Siêu mẫu Minh Tú trước ẩn họa gây vô sinh

Ngay sau khi siêu mẫu Minh Tú cho biết bị bệnh lạc nội mạc tử cung, mạng xã hội đã xuất hiện nhiều đồn đoán về mức độ nguy hiểm cho sức khỏe của Minh Tú. Để hiểu đúng về căn bệnh này, chúng tôi ghi nhận ý kiến chuyên môn của bác sĩ.

Chia tay bạn trai vì sợ khó sinh con

Giữa tháng 11.2023, siêu mẫu Minh Tú đón mừng tuổi mới 32 bên cạnh bạn trai người Đức, quen nhau hơn 10 năm. Chia sẻ với báo chí, Minh Tú cho biết cách đây hai năm khi bước sang tuổi ba mươi cô có suy nghĩ muốn kết hôn, sinh con nên đi khám sức khỏe tổng quát và phát hiện bị bệnh lạc nội mạc tử cung.

Tìm hiểu thông tin y khoa, Minh Tú rất buồn và căng thẳng khi biết căn bệnh này có thể gây vô sinh, hoặc nguy cơ rất cao có con ngoài tử cung... Nghĩ mình không thể mang lại hạnh phúc trọn vẹn cho người yêu, Minh Tú quyết định chia tay bạn trai mà không nói mình bị bệnh. Bạn trai cô không thấy thỏa đáng nên vẫn liên lạc.

Sau khoảng hai năm, Minh Tú mới kể thật tình trạng sức khỏe. Biết chuyện, bạn trai cô vẫn xác quyết muốn kết hôn và trấn an nếu bằng mọi cách không thể có con thì hai người có thể nhận nuôi một đứa trẻ.

Siêu mẫu Minh Tú kể lại căn bệnh lạc nội mạc tử cung trên kênh YouTube cá nhân. Ảnh: M.T.O

“Lúc biết bị bệnh tôi rất sợ, sợ bản thân không thể có con, trong khi bạn trai mình muốn có con sớm vì anh ấy đã bốn mươi tuổi. Sau khi nghe tôi chia sẻ thì anh ấy động viên và nói không có vấn đề gì cả, chỉ cần tôi bình an, sức khỏe tốt, sống vui sống khỏe là được. Bạn trai là động lực để tôi kiên trì chữa bệnh. Hiện tình trạng bệnh của tôi không nghiêm trọng. Tôi cũng thay đổi rất nhiều sau chẩn đoán đó, biết cách yêu bản thân hơn, không thức khuya, lựa chọn thực phẩm, dinh dưỡng lành mạnh, kiểm tra sức khỏe thường xuyên… Mọi thứ đang tốt hơn rất nhiều”, Minh Tú kể.

Nhận diện bệnh lạc nội mạc tử cung

ThS-BS. Lê Võ Minh Hương (Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM) cho biết, lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý phụ khoa xảy ra khi mô nội mạc tử cung phát triển ở những vị trí bất thường bên ngoài lòng tử cung như ở cơ tử cung, vòi trứng, buồng trứng, phúc mạc chậu, bàng quang, trực tràng, niệu quản… Nội mạc tử cung bình thường là lớp tế bào lót trong lòng tử cung, chịu chi phối của nội tiết tố nữ estrogen và progesterone.

Dưới tác động của các nội tiết này, sẽ xảy ra hiện tượng tăng sinh và bong tróc những tế bào nội mạc tử cung và gây ra hành kinh mỗi tháng. Những mô nội mạc tử cung lạc chỗ cũng chịu chi phối của nội tiết tố nữ tương tự như nội mạc tử cung ở vị trí bình thường. Hiện tượng này gây ra các tổn thương viêm, xơ hóa, tạo sẹo hoặc tích tụ dịch tạo thành các u nang.

“Nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung vẫn chưa được biết chính xác. Một số chuyên gia cho rằng khi máu kinh chứa các tế bào nội mạc tử cung trào ngược từ lòng tử cung qua ống dẫn trứng vào khoang phúc mạc chậu sẽ tạo cơ hội cho các tế bào này cấy vào và phát triển ở các vị trí lạc chỗ tại bề mặt phúc mạc chậu và thanh mạc tạng của một số cơ quan gần đó như buồng trứng, tử cung, vòi trứng... Bộ gen cũng đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần hình thành các sang thương nội mạc tử cung lạc chỗ. Nếu mẹ hoặc chị gái của một phụ nữ có lạc nội mạc tử cung, thì người đó cũng có khả năng mắc phải bệnh lý này. Nghiên cứu cho thấy tình trạng bệnh có xu hướng nặng dần qua các thế hệ”, BS. Hương nói.

Bệnh có thể gây vô sinh

BS. Lê Võ Minh Hương.

Theo BS. Hương, lạc nội mạc tử cung đôi khi tiến triển âm thầm, không có triệu chứng cho đến khi nó ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan vùng chậu như cơ quan sinh dục, ruột hay bàng quang.

Các triệu chứng có thể gặp: đau bụng hoặc đau lưng theo chu kỳ kinh; đau khi đi tiêu hoặc tiểu hoặc khi quan hệ tình dục; đau vùng chậu mạn tính; ra máu kinh nhiều hoặc hành kinh bất thường; có máu lẫn trong phân hoặc nước tiểu, đặc biệt là trong chu kỳ kinh; tiêu chảy hoặc táo bón;…

Đau do lạc nội mạc tử cung có thể rất nặng và ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Một số người bệnh rơi vào trạng thái lo âu hoặc trầm cảm bởi bệnh lý kéo dài. Lạc nội mạc tử cung còn có thể làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng và các ung thư tuyến dạng nội mạc tử cung.

“Hiếm muộn có liên quan với lạc nội mạc tử cung. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh ở phụ nữ. Ảnh hưởng đến nhiều phụ nữ trong độ tuổi 30 và 40. Gần 2/5 phụ nữ có lạc nội mạc tử cung không thể có thai tự nhiên”, BS. Hương cho biết.

Khi nội mạc tử cung lạc chỗ ở cơ quan sinh sản, phụ nữ có thể gặp phải các vấn đề trong khả năng thụ thai như: mô nội mạc tử cung bao bọc xung quanh buồng trứng có thể ngăn không cho trứng rụng; mô nội mạc tử cung lạc chỗ ở vòi trứng có thể khiến vòi trứng tắc nghẽn, biến dạng dẫn đến tinh trùng không thể thông qua đó để thụ tinh với trứng hoặc nó có thể ngăn cản trứng đã thụ tinh di chuyển đến được lòng tử cung để làm tổ; lạc tuyến trong cơ tử cung có thể khiến phôi thai khó làm tổ hoặc dễ bị sẩy thai... Ngoài ra, lạc nội mạc tử cung còn ảnh hưởng đến hoạt động nội tiết, miễn dịch của cơ thể và gây tác động bất lợi lên phôi thai.

Điều trị tùy mục tiêu

Hiện nay không có biện pháp chữa khỏi hoàn toàn lạc nội mạc tử cung. Mục tiêu điều trị là giải quyết các triệu chứng và các vấn đề sức khỏe gây ra bởi lạc nội mạc tử cung như đau, vô sinh, khối u… BS. Hương cho biết cần xác định các mục tiêu điều trị ngắn hạn và dài hạn cho từng cá nhân người bệnh để có lựa chọn liệu pháp phù hợp:

Thuốc giảm đau: Một số loại thuốc không cần kê toa như nhóm thuốc NSAIDs có thể giúp phụ nữ giảm đau tạm thời trong chu kỳ kinh. Nếu những thuốc này không giúp giảm đau, có các lựa chọn khác dưới đây.

Liệu pháp hormone: với mục tiêu giảm lượng estrogen tạo ra bởi cơ thể và làm ngưng chu kỳ kinh nguyệt, từ đó giúp các sang thương giảm chảy máu, giảm viêm và giảm tạo sẹo dính...

Phẫu thuật: bác sĩ có thể gợi ý phẫu thuật nếu các tổn thương không thể điều trị được bằng thuốc như các nang lớn ở buồng trứng gây chèn ép cấu trúc vùng chậu. Đôi khi phẫu thuật cũng được chỉ định cho những trường hợp hiếm muộn để chẩn đoán hoặc sửa chữa ống dẫn trứng. Với những trường hợp nặng, người bệnh có thể cần phẫu thuật cắt bỏ tử cung và/hoặc buồng trứng...

Điều trị hiếm muộn: khi bắt đầu phát hiện lạc nội mạc tử cung, phụ nữ nên lên kế hoạch mang thai sớm nhằm tránh tình trạng bệnh diễn tiến lâu ngày dẫn đến khó có thai. Nếu người bệnh đã được xác định tình trạng vô sinh, các biện pháp hỗ trợ sinh sản nên được áp dụng để tăng khả năng mang thai. Phẫu thuật phục hồi hoặc sửa chữa ống dẫn trứng sẽ giúp ích trong một số trường hợp. Khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nặng, người bệnh có thể cần được hỗ trợ sinh sản bằng các phương pháp như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)…

“Thay đổi lối sống có thể giúp ích cho người bệnh lạc nội mạc tử cung như ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn. Nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa bệnh lý lạc nội mạc tử cung với một chế độ ăn ít rau quả và nhiều thịt đỏ. Người bệnh lạc nội mạc tử cung được khuyến nghị ăn nhiều rau củ quả và trái cây. Nghiên cứu cho thấy thực phẩm giàu acid béo omega-3, như cá hồi và các loại hạt có ích cho người bệnh. Ngược lại, ăn nhiều chất béo no (trans fat) làm tăng gấp đôi nguy cơ phát triển lạc nội mạc tử cung. Người bệnh cần tránh thức uống chứa cồn và caffeine...

Phụ nữ tập thể dục có thể có ít estrogen hơn và lượng kinh nguyệt ít hơn, điều này sẽ giúp cải thiện các triệu chứng lạc nội mạc tử cung theo thời gian. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng càng dành nhiều thời gian cho các bài tập cường độ cao như chạy bộ hoặc đi xe đạp, càng ít có khả năng bị lạc nội mạc tử cung...”, BS. Hương cho biết.

Hoàng Khải - Nguyễn Hữu

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/sieu-mau-minh-tu-truoc-an-hoa-gay-vo-sinh-41987.html