Nhà đầu tư mua mạnh cuối phiên, VN-Index tăng hơn 7 điểm

Lực cầu cải thiện rõ rệt trong phiên giao dịch buổi chiều, đặc biệt tại nhóm cổ phiếu lớn, giúp VN-Index duy trì vững sắc xanh và có được phiên tăng tốt thứ 2 liên tiếp với mức tăng hơn 7 điểm.

Sau phiên tăng mạnh phiên đầu tuần, nhà đầu tư nhanh chóng chuyển sang trạng thái thận trọng với dòng tiền chậm lại. Sau ít phút tăng điểm nhẹ, áp lực bán đã gia tăng khá nhanh, nhất là tại nhóm VN30, đẩy VN-Index thoái lui và có thời điểm đã lùi qua tham chiếu. Dù vậy, VN-Index nhanh chóng hồi trở lại và kết thúc phiên sáng trong sắc xanh khi dòng tiền duy trì sự ổn định.

Trong phiên chiều, tâm lý tích cực tiếp tục được duy trì, dòng tiền chảy mạnh hơn vào thị trường. Càng về cuối phiên, sức cầu càng tăng, tập trung tại nhóm cổ phiếu lớn, kéo VN-Index tăng một mạch lên vùng 1.250 điểm, tức tăng hơn 10 điểm, trước khi lùi nhẹ trở lại và kết phiên với mức tăng hơn 7 điểm.

Đóng cửa, sàn HOSE có 251 mã tăng (7 mã tăng trần) và 178 mã giảm, VN-Index tăng 7,05 điểm (+0,57%) lên 1.248,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 707,89 triệu đơn vị, giá trị 18.425,62 tỷ đồng, giảm 18% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên đầu tuần (6/5). Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 115,4 triệu đơn vị, giá trị hơn 3.347 tỷ đồng.

Rổ VN30 giao dịch tích cực hơn hẳn trong phiên chiều, tạo bệ đỡ tốt cho VN-Index, đóng góp nhiều nhất phải kể đến các mã VJC +4,59% lên 118.600 đồng, PLX +5,45% lên 38.700 đồng, VNM +3,34% lên 68.000 đồng... Các mã lớn khác như HPG, FPT, BVH, GAS… đều tăng trên 2%. Trong đó, HPG khớp lệnh cao nhất rổ, cũng là đứng đầu thị trường với 30,13 triệu đơn vị. Các mã MWG, STB, VNM, VPB khớp lệnh từ gần 7-10 triệu đơn vị.

Ngược lại, các bluechip giảm điểm không mạnh, mã giảm mạnh nhất là CTG cũng chỉ giảm 1,2% về 32.800 đồng. Đáng chú ý, cổ phiếu ngân hàng phiên này chịu sức ép bán ra nên đa phần giảm điểm, điển hình là VCB đã đảo chiều giảm 011% về 92.900 đồng, qua đó tạo lực cản đà tăng của VN-Index. Mã ngân hàng có thanh khoản tốt nhất là SHB với 18,18 triệu đơn vị khớp lệnh, cao thứ 2 trong rổ VN30 và đứng thứ 4 sàn HOSE, kết phiên giảm 0,85% về 11.650 đồng; tiếp đó là MBB với 9,6 triệu đơn vị khớp lệnh và giảm 0,66% về 22.750 đồng.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cũng có thêm nhiều mã nới đà tăng và dòng tiền có xu hướng tập trung vào những cổ phiếu đầu cơ như ST8, RDP, AGM, HVX, LGL… khi duy trì vững sắc tím, trong đó RDP và ST8 khớp lệnh khoảng 1,4 triệu đơn vị, đứng ở mức giá lần lượt là 5.290 đồng và 9.090 đồng.

Tăng đáng kể còn có ELC +4,77% lên 23.050 đồng, CMG +3,4% lên 48.450 đồng, TCH +4,03% lên 18.050 đồng, YEG +5,87% lên 9.740 đồng… Trong số này, cổ phiếu TCH khớp lệnh thuộc top cao nhất sàn với hơn 17,19 triệu đơn vị.

Các mã khác như PGV, LHG, APG, QBS, AAA, POL, PTL DHG, PTB, KPF, HHS… tăng từ gần 2-4%.

Ở chiều giảm, đa phần mức giảm không quá mạnh, trong đó cổ phiếu NVL gây chú ý với thanh khoản chỉ đứng sau HPG, với hơn 28,67 triệu đơn vị khớp lệnh và giảm 2% xuống 14.600 đồng. Các mã VIX, DIG, PDR, DXG, BCG, CII… đều giảm từ 1% trở xuống, trong đó VIX và DIG khớp lệnh khoảng14 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số sàn này chìm trong sắc đỏ trong phần lớn phiên giao dịch, trước khi bật tăng vào cuối phiên nhờ sự cải thiện của nhóm HNX30.

Đóng cửa, sàn HNX có 105 mã tăng và 69 mã giảm, HNX-Index tăng 0,67 điểm (+0,29%) lên 232,96 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 71,6 triệu đơn vị, giá trị 1.317,24 tỷ đồng, tăng 29% về lượng và 18% về giá trị so với phiên đầu tuần. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,22 triệu đơn vị, giá trị gần 402 tỷ đồng.

Nhiều mã lớn như PVS, TNG, TIG, MBS, IDC, LAS, VCS… đều tăng điểm trong phiên này, trong đó TNG tăng tích cực nhất với 6,34% lên 21.800 đồng, khớp lệnh 2,97 triệu đơn vị, tiếp đến là TIG tăng 3,2% lên 12.900 đồng và khớp 2,77 triệu đơn vị.

Mã SHB đã về được tham chiếu 18.800 đồng và khớp 13,39 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn.

Trong khi đó, các CEO, HUT, PVS vẫn giữ sắc đỏ với mức giảm từ 0,69-1,6% và khớp lệnh từ 1-4 triệu đơn vị.

Những cổ phiếu nhỏ tăng trần đi kèm thanh khoản cao có thể kể đến là MST +9,8% lên 5.600 đồng và khớp 2,03 triệu đơn vị; DDG +8,33% lên 3.800 đồng và khớp 1,15 triệu đơn vị…

Trên UPCoM, chỉ số sàn này chịu rung lắc mạnh trong suốt phiên giao dịch, có thời điểm đã lùi qua tham chiếu, trước khi kịp hồi trở lại vào cuối phiên.

Đóng cửa, với 178 mã tăng và 104 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,45 điểm (+0,5%) lên 91,1 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 49,47 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 780 tỷ đồng, tăng 22% về khối lượng và 24%về giá trị so với phiên trước đó. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,16 triệu đơn vị, giá trị đạt 177,2 tỷ đồng.

Các cổ phiếu có thanh khoản từ 1 triệu đơn vị trở lên trong phiên này hầu hết đều tăng từ 3-14% gồm BSR, VGT, DDV, VHG, AAH, QNS, THM, PXL, VGI và DRI. Trong đó, VHG tăng trần 14,29% lên 2.400 đồng và khớp 3,29 triệu đơn vị.

BSR dẫn đầu thanh khoản với 6,1 triệu đơn vị, tăng 1,6% lên 18.900 đồng.

THM là mã giảm duy nhất trong nhóm này (-11,5%) về 10.000 đồng, khớp lệnh 2 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả bốn hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, trong đó hợp đông VN30F2405 tăng 6 điểm (+0,47%) lên 1.276 điểm, khớp lệnh 205.385 đơn vị, khối lượng mở hơn 54.350 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng chiếm ưu thế, trong đó mã CMWG2314 giao dịch sôi động nhất với 5,396 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 9,5% lên 1.500 đồng/cq; tiếp theo là CHPG2331 khớp 2,372 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 16,18% lên 790 đồng/cq.

Trí Anh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/nha-dau-tu-mua-manh-cuoi-phien-vn-index-tang-hon-7-diem-post344770.html