Sinh viên làm trái ngành: Lựa chọn để thích ứng

Việc sinh viên tốt nghiệp làm trái ngành, trái nghề phổ biến trong nhiều năm qua...

Sinh viên tham dự Ngày hội tư vấn việc làm để tìm kiếm thông tin và cơ hội. Ảnh minh họa: TG

Và một trong những thách thức lớn khi lựa chọn làm việc không đúng với chuyên ngành học chính là phải học hỏi lại từ đầu.

Muôn nỗi xin việc trái ngành

Mặc dù tốt nghiệp ngành luật của Học viện Tòa án, nhưng Phạm Thị Thắm (sinh năm 2000) lại lựa chọn làm trái nghề ở lĩnh vực Marketing. Chị Thắm nhìn nhận, ngành học của mình nếu về quê xin việc sẽ rất khó. Do vậy, thời điểm mới ra trường, ngoài việc tìm các công việc đúng ngành được đào tạo, chị còn rải hồ sơ khắp các lĩnh vực trái ngành với hy vọng tìm được công việc, sớm có thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống.

“Để mở rộng cơ hội cho bản thân, tôi đã phải lựa chọn nộp hồ sơ xin việc trái ngành. Mặc dù biết giai đoạn đầu tiếp cận công việc gần như phải học hỏi từ đầu, lương khởi điểm cũng rất thấp nhưng giữa lúc tìm việc làm khó khăn tôi đành chấp nhận”, chị Thắm chia sẻ.

Không giống chị Thắm, anh Nguyễn Thành Long (sinh năm 1998), tốt nghiệp ngành Kỹ thuật hạ tầng đô thị, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội đã tìm được công việc đúng chuyên ngành sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc, anh lại nhận thấy mình không hứng thú, không đủ đam mê để tiếp tục theo đuổi lâu dài công việc đó, anh Long đã quyết tâm chuyển hướng sang công tác ở lĩnh vực truyền thông.

Anh Long chia sẻ: “Từ khi đi học, tôi đã thích tham gia tổ chức các sự kiện và cũng đã mon men tìm hiểu các công việc liên quan đến truyền thông. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp tôi muốn trải nghiệm trong môi trường chuyên môn, làm việc đúng chuyên ngành mình học và cũng hy vọng tìm được niềm đam mê khi bước vào đời sống thực tế. Song, làm việc được một thời gian tôi không hứng thú, không thể phát huy được những kiến thức mình học vì vậy tôi đã chuyển sang lĩnh vực mình đam mê từ khi học đại học”.

Để hiểu rõ về lĩnh vực truyền thông cũng như đáp ứng những yêu cầu của công việc mới, anh Long đã chủ động đầu tư thời gian tham gia các khóa học về truyền thông, nghiên cứu, tự trau dồi bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho bản thân. Tuy không ngại học hỏi và bắt nhịp khá nhanh với công việc mới song anh Long nhìn nhận, không phải người trẻ nào quyết định chuyển sang làm trái ngành cũng thuận lợi, dễ dàng.

Đối với một số bạn đây là một quãng thời gian căng thẳng và không chắc chắn về bản thân mình. Tất cả chúng ta đều có những ước mơ nhất định, tuy nhiên sẽ đến khoảng thời gian chúng ta phải suy nghĩ xa hơn cho tương lai của chính mình, biết được bản thân muốn gì, cần gì và phải làm gì.

“Các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên sắp ra trường, chúng ta đừng sợ sự thay đổi, sự mới mẻ, nếu có sai chúng ta đều có cơ hội sửa. Hãy mạnh dạn bước ra khỏi giới hạn của bản thân bởi vì cố gắng cho tương lai không bao giờ là sai”, anh Long chia sẻ tâm tư như một lời nhắn gửi.

Ảnh minh họa ITN.

Trang bị những kỹ năng cần thiết

Chị Thắm, anh Long chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp sinh viên sau khi tốt nghiệp đi làm trái ngành, trái nghề. Thậm chí, không ít người, sau khi ra trường, cảm thấy bản thân không phù hợp với ngành nghề đã học đã quyết tâm “đầu tư lại”, dành thời gian, công sức theo học một ngành nghề khác phù hợp với năng lực, sở thích cá nhân hơn.

Theo ThS Hồ Xuân Ngọc - giảng viên Khoa Truyền thông Đa phương tiện, Trường ĐH Thăng Long, thực trạng sinh viên sau khi tốt nghiệp chọn làm việc trái ngành lâu nay rất phổ biến, không còn xa lạ. Do đó, để đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, trong quá trình ngồi trên ghế nhà trường, các sinh viên phải xác định được năng lực của bản thân và tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm.

“Ngoài ra, khi xác định lựa chọn công việc trái ngành, các em cần trang bị cho mình những kiến thức liên quan ngành mình dự kiến xin việc. Đồng thời, kể cả trái ngành hay đúng chuyên ngành các em cũng phải đầu tư trình độ ngoại ngữ để nâng cao kỹ năng của bản thân, có thêm cơ hội trong lựa chọn nghề nghiệp”, cô Xuân Ngọc khuyên và chia sẻ thêm, sinh viên vừa tốt nghiệp cũng cần hiểu nhu cầu, năng lực của bản thân, cần tự đặt và trả lời câu hỏi:

Mình mong muốn có việc trong môi trường như thế nào? Chuyên ngành mình đang học có phù hợp với môi trường làm việc đó hay không? Và điều quan trọng là sinh viên phải chủ động trong việc tìm kiếm cơ hội ngay từ khi còn đang đi học, tích lũy kinh nghiệm thì các nhà tuyển dụng mới mở rộng cửa đón chào.

Theo kinh nghiệm của những người đã dám dấn thân và thành công thì ngoài việc chủ động học hỏi, nghiên cứu, sinh viên tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn để bổ sung kiến thức và kỹ năng cần thiết.

Đồng thời, hàng năm các trường đại học đều mời các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực nhà trường đào tạo đến trường chia sẻ, trò chuyện, giải đáp mối quan tâm để giúp sinh viên định hình hướng đi, tạo điều kiện cho các bạn được trực tiếp trao đổi, nêu ra những thắc mắc của mình.

Hay tại sự kiện Ngày hội việc làm, các sinh viên có thể thử sức bằng cách tham gia các cuộc phỏng vấn của nhà tuyển dụng để biết được xu thế việc làm, yêu cầu của các doanh nghiệp hiện nay.

“Kiên nhẫn, sẵn sàng học hỏi, thích ứng linh hoạt được trong với các môi trường làm việc khác nhau là một yếu tố quan trọng giúp bạn đi đến thành công”, cô Ngọc nói.

Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2024 sáng 17/3 ở Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT chia sẻ: Quy trình đào tạo đại học hiện nay đã có nhiều thay đổi, đó là đào tạo liên ngành, xuyên ngành và kết hợp nhiều yếu tố khác nhau từ nhiều lĩnh vực, điều này tạo điều kiện tốt để sinh viên có một nền tảng rộng. Do đó, mỗi sinh viên cần tạo lập cho mình phương pháp học tập, rèn thói quen tự học để có thể học tập suốt đời.

“Các em không phải chỉ học 4 năm, 5 năm hay 6 năm đại học là dừng mà phải học nữa, phải liên tục cập nhật kiến thức mới theo kịp tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ, khoa học kỹ thuật tiên tiến.

Việc học đại học hay cao đẳng chỉ là những bước đầu tiên, là nền tảng quan trọng nhất cho mỗi học sinh, sinh viên nắm được phương pháp để đi con đường dài, phát triển bản thân, phát triển nghề nghiệp của mình. Các em học một ngành nhưng có thể làm được nhiều nghề”, PGS Nguyễn Thu Thủy cho biết.

Thống kê của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực, Bộ GD&ĐT về việc làm của sinh viên tốt nghiệp năm 2020 cho thấy: Có 9 lĩnh vực tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt tỷ lệ từ 75% trở lên như Dịch vụ vận tải (89,2%); Nghệ thuật (85,4%); Thú y (85,2%). Kiến trúc và Xây dựng (79,6%); Sản xuất và Chế biến (79,5%); Toán và Thống kê (77,7%); Sức khỏe (76,7%); Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản (75,8); Khoa học sự sống (75,6%).

Ngô Chuyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/sinh-vien-lam-trai-nganh-lua-chon-de-thich-ung-post680149.html