Tiktoker phớt lờ nhãn cảnh báo nội dung nhạy cảm

Bất chấp sự cảnh báo từ nhãn dán và lưu ý của tác giả, các nhà sản xuất nội dung BookTok vẫn sử dụng chi tiết nhạy cảm để thu hút độc giả.

It ends with us là một hiện tượng trên BookTok. Ảnh: Amy Bookshelf.

Văn học cho người chưa trưởng thành (12-17 tuổi) được phân loại nhằm mục đích giúp các độc giả thu hẹp khoảng cách và cung cấp kiến thức cho trẻ trước khi tiến vào giai đoạn trưởng thành. Dù vậy, đối tượng này giờ đây đang phải chịu một làn sóng các nội dung nhạy cảm từ nhiều nguồn nội dung tục tĩu. Có những cuốn sách dù đã được dán nhãn dành cho người trên 18 tuổi nhưng nội dung về chúng trên Tiktok vẫn tiếp cận đến trẻ vị thành niên.

Sử dụng các chi tiết nhạy cảm để gây tò mò

Tài liệu khiêu dâm trong không gian kỹ thuật số không phải là một vấn đề mới. Các trang web như Wattpad và Tumblr đã đưa ra lệnh cấm "nội dung người lớn" vào tháng 12/2018. Trước đó những trang web này không giới hạn quyền truy cập vào nội dung khiêu dâm với mọi độ tuổi.

Nhưng với sự nổi lên của BookTok, các nội dung tục tĩu lần nữa lại có cơ hội tiếp cận các đối tượng nhỏ tuổi.

Colleen Hoover và Jennifer Armentrout, hai trong số những tác giả hàng đầu của BookTok, xuất bản sách của họ ở và được dán nhãn dành cho tuổi trưởng thành bởi chúng chứa dung lượng lớn nội dung giường chiếu. Trong khi đó, các nhà sáng tạo nội dung BookTok thường cho độc giả nhỏ tuổi tiếp xúc với những chi tiết này. Họ giới thiệu sách bằng cách đăng các trích dẫn từ cảnh phản cảm nhất.

Không thể phủ nhận mỗi chi tiết đều có giá trị của riêng nó. Tuy nhiên một số người lo ngại rằng độc giả nhỏ tuổi có thể có những kỳ vọng phi thực tế về trải nghiệm tình dục của chính họ khi tiếp xúc với các chi tiết nhạy cảm.

Các nội dung nhạy cảm được những nhà sáng tạo nội dung trên TikTok chú thích bằng hình quả ớt màu đỏ. Ảnh: Distractify.

Ndah Tatani Mbawa (Một phụ huynh tại Anh) chia sẻ rằng: “Tôi sốc khi biết về những cuốn sách con gái tôi cho vào danh sách must-read. Con bé chỉ mới 13 tuổi nhưng biết rất nhiều đầu sách của tuổi 18+, trong đó có các chi tiết nhạy cảm”. Ndah cũng hy vọng rằng các nhà sáng tạo nội dung có thể tôn trọng việc dán nhãn và phân loại độ tuổi cho sách hơn.

Về vấn đề trên, nhà xuất bản Simon & Schuster của Anh cho biết: “Điều quan trọng đối với chúng tôi là các cuốn sách sẽ tìm được đúng đối tượng độc giả và chúng tôi ý thức được về tầm quan trọng của việc phân loại đối tượng theo lứa tuổi”.

Đáng nói hơn, BookTok là một phong trào thúc đẩy ngành xuất bản ở một số nước châu Âu và Mỹ. Nhiều cuốn sách đã in lên bìa chữ “Cuốn sách thu hút độc giả trên TikTok” như một lời mời chào độc giả. Nhưng nếu chỉ dựa trên những nội dung nhạy cảm, phong trào BookTok có thể tạo ra một tiền lệ xấu cho các đơn vị làm sách chỉ chạy theo thị trường, tập trung vào các chi tiết 18+ và xem nhẹ các yếu tố khác.

Sự việc trên cũng cho thấy vai trò của các đơn vị và cá nhân phân phối sách trong việc dán nhãn, phân loại độ tuổi. Nhà xuất bản không phải là đơn vị duy nhất chịu trách nhiệm về các vấn đề này.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/tre-em-phai-doi-dien-voi-lan-song-noi-dung-nhay-cam-post1474985.html