Quốc gia công nhận Tết Nguyên đán muộn nhất châu Á

Phải đến năm 2012, Tết Nguyên đán mới được công nhận là ngày lễ chính thức ở Philippines. Truyền thống đón Tết ở quốc gia này cũng có những điều khác biệt,

Philippines là một trong những quốc gia đón Tết Nguyên đán ở châu Á. Nhưng không phải ai cũng biết rằng phải đến năm 2012, chính quyền nước này mới chính thức công nhận Tết âm lịch là một ngày lễ lớn trong năm, theo Asia Society.

Việc Tết Nguyên đán trở thành một ngày nghỉ lễ đặc biệt, không đi làm được coi là bước ngoặt lớn đối với cộng đồng người gốc Hoa ở Philippines.

Thực tế, việc đón Tết âm lịch như một ngày lễ không quá phổ biến cho đến cuối những năm 1990, đầu 2000. Cuối cùng, đây đã trở thành một ngày lễ quốc gia theo sắc lệnh của tổng thống.

So với người Trung Quốc, cộng đồng người Philippines gốc Hoa có cách đón chào năm mới âm lịch có chút khác biệt, với truyền thống riêng của mình.

Phải đến năm 2012, Tết Nguyên đán mới được công nhận là ngày lễ chính thức ở Philippines. Ảnh: PNA.

Lễ hội truyền thống

Tết Nguyên đán được tổ chức sôi động nhất ở Binondo - khu Chinatown lâu đời và nổi tiếng nhất thế giới. Khu phố này được người Tây Ban Nha thiết lập vào những năm 1590 ở Manila, dành cho những người nhập cư Trung Quốc theo đạo Công giáo. Suốt hơn 400 năm, nơi đây trở thành trung tâm mua bán sầm uất.

Vào ngày Tết, Binondo rất sôi động, với những đoàn múa lân, múa rồng được dân chúng vây quanh, trong khi những đoàn xe rước xa hoa chở quan chức đi phát bánh kẹo, đồ trang sức may mắn miễn phí,

Khắp các con phố, người ta có thể nghe thấy tiếng ban nhạc gõ trống, các đội múa thay nhau biểu diễn trong trang phục rồng, sư tử để xua đuổi tà ma và thu hút sự thịnh vượng.

Rồng tượng trưng cho sức mạnh to lớn, điềm lành, thịnh vượng, trong khi sư tử là biểu tượng của an toàn và may mắn. Một buổi múa rồng sư tử sẽ luôn kết thúc với việc nhận phong bao lì xì đỏ.

Người Philippines cũng đón Tết Nguyên đán với màu đỏ được trang trí khắp nơi. Màu sắc này xuất phát từ truyền thuyết cổ của người Trung Quốc về Niên Thú (Nian) - quái thú quấy phá dân làng mỗi dịp năm mới, và nó rất sợ màu đỏ.

Binondo là khu phố Tàu lâu đời và nổi tiếng nhất thế giới, luôn sối động vào ngày Tết. Ảnh: KKday.

Phần lớn người Philippines gốc Hoa đến từ Phúc Kiến và nói tiếng Quảng Đông. Bởi vậy, đi ra đường, ở các khu trung tâm thành phố, người ta có thể thấy rất nhiều tấm biển lớn viết chữ Hán với nội dung "Kong Hei Fat Choy" (Cung hỷ phát tài), khác với "Gong Xi Fa Cai" theo tiếng phổ thông.

Món ăn truyền thống trong dịp Tết ở Philippines là bánh gạo ngọt (tikoy), được bán sẵn rất nhiều ở chợ và cửa hàng tạp hóa suốt tháng 1 đến tháng 2 Dương lịch. Tikoy làm từ gạo nếp, trộn với mỡ heo, đường, trứng gà rồi chiên lên. Mì và bánh bao, thường làm từ bột mì và nếp, cũng là món ăn truyền thống ngày Tết với ý nghĩa giúp gia đình gắn kết hơn.

Nghi lễ, điều kiêng kỵ

Trước Tết, người Philippines có truyền thống dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, quét hết những điều xui xẻo để nhường chỗ cho những điều may mắn trong năm.

Một điều kiêng kỵ liên quan đến tiền bạc là phải giải quyết mọi nợ nần trước khi bước sang năm mới. Dù sao, chẳng ai muốn khởi đầu một năm bằng núi nợ nần.

Giống như truyền thống mừng năm mới ở nhiều quốc gia khác, người Philippines cũng thăm hỏi, chúc Tết người lớn tuổi trong gia đình, dòng họ. Các thành viên thường bên nhau trong bữa tối đoàn tụ đêm Giao thừa.

Người Philippines có những truyền thống riêng đón năm mới. Ảnh: SunStar.

Ở Philippines, các thành viên sẽ mang theo món ăn yêu thích của mình để chia sẻ với những người khác. Đó là khoảng thời gian để cùng hồi tưởng về kỷ niệm, chia sẻ những điều đã làm được trong một năm, thắt chặt mối quan hệ gia đình.

Trong ngày đầu năm, những thành viên nhỏ tuổi trong gia đình sẽ được người lớn tặng tiền mừng tuổi, đựng trong angpao. Các em nhỏ sẽ nói lời cảm ơn, nhưng không mở angpao ra vào lúc đó, bởi việc kiểm tra tiền mừng là rất riêng tư.

Đối với một số gia đình, mở angpao ra và nhìn chằm chằm vào đó còn bị coi là bất lịch sự.

Tiền angpao cũng không được tiêu ngay mà phải để dành, cho đến khi thực sự cần dùng đến. Ví dụ khi đứa trẻ bị bố mẹ từ chối mua một món đồ chơi, bé có thể thương lượng để tự mua nó bằng angpao của mình.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/quoc-gia-cong-nhan-tet-nguyen-dan-muon-nhat-chau-a-post1458526.html