Quê hương cội nguồn cách mạng luôn ấm hơi Người

Sự kiện Bác Hồ về nước (ngày 28/1/1941) mở ra thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam, thời kỳ chuẩn bị về mọi mặt, tiến tới phát động cao trào tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, từng bước đưa dân tộc Việt Nam đi tới những mùa xuân tươi sáng và tràn đầy hạnh phúc.

Cuối năm 1940, phong trào cách mạng thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến tích cực, Trung ương Đảng cử các đồng chí Phùng Chí Kiên, Hoàng Văn Thụ, Đặng Văn Cáp lên Cao Bằng để xem xét tình hình, đồng thời sang nước ngoài báo cáo với Bác và chuẩn bị công tác đón Bác trở về Tổ quốc. Trước khi về nước, với tầm nhìn chiến lược của nhà cách mạng thiên tài, Người đã đưa ra nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta”. Từ nhận định quan trọng này, ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng với các đồng chí cán bộ cách mạng vượt qua mốc 108 về đến bản Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng). Giây hút thiêng liêng đó cũng là điểm mốc thời gian mở ra giai đoạn phát triển mới cho cách mạng Việt Nam.

Tại Pác Bó, Người triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất mang tên Việt Nam độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) lãnh đạo nhân dân cả nước thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng có ý nghĩa to lớn trong tiến trình hoạch định đường lối và quá trình thực hiện cuộc vận động khởi nghĩa vũ trang, góp phần lan tỏa, lan rộng các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc từ Bắc Kỳ, Trung Kỳ cho tới Nam Kỳ, dẫn tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi năm 1954 và chống Mỹ mùa xuân 1975 hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa dân tộc Việt Nam bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Pác Bó đi vào lịch sử với sự kiện Bác Hồ về nước mùa Xuân năm 1941, đó là mùa Xuân đầu tiên Bác Hồ trở về Tổ quốc, kết thúc chặng đường dài sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam và cùng Đảng ta đem lại những mùa xuân cho dân tộc.

Thương binh Dương Chí Quân, xóm Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) kể về những kỷ niệm khi Bác Hồ ở Pác Bó.

Trò chuyện với chúng tôi, thương binh Dương Chí Quân, năm nay 78 tuổi, xóm Pác Bó (người nhà cụ Dương Đình, người được gặp và phục vụ Bác Hồ và cán bộ cách mạng trong thời gian Bác hoạt động cách mạng ở đây) luôn ánh lên niềm tự hào khi kể về “ông Ké” của dân làng Pác Bó: Khi Bác Hồ đến Pác Bó, người dân chỉ biết và gọi là “ông Ké”. Sự có mặt của một “ông Ké” ở núi rừng biên giới Pác Bó đã đánh dấu những tháng ngày oanh liệt, hào hùng, đi vào từng trang lịch sử của dân tộc. Tuy hoạt động trong bí mật, không ai biết mặt, chẳng ai biết tên nhưng Bác về đây đã trở thành một người con của núi rừng Pác Bó. Bác trò chuyện bằng tiếng dân tộc, rồi dạy chữ cho nhân dân, chăm lo cho con trẻ, thăm hỏi từng cụ già. Hình ảnh “ông Ké” luôn trìu mến, ân cần, gần gũi và ấm áp trong lòng người dân Pác Bó.

Trải qua 83 mùa xuân, quê hương cội nguồn cách mạng là nơi hiện thực hóa những tư tưởng chiến lược về cách mạng giải phóng dân tộc của Người. Từ năm 1941 đến nay, nơi đầu nguồn Cốc Bó, giữa bốn bề cây xanh và núi non bao quanh, từng gốc cây, phiến đá vẫn luôn ấm hơi Người. Mỗi nơi, mỗi điểm trở thành di tích lịch sử được người dân Pác Bó và nhân dân Cao Bằng trân trọng giữ gìn. Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó hằng năm luôn là “địa chỉ đỏ”, là điểm du lịch trên hành trình về nguồn của du khách thập phương. Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị, trang nghiêm là nơi để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh cũng như nhiều người dân, du khách thập phương bày tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ Người. Xóm Pác Bó xưa nghèo khó nay đổi thay và đang trên đường xây dựng nông thôn mới…

Nhớ ơn Bác và phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cao Bằng luôn khắc ghi những lời dạy sâu sắc của Bác, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Năm 2023, toàn tỉnh thực hiện đạt 12/17 chỉ tiêu phát triển KT - XH. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh không ngừng được cải thiện. Quốc phòng - an ninh được củng cố, giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền trong tỉnh được nâng lên. Khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng được củng cố, tăng cường.

Ngọc Dung

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/que-huong-coi-nguon-cach-mang-luon-am-hoi-nguoi-3167144.html