Sau Mỹ, ngân hàng Anh và EU cùng giữ nguyên lãi suất

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 14.12 đồng loạt giữ nguyên lãi suất để tiếp tục kiểm soát lạm phát sau động thái tương tự của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).

ECB thận trọng

Trong cuộc họp hôm 14.12, cuộc họp cuối cùng của năm, ECB đã giữ lãi suất ổn định ở mức 4%, đồng thời điều chỉnh dự báo tăng trưởng thấp hơn và công bố kế hoạch thu hẹp bảng cân đối kế toán.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde phát biểu trong cuộc họp hôm 14.12. Ảnh: CNBC

Ngân hàng này được cho là sẽ không thay đổi chính sách trong bối cảnh lạm phát khu vực đồng euro giảm mạnh, thay vào đó, các nhà đầu tư theo dõi các tín hiệu khi nào đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên có thể đến và đánh giá kế hoạch thu hẹp bảng cân đối kế toán của ECB.

“Các quyết định trong tương lai của Hội đồng Quản trị sẽ đảm bảo rằng lãi suất chính sách của họ sẽ được đặt ở mức đủ hạn chế trong thời gian cần thiết”, ECB cho biết trong một tuyên bố. Tuy nhiên, cơ quan này đã thay đổi ngôn ngữ về lạm phát từ việc mô tả lạm phát “dự kiến sẽ duy trì ở mức rất cao trong thời gian tới” sang khẳng định lạm phát sẽ “giảm dần trong suốt năm tới”.

ECB cũng điều chỉnh dự báo về tăng trưởng. Các dự báo kinh tế vĩ mô mới nhất cho thấy GDP thực tế trung bình tăng 0,6% vào năm 2023, giảm so với dự báo trước đó là 0,7%. GDP cũng được dự đoán tăng 0,8% vào năm 2024, từ mức 1% trước đó. Dự báo cho năm 2025 không thay đổi, ở mức 1,5%.

Trong khi đó, lạm phát chung được dự báo ở mức trung bình 5,4% vào năm 2023, 2,7% vào năm 2024 và 2,1% vào năm 2025. Trước đó, cơ quan này đã dự báo mức lạm phát là 5,6% trong năm nay, 3,2% vào năm 2024 và 2,1% vào năm 2025. ECB hiện cũng đã công bố một ước tính mới cho năm 2026, ở mức 1,9%.

ECB cảnh báo rằng áp lực giá trong nước vẫn tăng cao, chủ yếu là do chi phí lao động tăng. Các thành viên nhận thấy lạm phát cơ bản, không bao gồm năng lượng và thực phẩm, ở mức trung bình là 5% trong năm nay và 2,7% vào năm 2024, 2,3% vào năm 2025 và 2,1% vào năm 2026.

Trong khi đó, các điều kiện tài chính chặt chẽ hơn đang làm giảm nhu cầu và giúp kiểm soát lạm phát, đồng thời cho biết thêm rằng tăng trưởng sẽ chậm lại trong thời gian ngắn trước khi phục hồi do thu nhập thực tế tăng và nhu cầu nước ngoài được cải thiện.

ECB thông báo các khoản tái đầu tư theo chương trình mua trái phiếu khẩn cấp thời đại dịch (PEPP) sẽ chấm dứt vào cuối năm 2024. Quá trình chuyển đổi này sẽ diễn ra từ từ. Trong nửa cuối năm 2024, trung bình mỗi tháng danh mục trái phiếu của PEPP sẽ giảm 7,5 tỷ euro (tương đương 8,2 tỷ USD).

Lạm phát tại khu vực đồng euro đã giảm đáng kể từ mức cao 10,6% hồi tháng 10.2022 xuống còn 2,4% trong tháng 11. Điều đó có nghĩa là mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 2% đang trong tầm tay của ECB, ngay cả khi một số quan chức lưu ý rằng áp lực tiền lương và biến động trên thị trường năng lượng có thể khiến lạm phát tăng lên.

Trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt, nhà đầu tư đã bắt đầu nghĩ đến viễn cảnh ECB hạ lãi suất vào năm tới. Một số nhà phân tích dự đoán cơ quan này có thể cắt giảm lãi suất trước mùa hè.

Tuy nhiên, Chủ tịch ECB Christine Lagarde vẫn khẳng định rằng còn quá sớm để đề cập đến việc hạ lãi suất. Bà nhấn mạnh các quan chức cần phải theo dõi sát sao các dữ liệu quan trọng về tiền lương vào đầu năm tới.

Anh chưa có ý định hạ lãi suất

Trong một quyết định đưa ra cùng ngày, BoE tiếp tục giữ lãi suất ở 5,25%, mức cao nhất trong 15 năm, đồng thời đưa ra thông điệp rằng lãi suất có thể sẽ được giữ ở mức cao trong một thời gian dài bất chấp sự đặt cược ngày càng tăng vào làn sóng cắt giảm vào năm 2024. Đây là lần thứ ba liên tiếp BoE không điều chỉnh lãi suất.

Lạm phát tại Anh là 4,6% trong tháng 10. Đây là mức thấp nhất hai năm, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu 2% của BoE. Ngân hàng trung ương nước này đã nâng lãi 14 lần liên tiếp, đưa lãi suất từ 0,1% năm 2021 lên 5,25% hiện tại.

Quan điểm của BoE được cho là trái ngược với những gì mà FED cho biết sau cuộc họp mới đây, rằng việc cắt giảm lãi suất đã nằm trong kế hoạch sắp tới của cơ quan này. Ủy ban chính sách tiền tệ Anh (MPC) nhắc lại quan điểm điều hành của mình rằng họ có thể tăng lãi suất trở lại “nếu có bằng chứng về áp lực lạm phát dai dẳng hơn”.

Cơ quan này cho biết họ không tán thành ý tưởng giảm lãi suất, với lý do lo ngại lạm phát ở Anh dường như dai dẳng hơn so với Mỹ và Khu vực đồng Euro. Mặc dù thừa nhận tăng trưởng tiền lương chậm lại và GDP giảm 0,3% trong tháng 10, điều này cho thấy một cuộc suy thoái đang rình rập trước cuộc bầu cử quốc gia dự kiến vào năm 2024, tuy nhiên BoE vẫn kiên định.

Chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Private Bank, Matthew Landon cho rằng: “Thị trường bắt đầu nhận thấy khả năng xoay chiều của các ngân hàng trung ương sau khi FED chuyển sang lập trường chính sách ôn hòa hơn. Tuy nhiên, BoE không hoàn toàn làm theo như vậy”.

Mặc dù triển vọng lạm phát ngắn hạn có thể thuận lợi hơn so với dự đoán vào tháng trước, nhưng mối quan tâm dài hạn của các nhà hoạch định chính sách vẫn tồn tại, đặc biệt là khi áp lực lạm phát tiền lương cao hơn và giảm lạm phát giá dịch vụ ở Anh ít đáng kể hơn so với các khu vực và quốc gia khác.

Phản ứng của thị trường

Các sàn giao dịch ở Châu Âu đã đồng loạt tăng điểm với chỉ số đạt mức cao nhất kể từ tháng 1.2022.

Sau tin tức về ECB, đồng euro đã mở rộng mức tăng để giao dịch cao hơn 0,8% so với đồng USD ở mức 1,095 USD. Đồng euro cũng chuyển từ thua lỗ nhẹ sang giao dịch ổn định so với đồng bảng Anh.

Động thái của ECB và BoE được đưa ra chỉ một ngày sau quyết định tương tự của FED hôm 13.12. Lãi suất tham chiếu tại Mỹ lần thứ ba liên tiếp được giữ nguyên tại mức cao nhất 22 năm, là 5,25-5,5%.

Các động thái này phần nào phản ánh quyết định của FED trong việc giữ lãi suất ổn định và công bố quỹ đạo lãi suất mới nhất từ các thành viên của mình, làm dấy lên kỳ vọng về một chính sách chuyển hướng ôn hòa từ các ngân hàng trung ương lớn bất chấp tuyên bố của Anh sẽ tiếp tục thận trọng.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/sau-my-ngan-hang-anh-va-eu-cung-giu-nguyen-lai-suat-i354311/