Sau 18 năm, tàu ngầm S-80 của Tây Ban Nha mới được bàn giao

Phải mất tới 18 năm với những sửa đổi cơ bản về thiết kế tốn thêm hàng trăm triệu USD, thì chiếc tàu ngầm S-80 đầu tiên của Tây Ban Nha mới được bàn giao cho lực lượng hải quân nước này.

Theo thông tin từ hãng đóng tàu nhà nước của Tây Ban Nha Navantia Group, ngày 30/11, Tập đoàn Navantia đã chính thức bàn giao tàu ngầm thông thường lớp S-80 đầu tiên, mang tên "Isaac Pell" cho Hải quân Tây Ban Nha, tại Căn cứ Hải quân Cartagena ở Tây Ban Nha.

Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles, Chủ tịch Tham mưu trưởng liên quân Quân đội Tây Ban Nha, Đô đốc Odoro López Calderon; Tư lệnh Hải quân Tây Ban Nha, Đô đốc Antonio Pinheiro.

Tàu ngầm lớp S-80 được Hải quân Tây Ban Nha đặt hàng chính thức vào năm 2004 và bắt đầu đóng vào năm 2005. Trong quá trình đóng, đã xảy ra những sai sót lớn về kỹ thuật và thay đổi thiết kế, dẫn đến việc bị bàn giao chậm đến tận hôm nay.

Tàu ngầm lớp S-80 là tàu ngầm thông thường cỡ lớn đầu tiên, được Tây Ban Nha sản xuất trong nước. Nhưng trước đó vào đầu thập niên 1980, hải quân Tây Ban Nha đã trang bị lớp tàu ngầm “Agosta” của Pháp.

Khởi đầu của dự án là thông qua hợp tác giữa Pháp và Tây Ban Nha, để chuẩn bị một dự án thay thế tàu ngầm lớp "Agosta"; đồng thời cùng xuất khẩu loại tàu ngầm này ra thị trường quốc tế.

Giữa lúc chương trình hợp tác nghiên cứu và phát triển lớp tàu ngầm này giữa Pháp và Tây Ban Nha diễn ra, thì ngành đóng tàu của Tây Ban Nha đã giành được đơn đặt hàng xuất khẩu tàu khu trục lớp "Nansen" cho Na Uy.

Lúc này Tây Ban Nha cảm thấy mình có thể “tự thân vận động”, nên quyết định dừng chương trình hợp tác với Pháp, bất chấp việc Pháp tiếp tục phát triển lớp tàu ngầm mới dựa trên lớp lớp "Agosta" của riêng mình. Cũng vì lý do này, Tập đoàn đóng tàu Pháp vào thời điểm đó cũng đã kiện Tập đoàn Navantia của Tây Ban Nha lên Tòa án Công lý Châu Âu.

Nhưng dù chỉ một mình Pháp, họ cũng tự phát triển được lớp tàu ngầm trang bị hệ thống động lực không dùng không khí (AIP) loại "Agosta 90B", sau này được Hải quân Pakistan sử dụng và tàu ngầm AIP lớp " Scorpene" được Hải quân Ấn Độ sử dụng.

Dự án hợp tác ban đầu giữa Tây Ban Nha và Pháp, phát triển lớp tàu ngầm mới trên cơ sở tàu ngầm lớp "Agosta", cũng là nỗ lực đầu tiên của Tây Ban Nha, trong việc thiết kế và sản xuất tàu ngầm. Nhưng sau đó Tây Ban Nha khẳng định, tàu ngầm S-80 của họ không liên quan gì đến tàu ngầm Pháp mà là một thiết kế hoàn toàn mới.

Trong thiết kế của tàu ngầm S-80, Tập đoàn Hàng không vũ trụ (BAE) của Anh được yêu cầu hỗ trợ thiết kế phần thân chính và Tập đoàn United Dynamics Corporation (UTC) của Mỹ đã hỗ trợ thiết kế động cơ. Tây Ban Nha không lấy "một tý" công nghệ nào từ Pháp.

Mặc dù vụ kiện của Pháp chống lại Tây Ban Nha cuối cùng đã được giải quyết, nhưng vì đây là lần đầu tiên Tây Ban Nha hợp tác phát triển tàu ngầm mới với đa quốc gia, và cũng là lần đầu tiên họ phát triển tàu ngầm AIP, nên Tây Ban Nha rõ ràng đã đánh giá thấp độ khó của việc chế tạo tàu ngầm và chương trình cũng hứng chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008.

Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính gần như phá vỡ nguồn vốn; đồng thời do lỗi thiết kế, dẫn đến tổng trọng lượng của tàu ngầm tăng đến 125 tấn (thiết kế đầu tiên 2.400 tấn), trọng tâm của tàu ngầm bị lệch đi 10 cm; hiệu suất thực tế của hệ thống động lực AIP của tàu chỉ đạt 1/4 thông số kỹ thuật thiết kế.

Những sai lầm về thiết kế, buộc Tây Ban Nha phải chi thêm gần 100 triệu euro cho việc thiết kế lại tàu ngầm. Chiều dài của thân tàu ngầm đã được tăng thêm ít nhất 6 mét để cân bằng trọng lượng và hệ thống năng lượng AIP đã được sửa đổi đáng kể.

Cuối cùng, Tây Ban Nha đã chi thêm gần 20 triệu USD để thực hiện những thay đổi lớn về thiết kế trên tàu ngầm S-80 với sự hỗ trợ của công ty General Electric Boat của Mỹ; riêng tỷ lệ thay đổi thiết kế thân tàu đã lên tới 70%. Ước tính chi phí toàn bộ dự án 4 chiếc tàu ngầm S-80 lên tới 3,7 tỷ euro; vượt mức dự kiến là 80%.

Ngay cả với sự giúp đỡ rất lớn của Mỹ, tàu ngầm S-80 cuối cùng cũng có thể được giao trong thời gian sớm nhất; mặc dù thời gian đóng tàu dài hơn 6 năm so với tàu ngầm lớp Scorpene đầu tiên do Pháp sản xuất cho Ấn Độ.

Chiếc tàu ngầm số 1 và tàu ngầm số 2 lớp S-80 vẫn chưa đạt thiết kế, hệ thống động lực AIP, xử dụng nhiên liệu ethanol/oxy lỏng cải tiến ban đầu, dự kiến lắp đặt trên toàn bộ 4 chiếc S-80, nhưng không thể theo kịp tiến độ của tàu số 1 và 2, và chỉ có thể lắp đặt trên tàu số 3 và 4.

Trong bốn chiếc tàu ngầm lớp S-80, thì có hai chiếc số 1 và 2, sử dụng động cơ điện-diesel, có lượng giãn nước khi lặn khoảng 3.000 tấn; còn hai chiếc số 3 và số 4, sử dụng động cơ AIP, có lượng giãn nước khi lặn khoảng 3.700 tấn. Dự kiến chiếc tàu ngầm thứ tư sẽ được bàn giao cho Hải quân Tây Ban Nha vào năm 2028.

Theo một số thông tin, tàu ngầm lớp S-80 của Tây Ban Nha sử dụng hệ thống chiến đấu AN/BGY-1, do nhà thầu Lockheed Martin của Mỹ phát triển và có nguồn gốc từ tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của hải quân Mỹ.

Hệ thống sonar của tàu ngầm S-80 loại sonar mới, được công ty ITT của Mỹ và Tây Ban Nha cùng phát triển; bao gồm một hệ thống sonar mũi chủ động/thụ động đa chức năng và một hệ thống sonar thụ động tần số thấp, lắp bên hông lớn của tàu.

Về vũ khí, tàu ngầm lớp S-80 sử dụng sáu ống phóng ngư lôi 533mm do BAE của Anh thiết kế, được trang bị 18 ngư lôi điều khiển bằng dây loại DM2A4 "Pike IV" do Công ty Atlas của Đức phát triển và có thể phóng tên lửa chống hạm Harpoon và tên lửa hành trình Tomahawk.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/sau-18-nam-tau-ngam-s-80-cua-tay-ban-nha-moi-duoc-ban-giao-1929845.html