợ Mới - thành phố Bắc Kạn quy mô 4 làn xe và nâng cấp đoạn cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới lên 4 làn xe.

Chính vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị nhà đầu tư dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới phối hợp với các cơ quan chức năng của bộ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp để thống nhất về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập cho dự án. Trong đó, giải pháp sẽ nghiên cứu theo hướng hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước và đề xuất các cơ chế, chính sách để hỗ trợ nhà đầu tư tiếp tục thực hiện hợp đồng BOT đã ký với bộ.

Vào tháng 8/2022, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên cho ý kiến về các phương án xử lý bất cập tại trạm thu phí trên quốc lộ 3 thuộc dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới.

Trong văn bản gửi UBND tỉnh Thái Nguyên, bộ này đã liệt kê 4 phương án giải quyết bất cập tại BOT Thái Nguyên - Chợ Mới.

Phương án 1: Giữ nguyên hợp đồng BOT đã ký kết. Nhà đầu tư thu phí tại 2 trạm quốc lộ 3 và đường Thái Nguyên - Chợ Mới để hoàn vốn. Trong đó, trạm quốc lộ 3 miễn, giảm phí theo phương án đã thống nhất với UBND tỉnh Thái Nguyên. Thời gian thu phí tăng từ 25 năm 4 tháng lên khoảng 32 năm 4 tháng.

Phương án 2: Chỉ thu phí trên trạm Thái Nguyên - Chợ Mới, không thu trên quốc lộ 3. Doanh nghiệp dự án bàn giao quốc lộ 3 đoạn km75 đến km100 cho Nhà nước quản lý. Để bảo đảm hiệu quả tài chính với thời gian thu hồi vốn khoảng 25 năm 4 tháng, Nhà nước cần hỗ trợ 3.050 tỷ đồng.

Phương án 3: Di dời trạm thu phí Quốc lộ 3 từ km77+922 về đặt trên đoạn km93 - km100 đúng theo phạm vi đầu tư nâng cấp. Kết quả đếm xe và tính toán phương án tài chính cho thấy, do lưu lượng xe đoạn km93 - km100 rất thấp nên phương án này không bảo đảm hiệu quả tài chính; để bảo đảm thời gian hoàn vốn khoảng 25 năm 4 tháng theo Hợp đồng đã ký, nhà nước cần hỗ trợ khoảng 2.550 tỷ đồng.

Phương án 4: Chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, bố trí vốn Nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư. Theo quy định của hợp đồng dự án đã ký, Nhà nước cần thanh toán cho doanh nghiệp dự án 3.250 tỷ đồng để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, các phương án 2, 3, 4 giải quyết triệt để được bất cập tại trạm quốc lộ 3 nhưng rất khó khả thi do sử dụng nhiều vốn ngân sách Nhà nước.

Minh Đức

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/so-phan-cua-du-an-bot-thai-nguyen-cho-moi-se-the-nao-20180504224280820.htm