Quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động hết hạn hợp đồng trở về nước

Chương trình đưa người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đi làm việc nước ngoài) của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) đã góp phần phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, giải quyết việc làm, nâng cao tay nghề, tạo thu nhập cao, tăng nguồn ngoại tệ cho địa phương. Sau khi hết hạn hợp đồng, về nước, họ là nguồn lao động có kỷ luật, tay nghề để tiếp tục tìm được việc làm phù hợp, đóng góp vào quá trình phát triển KT-XH của địa phương.

Chị Trần Thị Phú tìm được việc làm phù hợp tại địa phương sau khi hết hạn hợp đồng lao động ở Nhật Bản -Ảnh: TÚ LINH

Chị Trần Thị Phú tìm được việc làm phù hợp tại địa phương sau khi hết hạn hợp đồng lao động ở Nhật Bản -Ảnh: TÚ LINH

Bà Nguyễn Thị Ái Loan, Trưởng phòng Lao động-Việc làm, Sở LĐ,TB&XH cho biết, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm tỉnh có khoảng 2.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung chủ yếu tại Nhật Bản, Hàn Quốc.

Riêng năm 2022, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, có 3.212 lao động đi làm việc ở nước ngoài. 6 tháng đầu năm 2023, ngành đã đưa hơn 600 lao động sang Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc làm việc theo hợp đồng.

Tính đến nay, sau gần 8 năm toàn tỉnh có hơn 14.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài; tổng số tiền các lao động gửi về cho gia đình ước khoảng hơn 5.000 tỉ đồng.

Cũng trong giai đoạn này, tỉnh có khoảng 80% lao động làm việc ở nước ngoài hết hạn hợp đồng, về nước. Nhiều lao động tiếp tục làm hồ sơ để trở lại nước ngoài làm việc, số khác ở lại quê hương, tìm được việc làm hoặc tạo lập một hướng đi riêng cho bản thân trong phát triển kinh tế.

Chị Trần Thị Phú (sinh năm 1992), ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tốt nghiệp cao đẳng sư phạm ngành Ngữ văn nhưng nhiều năm không xin được việc làm nên quyết định đi lao động tại Nhật Bản có thời hạn 3 năm.

Trong suốt thời gian này, chị vừa làm việc, vừa tranh thủ học tiếng Nhật, thi lấy chứng chỉ tiếng Nhật. Mới đây khi trở về địa phương, chị được tuyển vào dạy tiếng Nhật ở một công ty trong lĩnh vực xuất khẩu lao động tại TP. Đông Hà. Làm việc tốt, có thu nhập cao, nhưng do quãng đường đi lại khá xa nên chị xin nghỉ việc.

Nhờ kiến thức, kỹ năng tích lũy trong khi lao động ở nước ngoài, qua sàn giao dịch việc làm tại địa phương, chị được nhận vào làm việc tại bộ phận thống kê ở một công ty may tại huyện Vĩnh Linh. Tại đây, chị được lãnh đạo công ty đánh giá cao vì năng lực và tác phong làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm.

Theo chị Phú, có nhiều lao động tại địa phương sau khi hết hạn làm việc ở nước ngoài trở về quê kiếm được việc làm phù hợp. Cùng với số vốn tích lũy được và công việc hiện tại đã giúp cuộc sống người lao động khá ổn định.

Khác với chị Phú, anh Hoàng Sơn (sinh năm 1995), ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh sau khi đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản về nước, anh mở dịch vụ kinh doanh, nhưng trải nghiệm với thực tế công việc tại quê nhà giúp anh nhận ra mình còn thiếu một số kỹ năng nữa để tổ chức lao động chuyên nghiệp hơn.

Anh cho biết sẽ trở lại Nhật Bản tiếp tục làm việc thêm 3 năm nữa để trang bị những nội dung cần thiết rồi sẽ về nước tổ chức kinh doanh để tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương.

Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Lê Nguyễn Huyền Trang cho biết, đi làm việc ở nước ngoài đã và đang là lựa chọn của nhiều thanh niên Quảng Trị trong hành trình lập nghiệp. Đây là hướng đi tích cực giúp giải quyết việc làm, phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững tại địa phương. Tuy nhiên, một nội dung quan trọng khác là cần tập trung giải quyết việc làm cho người đi lao động hết hạn hợp đồng trở về nước. Vì đây là nguồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề, nếu không sử dụng sẽ lãng phí.

Khoảng 10 năm về trước, người lao động đi làm việc ở nước ngoài mục đích chủ yếu để có thu nhập. Gần đây, kinh tế trong nước phát triển, nhiều khu công nghiệp ra đời nên người lao động ra nước ngoài làm việc còn hướng đến mục đích học tập, tiếp thu kiến thức mới để về khởi nghiệp hoặc làm việc trong các công ty lớn tại Việt Nam.

Thời gian qua nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn khi tuyển dụng cũng rất ưu tiên cho những lao động đi làm việc nước ngoài trở về vì khả năng hòa nhập nhanh, không cần đào tạo lại. Tình trạng thiếu lao động kỹ thuật ở các nhà máy đang rất phổ biến nên cơ hội cho những lao động đã từng làm việc ở nước ngoài trở về dần được rộng mở.

Quản lý của Nhà máy sản xuất vật liệu ốp tường tại xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng cho biết, trong tuyển dụng đơn vị luôn ưu tiên những lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về vì họ có tay nghề, có tính kỷ luật cao.

Mới đây, khi tuyển 16 lao động vào dây chuyền sản xuất thì có một số lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về, nộp hồ sơ và được công ty tuyển 100%. Lãnh đạo nhà máy cho biết sẽ sắp xếp để trả mức lương cao hơn cho những lao động này để họ yên tâm ở lại làm việc.

Theo bà Lê Nguyễn Huyền Trang, hiện còn không ít lao động phổ thông chịu khó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm khi làm việc ở nước ngoài, nhưng để có được việc làm tốt khi trở về họ vẫn cần bổ sung một số văn bằng, chứng chỉ đào tạo tay nghề. Hỗ trợ đào tạo lại tay nghề cho người lao động trở về cũng là một trong những nội dung được sở quan tâm.

Sở sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức chuyên đề giới thiệu việc làm cho những người đi làm việc ở nước ngoài trở về. Hầu hết những lao động này tuổi đời không còn trẻ, nhưng bù lại họ có kỹ năng, kinh nghiệm hơn lao động tại chỗ. 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức tư vấn việc làm, học nghề và các chính sách liên quan đến lao động việc làm cho 16.150 lượt người, trong đó có nhiều lao động vừa về nước tìm được việc làm qua các phiên sàn giao dịch việc làm.

Cũng theo lãnh đạo Sở LĐ,TB&XH, thực tế cho thấy những năm qua, thu nhập của lao động có tay nghề trong nước tăng lên đáng kể, mức thu nhập từ 15- 30 triệu đồng/người/tháng không phải là hiếm. Vì vậy, việc đưa người đi làm việc ở nước ngoài cần có chiến lược mới, đó là đi để học hỏi kỹ năng làm việc, để khi trở về, họ góp phần từng bước khắc phục thực trạng trong nước và địa phương hiện nay là thừa lao động phổ thông nhưng thiếu lao động kỹ thuật.

Tuệ Anh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/quan-tam-giai-quyet-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-het-han-hop-dong-tro-ve-nuoc/180627.htm